01:10 18/01/2015

Dấu ấn oai hùng Khu kinh tế thanh niên

Hơn 40 năm về trước, tại nơi đây bao chàng trai, cô gái từ miền xuôi lên miền rừng Tân Sơn chung tay xây dựng khu kinh tế thanh niên.

Một ngày đông, chạy xe dọc con đường quanh co, uốn lượn theo những sườn đồi, chúng tôi về Khu kinh tế Thanh niên (nay là Xí nghiệp chè Thanh Niên Minh Đài, trực thuộc Công ty chè Phú Đa), xã Minh Đài, huyện vùng cao Tân Sơn, Phú Thọ.

Hơn 40 năm về trước, tại nơi đây bao chàng trai, cô gái từ miền xuôi lên miền rừng Tân Sơn chung tay xây dựng khu kinh tế thanh niên.

Một góc Khu kinh tế Thanh Niên, nay là nông trường Minh Đài. Ảnh: Báo Phú Thọ


Dù từng trải qua mất mát của chiến tranh và những đổi thay trong cuộc sống, nhưng những thanh niên xung phong ngày xưa còn trụ lại nơi đây vẫn không bao giờ quên ký ức hào hùng.

Dấu ấn oai hùng


Ngày 23/12/1970, Chính phủ ký Quyết định thành lập Khu kinh tế thanh niên và giao cho Trung ương đoàn phụ trách, lấy nòng cốt là cán bộ Trung ương đoàn và 500 đoàn viên ưu tú từ các tỉnh: Nam Hà, Hải Hưng (cũ), Thái Bình, và Hải Phòng cùng thanh niên địa phương với nhiệm vụ được giao là thí điểm phát triển kinh tế miền rừng, qua đó đào tạo lớp thanh niên “vừa hồng, vừa chuyên” kết hợp phát triển kinh tế với rèn luyện văn hoá - chính trị.

Ngày 23/2/1971, khu kinh tế được tuyên bố thành lập và bước vào hoạt động tại xã Minh Đài, huyện Tân Sơn với khẩu hiệu 8-2-2 (có nghĩa là 8 tiếng làm việc, 2 tiếng học chính trị, 2 tiếng sinh hoạt văn hoá)

Sau hơn một năm vượt qua mọi khó khăn và tạm thời ổn định, ngày 20/9/1972, giặc Mỹ điên cuồng bất ngờ trút 126 quả bom và nhiều rocket, phá hủy toàn bộ khu trung tâm sản xuất, 45 đồng chí đã anh dũng hy sinh, 26 đồng chí khác bị thương khi đang làm nhiệm vụ sản xuất và chiến đấu.

Sau cuộc tấn công ác liệt của đế quốc Mỹ, tập thể cán bộ, công nhân viên Khu kinh tế đã phát động nhiều phong trào biến đau thương thành hành động cách mạng trả thù cho đồng chí, đồng đội.

Khu kinh tế thanh niên đã tạo nên những thành quả quan trọng, hoàn thành mục tiêu xây dựng vùng kinh tế mới, tạo việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc trong vùng. Đồng thời trở thành trường học cộng sản, là trung tâm đào tạo và rèn luyện con người mới xã hội chủ nghĩa.

Ông Bùi Duy Nghĩa, cựu Thanh niên xung phong nhớ lại: Năm 1972 không quân Mỹ ném bom phá hoại cơ sở khu kinh tế. Phát hiện âm mưu của địch, hầu hết đoàn viên thanh niên được lệnh sơ tán, chỉ còn 90 người trụ lại. Thế nhưng trong một trận bom ác liệt, một nửa số người ở lại đã hy sinh.

Khi máy bay Mỹ rút đi, những người còn sống sót lần mò men theo bờ suối đi tìm xác đồng đội, không khí đau thương bao trùm cả khu kinh tế. Chiến tranh đã dập tắt ước mơ, hoài bão của 45 trái tim tuổi trẻ.

Chị Nghiêm Thị Tuyết tâm sự: “Ngày xưa, khi lên khu kinh tế được cán bộ quán triệt trong 3 năm đầu tiên “cấm yêu, cấm có tình cảm trai gái và cấm cưới”, để tập trung cho việc học tập và phát triển kinh tế. May mắn được cử đi học đại học Nông nghiệp, rồi qua Liên Xô học tập nên mãi đến năm 90 tôi mới lập gia đình. Dù muộn màng nhưng tôi vẫn hạnh phúc hơn những đồng đội của mình vì có một mái ấm”.

Không chỉ mất mát về người, trận bom đó còn phá hủy hoàn toàn cơ sở vật chất và các trang thiết bị của khu kinh tế thanh niên trong những ngày đầu non trẻ. Với quyết tâm phải xây dựng thành công khu kinh tế của thanh niên, Đảng, Nhà nước tiếp tục đầu tư máy móc, thiết bị để hồi phục khu kinh tế.

