02:15 07/02/2013

"Dấu ấn" Tin tức khắp mọi miền

Ông Kim Hồng Danh - Phó Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh:... Có thể nói Báo Tin tức là tờ báo có chất lượng tốt cả nội dung lẫn hình thức, bài viết mang tính định hướng tốt, đặc biệt là đối với đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc.

Ông Bon Yo Soan - Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng: Tâm đắc với chuyên trang “Dân tộc miền núi”

Báo Tin tức đã phần nào làm tốt vai trò là Kênh thông tin của Chính phủ do TTXVN phát hành, đã chuyển tải khá đầy đủ các hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành của Chính phủ trên các mặt kinh tế - xã hội của đất nước; cũng như thông tin đầy đủ các chính sách mới của Nhà nước. Cùng với đó, tôi cho rằng Báo Tin tức cũng đã thể hiện vai trò là một tờ báo chính trị - xã hội ra hàng ngày trong việc phản ánh những thông tin, sự kiện, vấn đề trên tất cả các lĩnh vực ở cả trong và ngoài nước được dư luận quan tâm.


Dưới góc độ là một độc giả, một cán bộ công tác tại một tỉnh miền núi, đồng thời là người làm về công tác dân tộc, tôi rất tâm đắc với chuyên trang “Dân tộc và miền núi” của Tin tức. Từ việc phản ánh đời sống, phát triển kinh tế của đồng bào các dân tộc, bà con vùng cao, vùng miền núi còn nhiều khó khăn, đến những bài viết, phóng sự, tư liệu, chuyên đề giới thiệu, quảng bá về nét đẹp văn hóa của cộng đồng các dân tộc, những gương người tốt việc tốt, người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc thiểu số cũng được báo chuyển tải sinh động, phong phú. Một điểm đáng chú ý nữa là chuyên trang “Dân tộc và miền núi” đã giới thiệu nhiều kinh nghiệm làm ăn, phổ biến kiến thức về nông nghiệp, khoa học, y tế, phòng chống dịch bệnh cho người, vật nuôi và cây trồng…, là những điều rất bổ ích và thiết thực đối với bà con sinh sống ở miền núi và các dân tộc thiểu số.


Trong thời gian tới, cùng với việc nâng cao chất lượng, cải tiến thêm về nội dung, hình thức cho xứng tầm là tờ nhật báo của TTXVN, Kênh thông tin của Chính phủ, tôi rất mong Báo Tin tức cũng sẽ tăng cường thêm nhiều nội dung, chuyên mục, bài viết về đồng bào các dân tộc nói chung, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, trong đó có tỉnh Lâm Đồng nói riêng, để phản ánh kịp thời đời sống và sinh hoạt văn hóa, xã hội đa dạng, giàu màu sắc của đồng bào đến với nhân dân cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài. Đồng thời, tôi cũng rất mong Báo Tin tức sẽ tăng cường thông tin các chính sách của Đảng và Nhà nước, phổ biến pháp luật, kiến thức đời sống, khoa học kỹ thuật cho đồng bào dân tộc và miền núi, với những cách chuyển tải phù hợp, hiệu quả và thiết thực cho từng cộng đồng, từng địa phương, vùng miền khác nhau.


Hoàng Liên Sơn


Ông Lò Văn Thoạn, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Điện Biên: Báo Tin tức là bạn đồng hành thiết thực


Báo Tin tức, Kênh thông tin của Chính phủ do TTXVN phát hành là một ấn phẩm có nội dung rất đa dạng, phong phú đáp ứng được văn hóa đọc, nhu cầu nâng cao dân trí, nắm bắt thông tin, tìm hiểu của mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Việc Báo Tin tức được cấp phát miễn phí tại địa bàn tỉnh Điện Biên đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước dành cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh.


