05:16 30/05/2016

Đấu giá tác phẩm nghệ thuật chuyên nghiệp - một cách tiếp cận mới

Thông tin về phiên đấu giá đầu tiên với các tác phẩm nghệ thuật đã khiến nhiều người kỳ vọng đây sẽ là những bước đi đầu tiên trong hành trình đưa thị trường mỹ thuật Việt phát triển chuyên nghiệp hơn.

Lần đầu tác phẩm nghệ thuật lên sàn

Ngày 28/5, phiên đấu giá các tác phẩm nghệ thuật đầu tiên sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật được tổ chức tại khách sạn Sheraton (Xuân Diệu, Hà Nội). Sự kiện do Công ty cổ phần đấu giá Lạc Việt tổ chức thực hiện. 5 tác phẩm được mang ra đấu giá trong phiên đầu tiên này gồm có: 1 chiếc tủ thờ chất liệu gỗ gụ - niên đại cuối thế kỷ 19, kích cỡ: 125 x 54 x 120 cm, thuộc sở hữu của họa sĩ Lê Thiết Cương; bức tranh sơn dầu mang chủ đề “Bên dòng Sông Đỏ” có kích cỡ 80 x 133 cm, sáng tác năm 2016 của họa sĩ Đào Hải Phong; tranh sơn dầu mang chủ đề “Hạnh phúc”, kích cỡ 80 x 160 cm, sáng tác năm 2015 của họa sĩ Hoàng Phượng Vỹ; tranh sơn dầu, acrylic mang chủ đề “Tiên nữ vùng cao”, kích cỡ: 140 x 100 cm, sáng tác năm 2014 của họa sỹ Quách Đông Phương. Đặc biệt, trong số các tác phẩm nghệ thuật được đem đấu giá trong phiên đầu tiên này, có 2 chiếc chóe “Tứ linh” chất liệu gốm, sản xuất năm 2010 của nghệ nhân khuyết tật Phạm Anh Đạo, được chào giá khởi điểm lên tới 900 triệu đồng. Mỗi chiếc chóe nặng 5 tạ, cao 2,7 m, đường kính 1,3 m với nước men rạn theo lối giả cổ. Đôi chóe này được Phạm Anh Đạo thực hiện trong vòng 1 năm, và nung gần 70 tiếng trong lò.

Đôi chóe của nghệ nhân Phạm Anh Đạo được bán đấu giá trong phiên đầu tiên.

Theo quy định, tác giả hay chủ sở hữu của tác phẩm nghệ thuật sẽ nhận về 100% giá trị của tác phẩm theo giá khởi điểm mà tác giả ấn định. Phần bán vượt giá sẽ được thỏa thuận phân chia tại hợp đồng bán đấu giá tài sản được ký với tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp và người có tài sản bán đấu giá.

Nói về mục đích của cuộc đấu giá, ông Trần Quốc Khánh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Lạc Việt (đơn vị tổ chức cuộc đấu giá) cho biết: Tại thị trường Việt Nam, việc bán đấu giá hiện nay chưa được coi là cách bán hàng bởi thói quen, tập quán của người mua và người bán, đặc biệt với đấu giá tác phẩm mỹ thuật như tranh, ảnh, đồ mỹ nghệ, đồ cổ… Đây là lần đầu tiên, việc bán đấu giá các tác phẩm nghệ thuật được tổ chức theo quy trình, quy định của pháp luật Việt Nam về bán đấu giá tài sản. Việc tổ chức bán đấu giá được thực hiện bởi một công ty. Khách hàng khi bán đầu giá phải có hồ sơ đăng ký tham gia theo mẫu, phải đóng phí tham gia đấu giá. Trình tự đấu giá được tổ chức theo đúng thủ tục bán đấu giá, có đưa ra mức giá khởi điểm và quy định từng bước giá.

Theo ông Trần Quốc Khánh, lợi thế của việc đấu giá theo đúng quy định của pháp luật sẽ đảm bảo cho người có tài sản mang bán đấu giá, hạn chế tối đa rủi ro phát sinh. Bên cạnh đó, việc bán đấu giá theo đúng quy định cũng buộc người mua phải thực hiện cam kết, nếu từ chối sẽ bị mất một khoản phí (thường là khoản tiền đặt cọc). Đặc biệt, hình thức tổ chức bán đấu giá như hiện nay sẽ hạn chế tối đa việc thất thoát thuế cho nhà nước.

