11:15 11/11/2019

Dấu ấn trong sự nghiệp Tổng thống Bolivia Evo Morales

Là tổng thống thứ 80 của Bolivia, ông Evo Morales là nhà lãnh đạo người thổ dân châu Mỹ đầu tiên kể từ thời thuộc địa Tây Ban Nha, đồng thời giữ kỷ lục cầm quyền lâu năm nhất.

Ông Evo Morales, người giữ chức Tổng thống Bolivia 13 năm nay, bất ngờ tuyên bố từ chức ngày 10/11 sau khi phải đối mặt với làn sóng phản đối gay gắt. Đài Sputnik đã điểm lại các dấu ấn đáng nhớ trong sự nghiệp của ông. Các dấu ấn này đã dẫn đến những thay đổi quan trọng cho quốc gia Mỹ Latinh.

Là tổng thống thứ 80 của Bolivia, ông Morales là nhà lãnh đạo người thổ dân châu Mỹ đầu tiên kể từ thời thuộc địa Tây Ban Nha, đồng thời cũng giữ kỷ lục cầm quyền lâu năm nhất. Ông sinh ngày 26/10/1959. Lần đầu ông được bầu làm tổng thống là ngày 22/1/2006. 

Chú thích ảnh
Tổng thống Evo Morales phát biểu tại lễ nhậm chức tại Sicaya ngày 26/10. Ảnh: Reuters

Thành tựu kinh tế

Theo tờ Guardian, ông Morales là một vị tổng thống cánh tả minh bạch với các chính sách chống đói nghèo và mù chữ ở nước này. Tại thời điểm nhậm chức năm 2006, Bolivia có tỷ lệ mù chữ cao nhất Mỹ Latinh – 16% dân số. Đất nước này cũng chịu nạn đói nghèo trầm trọng. Theo tạp chí “Journal of Latin American Studies”, 35% dân số sống trong cảnh “cực nghèo” và 58,9% sống trong cảnh “nghèo vừa phải”. 

Dưới sự lãnh đạo của ông Morales, tỷ lệ “cực nghèo” đã giảm 43% còn “nghèo vừa phải” giảm 25%. Chi tiêu xã hội tăng trên 45% và lương tối thiểu được tăng gần gấp đôi: 87,7%. 

Các thành tựu kinh tế của ông Morales đã được Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ca ngợi.

Chú thích ảnh
Ông Morales rất thích bóng đá. Ảnh: AFP 

Chi tiêu xã hội

Các chương trình xã hội là một dấu ấn trong nhiệm kỳ của Tổng thống Evo Morales. Cụ thể, ông đã ban hành chính sách lương hưu cho người cao tuổi và khoản trợ cấp cho các bà mẹ nuôi con nhỏ song với điều kiện đứa trẻ sau đó phải thường xuyên được khám sức khỏe và tới trường. 

Những biện pháp khác bao gồm trao tặng hàng trăm chiếc xe kéo miễn phí, kiểm soát giá nhiên liệu, yêu cầu các nhà sản xuất lương thực phải bán tại thị trường nội địa thay vì xuất khẩu. 

Phần lớn chi tiêu xã hội được dùng để xây dựng đường sá khắp quốc gia cũng như mang điện và nước sinh hoạt đến những nơi thiếu thốn. 

Chú thích ảnh
Năm 2009, Bolivia chính thức công nhận wiphala - lá cờ caro nhiều màu của người thổ dân, là quốc kỳ thứ hai của nước này. 

Điều chỉnh các công ty

Nền tảng thành công kinh tế của ông Evo Morales được xây dựng trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên. Trong thời gian đó, ông đã làm điều mà nhiều người cho là không thể tưởng tượng được: không quốc hữu hóa ngành công nghiệp khai thác hydrocarbon quốc gia. Ông đã tăng thuế doanh nghiệp từ 18% lên mức 82%, dẫn đến doanh thu khí đốt và dầu mỏ quốc gia tăng vọt từ 173 triệu USD năm 2002 lên 1,3 tỷ USD năm 2006.