Trong những năm qua, Báo Tin tức được phát hành ở Điện Biên đã đến được địa bàn vùng cao, vùng sâu, vùng xa thường xuyên, kịp thời. Hình thức của Báo Tin tức trang trí đẹp. Nội dung Báo Tin tức đề cập rất đa dạng, phong phú, thông tin trên Báo Tin tức phản ánh có tính chính xác cao, nhanh nhạy, nắm bắt kịp thời, đầy đủ các lĩnh vực của đời sống như: Tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội…, trên thế giới cũng như trong cả nước. Nhất là các hoạt động của Đảng, Nhà nước đã được Báo Tin tức đề cập đậm nét nên rất thiết thực đối với Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Điện Biên.


Là một tỉnh nghèo, mặt bằng trình độ dân trí của người dân còn thấp, nên nhu cầu đọc báo, cung cấp, cập nhật thông tin là rất cao, nhất là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khăn… Việc Báo Tin tức đến vùng miền núi, biên giới đóng vai trò, vị trí quan trọng đối với đồng bào cộng đồng các dân tộc: Qua Báo Tin tức, người dân được cung cấp những thông tin bổ ích và được trang bị những kiến thức, thông tin khoa học, kỹ thuật về chăn nuôi, làm ăn kinh tế hiệu quả, hay gương người tốt việc tốt để từ đó áp dụng vào thực tiễn, đưa kinh tế gia đình vuơn lên thoát nghèo. Các văn bản, chính sách mới của Đảng, Nhà nước thường xuyên được cập nhật trên Báo Tin tức, liên quan trực tiếp đến quyền lợi, lợi ích của người dân, giúp người dân nâng cao kiến thức, nắm bắt và hiểu rõ hơn về pháp luật. Các đối tượng là già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, người có uy tín… có được tờ Báo Tin tức trong tay cũng là một kênh thông tin để nâng cao kiến thức của bản thân và khi đi vận động tuyên truyền với người dân càng sát thực hơn, tạo lòng tin đến người dân cao hơn.


Cùng với đó, Báo Tin tức có nhiều chuyên trang, chuyên mục phản ánh khá đậm nét văn hóa, bản sắc các dân tộc, lễ hội đồng bào thiểu số trên cả nước. Qua đó đã khuyến khích, giúp cho nhân dân của 19 dân tộc anh em trên địa bàn Điện Biên nâng cao ý thức, trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, bản sắc dân tộc mình.


Báo Tin tức đến được các xã vùng miền núi, biên giới tỉnh Điện Biên là một người bạn đồng hành thiết thực với lãnh đạo, cán bộ, công chức... địa phương. Tờ báo đã thật sự đi vào cuộc sống của người dân và trở thành một nhu cầu thiết yếu trong cung cấp thông tin, nâng cao dân trí, nâng tầm hiểu biết của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn.


Xuân Tiến


Ông Phạm Trung Cương, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang: Thông tin đến từng bản làng


Báo Tin tức đã đến với đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu vùng xa tỉnh Tuyên Quang từ lâu. Đây là cầu nối giữa Đảng với nhân dân, báo góp phần tích cực trong việc tuyên truyền đến người dân những chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó, báo còn góp phần nâng cao trình độ cho người dân về mọi mặt của đời sống xã hội qua các trang thông tin.

Tờ Tin tức được ông Phạm Trung Cương, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang xem hàng ngày.


Với 16 trang thông tin, có rất nhiều chuyên mục bổ ích đối với người dân. Đặc biệt, trang thông tin “Dân tộc và miền núi” với nhiều chuyên mục hấp dẫn như: “Gương sáng soi chung”, “Phổ biến kiến thức”. Những tin, bài trong các chuyên mục này mang lại hiệu quả thiết thực đối với bà con nhân dân. Bà con có thể áp dụng thông tin từ chuyên mục “Phổ biến kiến thức” để áp dụng vào sản xuất, chăm sóc cây trồng vật nuôi, phòng trừ sâu bệnh, dịch bệnh, rất nhiều hộ gia đình đã học tập những tấm gương làm giàu trên chuyên mục “Gương sáng soi chung” để làm giàu trên quê hương mình...