Kỳ vọng cho thị trường mỹ thuật Việt

Thực tế cho thấy, thị trường mỹ thuật Việt Nam hiện nay vẫn còn khá ảm đạm, do thiếu vắng thị trường đấu giá trong nước. Việc mua bán giao dịch các tác phẩm nghệ thuật đa phần do tự phát. Trước đây, tác giả hay chủ sở hữu các tác phẩm mỹ thuật có giá trị vẫn đang quen với cách bán phổ thông, chủ yếu là ký gửi tác phẩm tại các phòng tranh, các triển lãm với một giá được niêm yết, nếu giao dịch thành công, tác giả hay chủ sở hữu phải chi trả một phần giá trị tài sản bán được cho bên nhận ký gửi. Bên cạnh đó, những hình thức bán đấu giá từ thiện vẫn diễn ra lại không phản ánh được giá trị đích thực của tác phẩm… Do vậy, khi thông tin về một đơn vị hoạt động trong lĩnh vực đấu giá đứng ra tổ chức một phiên đấu giá tài sản là các tác phẩm nghệ thuật theo hình thức chính quy lần đầu tiên từ trước tới nay, nhiều người không khỏi bất ngờ và cũng kỳ vọng rất nhiều.

Nhiều họa sỹ cho rằng, nếu tổ chức thành công và được tổ chức thường xuyên, thì việc đấu giá các tác phẩm nghệ thuật sẽ góp phần mở ra một một kênh mua, bán tác phẩm nghệ thuật một cách công khai, vừa hạn chế tình trạng thất thoát thuế của Nhà nước, vừa góp phần thúc đẩy hoạt động sáng tác của các họa sỹ trong nước, giúp những người yêu nghệ thuật, những nhà sưu tập có thêm cơ hội tìm đến những tác phẩm nghệ thuật có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và được pháp luật bảo hộ.

Theo nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng, việc đấu giá sẽ làm minh bạch hóa nguồn gốc tác phẩm, từ đó minh bạch hóa giá trị nghệ thuật đích thực của tác phẩm nghệ thuật, bảo vệ được các giá trị văn hóa đích thực của Việt Nam trên trường quốc tế; định lượng công khai giá trị các tác phẩm nghệ thuật; Nhà nước thu được ngân sách qua các giao dịch việc mua bán và giảm dòng tiền chảy ra nước ngoài. Cuối cùng là giúp kích thích sáng tạo nghệ thuật đích thực của các nghệ sỹ, từ đó tạo thêm cơ hội cho nghệ sỹ Việt vươn ra các sàn đấu giá quốc tế...

Họa sĩ Phạm Huy Thông cũng cho rằng, mặc dù hiện nay cũng có một số Gallerry đang đảm nhận công việc bán lại hoặc ký gửi, nhưng thực sự chưa tạo thành một hệ thống quy củ. Việc tổ chức phiên đấu giá các tác phẩm nghệ thuật ở Việt Nam hiện nay là bước đệm quan trọng trong việc mua bán tranh ở Việt Nam. Chính vì vậy, Việt Nam đang rất cần có những nhà đấu giá, dù chưa có được tính chuyên nghiệp.

Mặc dù rất kỳ vọng vào phiên đấu giá đầu tiên, nhưng ông Trần Quốc Khánh cũng thừa nhận, ở Việt Nam vẫn còn nhiều người bán chưa am hiểu lắm về quy trình tổ chức bán đấu giá. Cả người mua và người bán tài sản chưa có niềm tin, bởi chưa từng diễn ra, nên khi tổ chức, công ty cũng phải chấp nhận cả sự rủi ro. Bên cạnh đó, việc tổ chức lần đầu cũng không tránh khỏi những thiếu sót. Tuy nhiên, ông Khánh cũng khẳng định, dù chưa thực sự chuyên nghiệp, nhưng việc mở một phiên đấu giá theo phong cách chuyên nghiệp và theo xu hướng thế giới, là mong muốn được đóng góp cho ngành đấu giá nước nhà một sự khởi đầu mới, khắc phục những lỗ hổng, hạn chế bấy lâu nay trong lĩnh vực này.

Phương Lan