04:08 25/04/2015

'Đất thép Thành đồng' Củ Chi 40 năm sau giải phóng

Vùng đất thép Củ Chi anh hùng - giờ đây là một huyện ngoại thành, TP Hồ Chí Minh. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, quân dân Củ Chi đã trực tiếp đương đầu với lực lượng quân đội của quân khu 3 chế độ Sài Gòn và Sư đoàn 25 Mỹ mệnh danh tia chớp nhiệt đới.

Vùng đất thép Củ Chi anh hùng - giờ đây là một huyện ngoại thành, cách trung tâm TP Hồ Chí Minh khoảng 60 km về phía Tây Bắc. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, quân dân Củ Chi đã trực tiếp đương đầu với lực lượng quân đội của quân khu 3 chế độ Sài Gòn và Sư đoàn 25 Mỹ mệnh danh tia chớp nhiệt đới.

Đặc biệt, với hệ thống địa đạo Củ Chi, quân dân nơi đây đã đẩy lùi nhiều đợt tấn công của quân đội Mỹ - Ngụy. 40 năm sau giải phóng, nơi này đã chuyển mình mạnh mẽ với những điểm nhấn về xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp đô thị và cuộc sống của người dân được cải thiện rõ rệt.

Xứng danh "Đất thép Thành đồng"

Nhớ lại những năm tháng oai hùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ ở mảnh đất này, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Củ Chi Tô Văn On, bùi ngùi xen lẫn sự tự hào. Trò chuyện với chúng tôi, những ký ức oai hùng của mảnh đất thép ngày nào như sống lại trong người cựu chiến binh. Ông kể: Nói về sự ác liệt của chiến tranh trên vùng đất này trước đây, thế hệ sau này khó có thể hình dung hết được.

Cả một vùng rộng lớn từ đây xuống tận Hóc Môn bây giờ không còn một cây cỏ nào sống nổi, thế nên được gọi là "vùng trắng". Theo thống kê, giặc đã ném xuống khoảng 240.000 tấn bom đạn, bình quân mỗi người dân “gánh” 1,5 tấn. Sức tàn phá ghê gớm vậy nhưng không lay chuyển được ý chí người dân Củ Chi. Không ngày nào không có thương vong. Những cán bộ như xã đội trưởng, phó xã đội trưởng... ăn chưa hết thùng gạo (10 kg) đã hy sinh.

Một mô hình trang trại đạt hiệu quả kinh tế cao tại ấp Bến Cỏ, xã Phú Hòa Đông. Ảnh: An Hiếu – TTXVN


Ác liệt là thế, nhưng người dân Củ Chi chưa bao giờ bị khuất phục. “Địch đàn áp, ruồng bố, gom vào ấp chiến lược bằng mọi cách, nhưng người dân Củ Chi vẫn hết lòng, hết sức với cách mạng, với Đảng. Họ đã đóng góp lương thực để tiếp tế cho cán bộ; bảo vệ, nuôi giấu cán bộ ngay tại nhà mình. Tới lúc địch kiểm soát “rát” quá, người dân dùng trâu để đi tiếp tế cho cán bộ, chiến sỹ nằm vùng. Lương thực, thực phẩm được người dân cột vào cổ trâu, bọn lính đâu dám bén mảng gần trâu vì sợ trâu húc và thế là hàng hóa được đưa vào chiến khu trót lọt”, ông On cho biết.

Chiến tranh đã hủy diệt gần như toàn bộ hệ sinh thái, cơ sở hạ tầng ở mảnh đất này, biến nơi đây thành một vành đai trắng. Chiến tranh cũng để lại trên mảnh đất này đầy rẫy hố bom, bãi mìn, hàng rào kẽm gai và hàng nghìn ha đất hoang hóa, mà theo ước tính, cứ mỗi ha đất ở Củ Chi có trên 1.000 hố bom pháo các loại. Theo thống kê của huyện Củ Chi, toàn huyện có 33 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 1.277 Mẹ Việt Nam Anh hùng, 10.488 liệt sĩ, 8.650 gia đình liệt sĩ, 1.656 thương và bệnh binh, 4.330 người có công cách mạng...

Đoàn kết phát triển sản xuất

Sau giải phóng, kinh tế ở Củ Chi vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào sản xuất nông nghiệp và nghề đan lát truyền thống ở địa phương. Do không có đầu ra, nên sản phẩm của người dân sản xuất ra chủ yếu cung cấp cho tiêu dùng nhỏ lẻ. Vì thế, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, điều kiện vật chất cơ sở hạ tầng cũng thiếu thốn. Nhờ sự hỗ trợ, đầu tư của các cấp, chính quyền TP Hồ Chí Minh, khoảng 10 năm trở lại đây, diện mạo của mảnh đất này đã có nhiều đổi thay. Các chương trình phát triển, hỗ trợ giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới đã từng bước góp phần nâng cao chất lượng sống người dân, nhất là các đối tượng chính sách.