Tuy nhiên, Báo Tin tức cần có thay đổi về bố cục trang báo, cụ thể: Thông tin quốc tế chiếm khá nhiều diện tích trên báo (3 trang) trong khi những thông tin này đưa về vùng sâu vùng xa, đồng bào ít hoặc hầu như không quan tâm. Mặt khác, báo nên đi sâu tuyên truyền những điều cụ thể về chủ trương chính sách của Đảng, các chương trình 134, 135, các công trình nước sạch, vệ sinh môi trường, luật đất đai... Bởi đồng bào vùng sâu vùng xa hầu như không nắm rõ về vấn đề này. Ngoài ra báo có thể đăng 1 - 2 trang bằng tiếng Mông trong vòng một tháng hoặc một quý, để thông tin tuyên truyền đến gần người dân hơn, vì đồng bào dân tộc Mông hiện nay chiếm số lượng khá đông so với các dân tộc khác trong tỉnh nhưng những tài liệu phục vụ cho bà con còn ít.


Nguyễn Văn Tý

Ông Kim Hồng Danh - Phó Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh: Mong Tin tức vừa “hay” vừa “nóng”


Có thể nói Báo Tin tức là tờ báo có chất lượng tốt cả nội dung lẫn hình thức, bài viết mang tính định hướng tốt, đặc biệt là đối với đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc. Đặc biệt, đối với đồng bào Khmer Trà Vinh, tờ báo đã giúp cho đồng bào hiểu rõ chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước. Nội dung tờ báo mang lại những lợi ích thiết thực, giúp đồng bào học hỏi được nhiều kinh nghiệm hay từ các mô hình làm ăn, mô hình sản xuất hiệu quả, giúp đồng bào hiểu biết thêm về phong tục, tập quán, những nét văn hóa của nhiều vùng miền, nhiều dân tộc anh em khác nhau trong nước.


Trong năm mới, tôi cũng như độc giả khác của Báo Tin tức mong muốn Báo Tin tức ngày càng thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của một tờ báo chính thống, một Kênh thông tin của Chính phủ. Ngoài việc chuyển tải đến bà con chủ trương, đường lối chính sách, Báo Tin tức cần đẩy mạnh hơn nữa việc giới thiệu những mô hình sản xuất kinh doanh, làm ăn hiệu quả để bà con có thêm kinh nghiệm, báo cần đi sâu giới thiệu những phong tục, tập quán, nét văn hóa của các dân tộc anh em, các vùng miền trong cả nước để bà con có thêm hiểu biết và cần có tiếng nói phản biện xã hội, đấu tranh với cái sai, cái xấu một cách mạnh mẽ. Riêng về khâu phát hành, hiện nay báo đến với đồng bào vùng sâu, vùng xa vẫn còn chậm, khiến nhiều thông tin đến với bà con chưa được kịp thời, chúng tôi mong muốn báo sớm khắc phục những hạn chế trong khâu phát hành để thông tin của tờ báo không chỉ hay mà còn phải “nóng” hơn.


Lê Hiền

Trung úy Nguyễn Văn Mạnh, Trung đoàn 271, Quân khu 7:Nên có thêm trang “Hành trang người lính”


Cầm trên tay tờ Báo Tin tức chúng em rất vui. Đây là lần đầu tiên các chiến sĩ đơn vị em được xem tờ báo này. Xem và đọc báo, chúng em tiếp nhận được nhiều nguồn tư liệu bổ ích, đón nhận được nhiều thông tin chính trị, kinh tế - xã hội tổng hợp. Các trang báo luôn đầy ắp sự kiện trong nước và thế giới.