Từ những ngày đầu tiên, khu kinh tế chủ yếu trồng chuối, rồi sau đó chuyển sang trồng chè, trồng rừng, chăn nuôi lợn… Đến năm 1975, đã có tới 927 thanh niên ở 41 tỉnh, thành trong cả nước lên tham gia xây dựng khu kinh tế mới ở nơi này.

Mở rộng thị trường tiêu thụ chè

Thừa kế những thành quả về kinh tế chính trị của thời kỳ đầu xây dựng, trong thời kỳ đổi mới, Xí nghiệp chè Thanh Niên Minh Đài xây dựng tổ chức mô hình doanh nghiệp, chuyển đổi phương hướng sản xuất sang trồng cây chè cho phù hợp với vùng đồi trung du và thuận lợi cho việc chế biến tại chỗ.

Với cố gắng không mệt mỏi của tập thể cán bộ công nhân viên; diện tích, năng suất, sản lượng chè hàng năm tăng nhanh, chất lượng tốt.

Từ sản xuất chế biến chè, Xí nghiệp chè Thanh Niên Minh Đài đã xây dựng được trụ sở nhà làm việc, đường điện 35KV, làm cầu Thanh Niên, làm đường nối với QL32, nhà trẻ, trường học, bệnh xá... tạo điều kiện cơ sở vật chất cho cán bộ công nhân viên và nhân dân trong vùng đi lại sinh hoạt thuận lợi.

Trong thời kỳ xóa bỏ bao cấp chuyển sang tự hạch toán độc lập, cũng có lúc khu kinh tế thanh niên rơi vào tình trạng hết sức khó khăn: Thị trường đầu ra khó khăn, bạn hàng truyền thống không còn, năng suất lao động thấp, cơ chế quản lý chưa thích ứng.

Đứng trước tình thế đó, được sự giúp đỡ của Bộ Nông nghiệp trực tiếp là Tổng công ty Chè Việt Nam, Đảng ủy và giám đốc xí nghiệp đã có những giải pháp thích hợp, tập trung tháo gỡ, chỉ đạo tổ chức lại sản xuất, thực hiện khoán vườn chè lâu dài cho người lao động; tích cực đầu tư thâm canh, chấn chỉnh quản lý, lấy phát triển sản xuất là động lực để giải quyết mọi vấn đề, do vậy đã tạo nên một không khí lao động mới, người lao động yên tâm gắn bó, đầu tư chăm sóc vườn chè.

Trên cơ sở ấy, Xí nghiệp chè Thanh Niên từng bước vượt qua khó khăn và lấy lại được đà phát triển, liên tục ổn định trong những năm tiếp theo.

Nhiều năm qua, Xí nghiệp chè Thanh niên Minh Đài luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, vừa mở rộng diện tích, vừa thâm canh theo chiều sâu, năng suất bình quân đạt 15- 16 tấn/ ha và đưa tiến bộ khoa học vào việc thu hái để ổn định và nâng cao đời sống người lao động.

Được sự quan tâm của Công ty chè Phú Đa, Xí nghiệp chè Thanh Niên Minh Đài đã xây dựng một nhà máy chế biến chè hiện đại công suất 70 tấn chè búp tươi/ ngày; hàng năm sản xuất 2.200 tấn chè xuất khẩu, gần bằng ½ sản lượng toàn Công ty; doanh thu đạt gần 70 tỷ đồng.

Chất lượng tốt, sản phẩm của công ty xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới, trong đó có thị trường Mỹ là thị trường khó tính, từ đó tạo ra năng lực sản xuất lớn và giải quyết công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động.

Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể; xây dựng cơ sở vật chất, đời sống văn hóa tinh thần, an sinh xã hội được nâng lên rõ rệt. Nhiều con em của Khu kinh tế thanh niên thế hệ thứ hai đã đỗ đại học, cao học và trưởng thành ở khắp mọi miền của Tổ quốc.

Lãnh đạo Xí nghiệp chè Thanh niên Minh Đài cho biết: Muốn phát triển mạnh, bền vững không còn cách nào khác là xí nghiệp phải tìm hướng đi cho riêng mình, phải tìm những thị trường mới…

Song song với đó là phải đầu tư công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm chè mới có cơ hội phát triển. Sau mấy năm cố gắng, hiện chúng tôi đã đưa được sản phẩm của mình vào Mỹ, I Ran, Anh, và nối lại được với thị trường cũ là I Rắc. Tuy mới là bước đầu, và số lượng còn ít, nhưng tại những thị trường đó, sản phẩm của chúng tôi đều được đánh giá là tốt…

Hơn 40 năm qua là một bài ca chiến đấu và lao động đáng tự hào của các thế hệ tuổi trẻ khu kinh tế thanh niên, góp phần ngày càng ấm no, hạnh phúc, góp phần thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh” mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn.


Tạ Văn Toàn (TTXVN)