Điều này được thể hiện rõ nhất khi tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm và nhiều hộ vươn lên thoát nghèo bền vững. Hộ ông Trần Văn Lượng ở ấp Mỹ Khánh, (xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi) cách đây hơn 10 năm từng là hộ nghèo nhất ấp, cuộc sống gia đình hết sức khó khăn. Được địa phương hỗ trợ vay vốn mua một cặp bò về chăn nuôi; đồng thời, được hướng dẫn mô hình trồng rau an toàn, gia đình ông kết hợp chăn nuôi bò và trồng rau an toàn, cung cấp nhu cầu tại chỗ của địa phương với đầu ra ổn định. Trong thời gian rảnh rỗi, vợ chồng ông lại tiếp tục làm nghề đan lát, một nghề truyền thống của gia đình. Từ đó, thu nhập của gia đình dần dần được cải thiện. Đến nay, mỗi tháng thu nhập của cả hộ gia đình ông lên tới 25 triệu đồng. Không những thoát nghèo bền vững, gia đình ông đã trở thành hộ khá ở xã Thái Mỹ. Những người con của ông có điều kiện học hành. 3 người con của ông, một người làm bác sĩ, một người đang học Đại học và một đang học THPT. Không chỉ gia đình ông Lượng, mà nhiều hộ khác nhờ sự hỗ trợ của các cấp ngành, đoàn thể và sự nỗ lực của bản thân đã vươn lên thoát nghèo.

Đánh giá về những thành tựu về kinh tế - xã hội ở Củ Chi trong thời gian qua, Bí thư Huyện ủy Củ Chi Nguyễn Văn Bu cho biết: Hiện nay, trong cơ cấu ngành kinh tế ở địa phương, tỷ lệ công nghiệp chiếm 79%, thương mại - dịch vụ chiếm 15,7% và nông nghiệp chiếm 5,53%. Đến nay, trên địa bàn đã hình thành 6 khu công nghiệp và có 4 cụm công nghiệp, trong đó khu Tây Bắc Củ Chi đã lấp đầy diện tích sử dụng. Đặc biệt, các khu công nghiệp này đã góp phần giải quyết việc làm cho trên 73.000 lao động ở địa phương.

Đáng chú ý, lấy xuất phát điểm từ nông nghiệp, trong 10 năm gần đây, huyện Củ Chi đã tập trung phát triển ngành này theo hướng nông nghiệp đô thị, trở thành điểm nhấn về hướng phát triển nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay của cả nước. Bên cạnh đó, các ngành nghề truyền thống, làng nghề đã giải quyết lao động nhàn rỗi trong nông thôn. Từ nguồn hỗ trợ vốn chăn nuôi, sản xuất cũng như kết hợp linh hoạt nhiều ngành nghề phù hợp với điều kiện tự nhiên và thời gian nông nhàn nhiều hộ nghèo ở Củ Chi đã vươn lên thoát nghèo.

Đến nay, số hộ nghèo của toàn huyện theo tiêu chí mới (dưới 16 triệu đồng/người/năm) chỉ còn trên 4.000 hộ, chiếm tỷ lệ 4,02% so với tổng số hộ dân. Tính đến tháng 2/2015, 14/20 xã của Củ Chi đã được UBND Thành phố Hồ Chí Minh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Dự kiến đến cuối quý II/2015, huyện này sẽ có 100% số xã cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới.

Theo ông Nguyễn Văn Bu, đổi thay ở Củ Chi hôm nay là kết quả của sự đồng thuận rất lớn giữa chính quyền và người dân nơi đây. Ngay từ những ngày đầu giải phóng miền Nam, cùng với sự hỗ trợ của Trung ương và Thành phố, huyện đã tập trung khai hoang phục hóa đồng ruộng, tháo gỡ bom mìn, khắc phục hậu quả chiến tranh để phát động trong nhân dân tăng gia sản xuất, tập trung sản xuất để nâng cao đời sống của người dân. Quá trình này, Củ Chi đã phải bỏ ra nhiều công sức cùng với Đảng, chính quyền địa phương đầu tư các cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống, dân sinh. Đến nay, về cơ bản kinh tế Củ Chi đã có một phát triển mới. Đặc biệt trong giai đoạn 2010 - 2015, cơ cấu kinh tế ở địa phương so với năm 2010 đã có sự thay đổi, chuyển dịch đúng hướng và phát triển rõ rệt.

Hứa Chung

Kỳ cuối: Hải Lăng đi lên từ vùng đất trắng