Các công ty ban đầu đe dọa rời khỏi Bolivia nhưng sau cùng đã dịu lại. Năm cầm quyền đầu tiên của ông Morales kết thúc khi Bolivia không bị thâm hụt tài chính lần đầu tiên trong lịch sử 30 năm. 

Coca có, cocaine không

Chú thích ảnh
Lá coca đã được người dân Bolivia nhai sống và pha trà hàng trăm năm nay. Ảnh: AFP 

Dưới thời Tổng thống Morales, việc trồng cây coca truyền thống được coi là hợp pháp. Khắp Bolivia có khoảng 50.000ha trồng coca. Nhà lãnh dạo Morales đã yêu cầu các hiệp hội địa phương kiểm tra các gia đình tư nhân, không để họ vượt quá mức cho phép 1.600 mét vuông cây coca. 

Năm 2012, Bolivia rút khỏi Công ước Liên hợp quốc 1961 quy định trồng coca là bất hợp pháp. Năm 2013, nước này đã thuyết phục Công ước chung về ma túy của LHQ loại bỏ cây coca là chất ma túy. Cùng lúc đó, ông ra lệnh truy quét đàn các nhà sản xuất cocaine.

Bất ổn

Chú thích ảnh
Các tổng thống cánh tả của Venezuela, Bolivia, Brazil và Ecuador năm 2008. Ảnh: AFP

Tuy nhiên, không phải mọi thứ ở Bolivia đều là hoa hồng và cầu vồng. Vì ngay từ ngày đầu tiên nhậm chức, ông Morales đã phải đấu tranh với các phong trào tự trị trong nước, đặc biệt ở các tỉnh miền Đông. Các nhà hoạt động cựu đoan hóa đã chiếm sân bay, chặn đường phố. Tình trạng bất ổn lên đến đỉnh điểm trong vụ thảm sát Porurine năm 2008, cướp đi sinh mạng của 12 người biểu tình. 

Năm 2009, chính phủ đã đàm phán với phe đối lập và thông qua Hiến pháp mới, thay đổi 100 trong số 411 điều khoản. Dù vậy, hiến pháp sửa đổi vẫn không thể làm thỏa mãn các tỉnh miền Đông. 

Nhiệm kỳ thứ hai của ông sa lầy trong biểu tình. Người biểu tình đòi nâng lương tối thiểu và đảo ngược một số cải cách chính phủ. Một vài tỉnh đã có tỷ lệ thất nghiệp cao và thiếu đầu tư cơ sở hạ tầng. Khi bị chính phủ giải tán biểu tình, coi đây là sự chống đối quyền chính trị, các cuộc biểu tình đã biến thành bạo lực. Cuối cùng, chính phủ đã áp dụng lại nhiều cải cách.

Chú thích ảnh
Chiến thắng lần thứ 4 của ông Morales đã châm ngòi cho nhiều cuộc biểu tình phản đối, cuối cùng dẫn đến việc ông phải từ chức. Ảnh: Reuters

Nhiệm kỳ kế tiếp của Tổng thống Evo Morales bị ảnh hưởng khi có thông tin tiết lộ ông có con với bà Gabriela Zapata Montano, nhân viên tại một công ty Trung Quốc. Theo hãng BBC năm 2016, ông Morales bị chỉ trích thiên vị công ty Trung Quốc này, điều mà ông Morales kịch liệt phủ nhận. Ông thừa nhận mình có con với bà Gabriela song đứa trẻ đã chết không lâu sau khi chào đời. Bê bối này đã hủy hoại danh tiếng của Tổng thống Morales đến nỗi ông bị thua phe đối lập trong các cuộc thăm dò năm 2016. 

Tháng 11/2017, Tòa án Công lý Tối cao của Bolivia phán quyết rằng tất cả các cơ quan công quyền sẽ không giới hạn nhiệm kỳ, cho phép ông Morales tiếp tục ra tranh cử. Ngày 20/10/2019, ông đắc cử nhiệm kỳ thứ tư song kết quả bỏ phiếu không được phe đối lập công nhận. Sau khi quân đội và cảnh sát yêu cầu từ chức, ông Morales tuyên bố rời khỏi vị trí Tổng thống Bolivia.

Hoàng Trang/Báo Tin tức