Các chiến sĩ Trung đoàn 271, Quân khu 7 đọc Báo Tin tức sau giờ huấn luyện. Ảnh: Viết tôn


Nhưng em thấy báo in chữ hơi nhỏ, và nhiều chữ quá. Các báo hiện đại trình bày rất dễ đọc, chủ yếu là tin, tin ảnh chứ không trình bày như Báo Tin tức. Trang Phóng sự, Đời sống - xã hội và trang Văn hóa dân tộc trên Báo Tin tức Cuối tuần có nhiều bài viết rất hay, qua trang báo chúng em biết được nhiều thông tin lý thú. Trang quốc tế chỉ hai trang là vừa đủ, nếu có thể Báo Tin tức nên mở thêm trang “Hành trang người lính” trong đó có thể đăng cả những thông tin về biên giới, hải đảo. Bởi ở những nơi này, mạng internet không phải chỗ nào cũng có, và đặc biệt là các đơn vị quân đội việc tiếp cận với báo mạng rất hạn chế vì là đặc thù quân đội. Chính vì lẽ đó những đơn vị đóng quân nơi biên giới, hải đảo rất cần thông tin bằng báo giấy như Báo Tin tức. Nếu báo có thêm trang “Hành trang người lính” chúng em sẽ có điều kiện cộng tác, viết bài nói về kỷ niệm và cuộc đời chiến sĩ, biết đâu lại là món ăn tinh thần mới cho bạn đọc.


Về lâu dài, chúng em mong muốn Quân khu và Trung đoàn sớm đặt thêm Báo Tin tức để hàng ngày, hàng tuần chúng em sinh hoạt văn hóa được đọc nhiều hơn, tìm hiểu kỹ hơn về những sự kiện trong nước và thế giới, biết được sự đổi thay của đất nước qua trang báo. Từ đó, khi đi cơ sở chúng em có điều kiện vận động quần chúng nhân dân quan tâm xem và đọc Báo Tin tức.


Viết Tôn

Ông Lý Sóc Kha - Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng: Báo Tin tức giúp đồng bào Khmer Sóc Trăng thêm nhiều kiến thức


Sau hơn 2 năm thực hiện theo Công văn của Thủ tướng Chính phủ về việc cấp Báo Tin tức phục vụ đồng bào miền núi và dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn (từ cuối năm 2010), đến nay Báo Tin tức đã được đưa về Sóc Trăng mỗi ngày gần 500 tờ và được phát hành tới lãnh đạo các xã, các ấp có đông đồng bào dân tộc Khmer, các chùa Khmer, đồn biên phòng đóng trên địa bàn tỉnh. Trên 80 xã, phường, thị trấn (vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số) của tỉnh Sóc Trăng đã được nhận Báo Tin tức hàng ngày.


Đánh giá về hiệu quả của Báo Tin tức về tới tay đồng bào Khmer Sóc Trăng tại các phum sóc vùng đồng bào dân tộc Khmer, ông Lý Sóc Kha, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng cho biết: Đây là tờ báo hàng ngày được phát hành với số lượng lớn nhất miễn phí tới bà con Khmer ở Sóc Trăng. Mỗi ngày, Báo Tin tức về đến Bưu điện tỉnh từ khá sớm và được phát hành về các địa phương theo danh sách. Các xã, phường ở gần thì nhận được báo trong ngày, trừ một số xã vùng sâu của tỉnh có thể sẽ nhận vào sáng hôm sau, bưu điện tỉnh cũng đã cố gắng để Báo Tin tức của TTXVN sớm đến tay bà con trong địa bàn tỉnh.


Theo ông Lý Sóc Kha: Báo Tin tức có nhiều thông tin, có những chuyên trang riêng cho đồng bào dân tộc miền núi các vùng miền; giới thiệu cách làm ăn, mô hình sản xuất giỏi, các gương điển hình của đồng bào các dân tộc; các phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa từng vùng rất đáng để học tập. Thỉnh thoảng, Báo Tin tức cũng đăng tải, phản ánh về cuộc sống, văn hóa, mô hình làm kinh tế gia đình giỏi của người Khmer ở Sóc Trăng nên bà con Khmer Sóc Trăng rất thích, chuyền tay nhau đọc tham khảo... Bên cạnh đó, hình thức của tờ báo cũng rất đẹp, được in màu, trình bày dễ đọc. Về thăm các phum sóc Khmer ở vùng sâu, bà con cũng rất mừng là có một tờ báo phát hành hàng ngày được Chính phủ tài trợ miễn phí. Với các xã, ấp vùng sâu, đông đồng bào dân tộc Khmer ở một số địa phương thì tờ Tin tức của TTXVN sẽ là một “món ăn” tinh thần cho cán bộ và đồng bào địa phương...


