10:23 26/10/2011

Dấu ấn phà Thủ Thiêm

Những ngày này, phà Thủ Thiêm vẫn hoạt động bình thường, nhưng trong tâm tưởng của những cán bộ, nhân viên bến phà Thủ Thiêm, họ sắp hoàn thành sứ mệnh cùng với chiếc phà Thủ Thiêm được xem là lâu đời nhất miền Nam.

Những ngày này, phà Thủ Thiêm vẫn hoạt động bình thường, nhưng trong tâm tưởng của những cán bộ, nhân viên bến phà Thủ Thiêm, họ sắp hoàn thành sứ mệnh cùng với chiếc phà Thủ Thiêm được xem là lâu đời nhất miền Nam.

Cụ Trần Văn Hải ở xóm Cây Bàng, phường An Khánh, quận 2 cho biết, bến phà Thủ Thiêm có từ thời Pháp thuộc, nhưng hồi đó người dân không được đi mà phải qua sông bằng đò ngang. Sau đó đến thời chính quyền Sài Gòn, bến phà Thủ Thiêm hoạt động rầm rộ hơn với 4 chiếc đưa khách sang sông.

Sau khi giải phóng, năm 1975, Xí nghiệp phà Thủ Thiêm chính thức hoạt động, nhưng phải đến những năm 1985, vùng Thủ Thiêm lượng khách bắt đầu đông lên, bến phà Thủ Thiêm mới trở thành phương tiện vận chuyển an toàn hơn và chủ lực cho đến nay.

Bao nhiêu năm gắn bó với khúc sông nhỏ nhưng được xem là tuyến giao thông huyết mạch chở hàng chục ngàn lượt khách mỗi ngày, những cán bộ, nhân viên phà Thủ Thiêm có tâm trạng vừa vui mừng, vừa lưu luyến. Những người đã gần đến tuổi về hưu và có hơn 36 năm trong nghề lái phà như Thuyền trưởng Trần Thanh Hùng có lẽ sẽ lưu luyến chiếc phà Thủ Thiêm hơn bất kỳ ai. Những ký ức về hành trình 36 năm biến đổi không ngừng của xã hội, sự phát triển nhanh đến ngỡ ngàng của thành phố. Anh Hùng nói, khoảng từ năm 1996 trở về trước, khách qua phà chủ yếu là đi xe đạp, con người ăn mặc rất bình dị. Từ quận 2 nhìn về quận 1 cũng không khác mấy, lúc đó quận 1 chỉ có vài tòa cao ốc, một số thì đang được xây dựng.

Cách đây 3 năm, khi cầu Thủ Thiêm được đưa vào sử dụng thì lượng hành khách qua phà đã giảm mạnh từ 45.000 lượt một ngày xuống còn 9.000 lượt. Từ đó đến nay công ty phải bù lỗ để bến phà vẫn hoạt động. Và khi hầm Thủ Thiêm sẽ chính thức thông xe, lượng hành khách qua phà sẽ giảm mạnh, việc đóng cửa phà Thủ Thiêm để giảm gánh nặng cho doanh nghiệp là điều tất yếu.

Việc bỏ hay để lại phà Thủ Thiêm đang được cân nhắc, có thể phà sẽ được giữ lại như một kỷ niệm vì cũng có ý kiến mong muốn UBND TP.HCM cho phép đầu tư bến thủy nội địa, đầu mối phục vụ phát triển du lịch đường thủy để đáp ứng nhu cầu đi du lịch trên sông Sài Gòn của hành khách tại thành phố, như vậy có thể giữ lại một số lao động làm việc, và điều quan trọng là để giữ lại ký ức và hồn cốt của bến phà này trên vùng sông nước TP.HCM. Tuy nhiên, vấn đề là cần tổ chức bến tàu thật đẹp, vừa bảo đảm an toàn, vừa bảo đảm thẩm mỹ cho bộ mặt ở khu vực trung tâm TP.

Sĩ Dũng