08:08 18/08/2011

“Đầu gấu” nông thôn

Bác sĩ Phạm Đức Giầu (60 tuổi), Bệnh viện đa khoa Vũ Thư, Thái Bình, đã tử vong sau nhát dao của chính thân nhân một người bệnh vừa được ông tận tình cứu chữa nhưng không thành công.

Bác sĩ Phạm Đức Giầu (60 tuổi), Bệnh viện đa khoa Vũ Thư, Thái Bình, đã tử vong sau nhát dao của chính thân nhân một người bệnh vừa được ông tận tình cứu chữa nhưng không thành công.

Như những người chứng kiến vụ việc kể lại, ngay từ lúc nhập viện, bệnh nhân đã được “hộ tống” bởi một lũ “lâu la”, một bọn “đầu gấu” gồm hàng chục thanh niên xăm trổ đầy mình, hung hăng la hét đòi phá tủ thuốc, đánh bác sĩ. Trước tình hình đó, kíp trực đã gọi điện cầu cứu công an và đích thân Trưởng Công an thị trấn Vũ Thư, một công an viên cùng một bảo vệ dân phố đã đến trực chiến tại đây nhưng cũng không ngăn được hành động điên cuồng của chúng. Khi kíp bác sĩ trực gọi người nhà nạn nhân vào chia sẻ, trao trả thi hài thì em trai nạn nhân, tên Nguyễn Văn Dũng (18 tuổi), đã xông vào đâm liên tiếp khiến bác sĩ Phạm Đức Giầu tử vong sau đó một giờ đồng hồ, bác sĩ Ngô Duy Hoàn (30 tuổi) bị thương nặng.

Bác sĩ Giầu vốn là bộ đội thời kháng chiến chống Mỹ. Là bác sĩ chuyên khoa nhưng ở làng ông là bác sĩ đa khoa. Dân làng gọi ông là “Bác sĩ nông dân” vì ông cứ rời bệnh viện là thành nông dân ra đồng cày, cấy, gặt, hái, làm đất, gieo mạ... Bà con dân làng ai có bệnh gì gọi một tiếng là ông đến tận nơi, bất kể đêm hôm, mưa gió. Khi chữa bệnh cho người nghèo ông cho nợ tiền thuốc, thậm chí ông còn không lấy tiền. Khi ông mất, một lá cờ Tổ quốc được đồng nghiệp tại Bệnh viện đa khoa Vũ Thư lặng lẽ mang đến, trùm lên quan tài của ông. Đồng nghiệp của ông nhìn nhận ông là một liệt sĩ của ngành.

Ngành y tế mất một bác sĩ có y đức mẫu mực; và đó cũng là một nỗi đau khôn nguôi về một vụ việc chưa từng xảy ra tại Thái Bình.

Tuy nhiên, qua vụ việc chúng ta thấy, những kẻ đưa bệnh nhân vào bệnh viện ngay từ đầu đã mang tính chất côn đồ, đã manh tâm thủ ác; ngõ hầu như chỉ chờ sự việc xấu xảy ra với bệnh nhân thì bọn chúng “có cớ” để ra tay sát hại bác sĩ. Chúng ta có thể đặt câu hỏi rằng, vì sao khi đưa bệnh nhân đi cấp cứu mà một lũ “lâu la” xăm trổ đầy mình đã la hét đòi đập phá tủ thuốc, đánh bác sĩ mà không được ngăn chặn kịp thời? Rằng, trong môi trường bị đe dọa như vậy ai có thể bình tĩnh hành nghề? Như chúng ta biết, mặc dù lực lượng công an đã đến kịp thời nhưng rút cục đã không có biện pháp ngăn chặn hiệu quả nên để vụ việc đau lòng xảy ra.

Qua vụ việc này, chúng ta có thể nhận diện thêm một loại tội ác mới, và qua đó cũng nhận ra rằng ở nhiều vùng nông thôn không còn yên tĩnh bởi một số kẻ “xăm trổ đầy mình” đang càn quấy hoành hành làm những việc không chỉ vi phạm pháp luật mà không còn một chút tính người. Nạn “đầu gấu”, “côn đồ” ở làng đã trở thành vấn nạn với không ít vùng quê. Tất cả mọi người dân cho đến cán bộ các cấp, các ngành ở địa phương đều biết rõ từng tên nhưng hầu hết đều có thái độ né tránh để cho bọn chúng ngày càng lộng hành. Thực tế nhiều nơi cán bộ thôn, xã còn “nương” những tên đầu gấu này. Sự non tay của cán bộ đã không động viên được người dân đấu tranh tố giác, phòng chống tội phạm, làm cho kỷ cương pháp luật bị buông lỏng, nếp sống làng quê bị xáo trộn, an toàn trật tự xã hội không đảm bảo cho cuộc sống người dân lương thiện.

Kẻ thủ ác tất nhiên phải trừng trị theo pháp luật. Nhưng còn một lũ “lâu la”, những bọn “đầu gấu” kia cũng phải được giáo dục, cải tạo và xử lý theo pháp luật như những kẻ tòng phạm để có sức răn đe, giáo dục nhằm làm cho mỗi thôn xóm của miền quê lấy lại được sự bình yên vốn có như từ muôn đời nay.

Nguyễn Quang Vinh