Trung Hiếu

Món ăn tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số


Trước thềm năm mới Xuân Quý Tỵ - 2013, chúng tôi có tìm hiểu và phản ánh tâm tư nguyện vọng của bạn đọc là đồng bào dân tộc thiểu số đối với Báo Tin tức, đặc biệt là chuyên mục "Văn hóa Dân tộc" của Tin tức Cuối tuần.

Nhiều đảng viên người dân tộc thiểu số coi Báo Tin tức là tài liệu trong các cuộc sinh hoạt chi bộ.


Thời gian qua, Báo Tin tức (Thông tấn xã Việt Nam) đã góp phần tích cực trong việc truyền tải các thông tin bổ ích về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc và miền núi. Qua tìm hiểu từ thực tế được biết, hầu hết bà con rất vui mừng khi thấy truyền thống văn hóa của dân tộc mình được đăng tải trên Báo Tin tức và được phát hành rộng rãi khắp cả nước.


Cầm trên tay tờ Báo Tin tức, ông Hữu Thanh Dung (một đảng viên gương mẫu của đồng bào dân tộc Khmer ở ấp 7, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) vui mừng: "Ngoài những nội dung phản ánh thiết thực về đời sống, kinh nghiệm trong lao động sản xuất..., chuyên mục "Văn hóa Dân tộc" còn đăng tải về truyền thống văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số, từ chuyên mục này, ngoài việc đọc để am hiểu về truyền thống văn hóa của dân tộc mình, chúng tôi còn có thể tìm hiểu thêm về truyền thống văn hóa của các dân tộc anh em trên khắp mọi miền đất nước".

Nhiều số báo được phát hành cách nay gần cả năm nhưng vẫn được Đại đức Hữu Ty Na, Sư cả chùa Cáo Dân (Cà Mau) cất giữ cẩn thận.


Qua thực tế tại một số địa phương tỉnh Cà Mau cho thấy, có nhiều số báo được phát hành cách nay gần cả năm nhưng vẫn được các hương thân phụ lão, các nhà sư, Ban quản trị chùa và nhiều bạn đọc cất giữ cẩn thận. Thông tin trên Báo Tin tức còn được đem ra sinh hoạt trong Phật tử và cả trong lớp học giáo lý của các nhà sư. Đại đức Thạch Minh Thắng, Sư cả chùa Serayvongsa Tam Hiệp, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) cho biết: “Tôi thường đem chuyên mục "Văn hóa Dân tộc" vào lớp đọc cho các học sinh con em người dân tộc nghe về những bài viết về truyền thống văn hóa dân tộc mình. Tôi luôn cảm nhận rằng, chuyên mục "Văn hóa Dân tộc" đã góp phần đáng kể tạo nên sự giao thoa văn hóa giữa cộng đồng các dân tộc ở Việt Nam".


Còn đối với anh Thạch Văn Tấn - Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau): "Do ở xa chùa, từ nhỏ tôi đã theo học chữ phổ thông, khi ra trường thì vào công tác nên tôi ít am hiểu về truyền thống văn hóa của dân tộc mình. Được đọc nhiều về chuyên mục "Văn hóa Dân tộc" của Báo Tin tức Cuối tuần, sự am hiểu về truyền thống của các đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được nâng cao. Số báo nào có liên quan đến văn hóa dân tộc Khmer, tôi còn xin về cất ở nhà riêng để xem đi xem lại nhiều lần vì nó rất bổ ích cho chúng tôi, đặc biệt là cán bộ làm công tác dân tộc".


Qua thực tế trên cho thấy, với các hương thân phụ lão, các nhà sư, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, Báo Tin tức là một kênh thông tin bổ ích phục vụ cho công tác tuyên truyền. Còn đối với cán bộ, học sinh, sinh viên Báo Tin tức là một bộ tài liệu học tập, sưu tầm về truyền thống văn hóa của mình. Từ đó đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Việt Nam.


Xuân Trang