05:13 20/05/2016

Dấu ấn mới trong quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ

Là Tổng thống Hoa Kỳ thứ 3 liên tiếp thăm Việt Nam, sau các chuyến thăm năm 2000 của Tổng thống Bill Clinton và năm 2006 của Tổng thống George W. Bush, ông Obama sẽ ghi dấu ấn mới trong quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ.

Ngày 7/7/2015, tại Nhà Trắng ở Thủ đô Washington, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Diễn ra gần một năm sau sự kiện lịch sử Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Hoa Kỳ, chuyến thăm Việt Nam vào cuối tháng 5 này của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Hussein Obama được đánh giá là bước khẳng định xu hướng phát triển tích cực của một trong những mối quan hệ đặc biệt trên thế giới, khi hai quốc gia từng ở hai bên chiến tuyến giờ đây trở thành những đối tác thân thiện dù vẫn còn tồn tại những bất đồng.

“Gác lại quá khứ, hướng tới tương lai” là chủ trương mà Việt Nam và Hoa Kỳ theo đuổi trong suốt hơn 20 năm qua kể từ khi hai nước chính thức tuyên bố bình thường hóa quan hệ song phương (năm 1995) và sau hơn 40 năm khép lại cuộc chiến tranh Việt Nam (năm 1975). Đặc biệt, sau khi nâng quan hệ lên Đối tác toàn diện, sự hợp tác giữa nước ngày càng được mở rộng và đi vào thực chất, thể hiện rõ rệt trong các lĩnh vực an ninh - quốc phòng, giáo dục, khoa học-công nghệ, chống biến đổi khí hậu,… Kim ngạch trao đổi thương mại đã tăng 90 lần, lên 45 tỷ USD năm 2015, và triển vọng sẽ còn lạc quan hơn sau khi các bên hoàn tất phê chuẩn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Việt Nam và Hoa Kỳ hiện là những đối tác đáng tin cậy trong các vấn đề toàn cầu cũng như của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hai nước cũng đang hợp tác chặt chẽ với các đối tác khác trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) hay Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF),… vì hòa bình, an ninh và thịnh vượng của khu vực, trong đó có vấn đề an ninh và tự do hàng hải ở Biển Đông, hay an ninh nguồn nước và phát triển bền vững tại hạ nguồn sông Mekong.

Hàng loạt vấn đề dự kiến sẽ được thảo luận trong khuôn khổ chuyến thăm của Tổng thống B.Obama như TPP, vấn đề dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương, khắc phục hậu quả chiến tranh như tẩy rửa chất độc dam cam/dioxin, hợp tác kinh tế - thương mại, an ninh – quốc phòng và nhiều lĩnh vực khác. Trước thềm chuyến thăm, tờ “New York Times” đã nhận định rằng ông Obama sẽ “tập trung vào tương lai, thay vì quá khứ”, sẽ làm sâu sắc hơn các mối quan hệ an ninh và kinh tế với một trong những nhân tố khu vực ngày càng quan trọng là Việt Nam. Chính Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry cũng đã phát đi thông điệp khá lạc quan về chuyến thăm này. Sau nhiều thăng trầm, Việt Nam và Hoa Kỳ đang đứng trước những cơ hội mới để tăng cường mối quan hệ song phương trong bối cảnh cục diện khu vực và thế giới có nhiều biến động. Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama sẽ vừa là cơ sở, vừa là chất xúc tác để mối quan hệ giữa hai bên tiếp tục đà phát triển trong thời gian tới.

Thực hiện chuyến thăm Việt Nam khi nhiệm kỳ tổng thống thứ hai không còn nhiều, ông Obama muốn gửi một thông điệp tới chính quyền kế nhiệm – đó là cần tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ đặc biệt với quốc gia Đông Nam Á này trong chiến lược tổng thể “xoay trục” sang châu Á- Thái Bình Dương đã được Washington triển khai trong 8 năm qua, đặc biệt trong bối cảnh khu vực này ngày càng phát triển năng động và có vai trò quan trọng trong các vấn đề toàn cầu, trở thành trọng tâm trong chiến lược của các nước lớn. Chuyến thăm cũng củng cố thêm di sản về mặt đối ngoại sau hai nhiệm kỳ tổng thống của ông Obama. Trong thời gian cuối nhiệm kỳ, Tổng thống Obama đã có những bước đi tích cực về mặt ngoại giao như thúc đẩy tiến trình bình thường hóa quan hệ với Cuba với chuyến thăm lịch sử tới quốc đảo này sau gần 9 thập kỷ, đạt được thỏa thuận với Iran về vấn đề hạt nhân,…

Tuy nhiên, sẽ là phiến diện nếu chỉ đánh giá quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ trên những mảng tích cực mà bỏ qua những vấn đề còn tồn tại trong quan hệ song phương, đáng chú ý là những khác biệt lớn về hệ thống chính trị cũng như nhận thức về dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo. Chắc chắn không dễ dàng để tìm được tiếng nói chung cho những khác biệt, nhưng quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ hơn 20 năm qua đã chứng minh rằng mọi mối quan hệ đều có thể được thúc đẩy nếu được xây dựng trên nền tảng tôn trọng lẫn nhau và tôn trọng những khác biệt.

Như lời phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ trong chuyến thăm lịch sử năm 2015: “Gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai” với thái độ đối thoại “chân thành, thẳng thắn” đã làm nên sự khác biệt trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ. Một năm trước, Tổng thống Obama đã đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà Trắng, và giờ đây, ông Obama trở thành khách của Việt Nam. Những cái bắt tay lịch sử giữa các nhà lãnh đạo cho thấy hai dân tộc đã vượt qua được quá khứ đau thương để cùng nhau xây dựng tương lai, trở thành điển hình về cách mà các cựu thù có thể trở thành đối tác của nhau.

Hồ Phương (TTXVN)