12:10 14/12/2012

Đất đai các nông, lâm trường - Cần giải pháp quản lý, sử dụng hiệu quả

Sau 10 năm thực hiện sắp xếp, đổi mới nông, lâm trường, tồn tại lớn nhất chính là vấn đề quản lý, sử dụng đất đai.

Sau 10 năm thực hiện sắp xếp, đổi mới nông, lâm trường, tồn tại lớn nhất chính là vấn đề quản lý, sử dụng đất đai. Đó là ý kiến được đưa ra tại hội thảo bàn về quản lý, sử dụng đất đai trong các nông, lâm trường, công ty nông, lâm nghiệp được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hôm qua (13/12) tại Hà Nội.

 

Những tồn tại, vướng mắc


Tại hội nghị, ông Trần Hùng Phi, Cục trưởng Cục Đăng ký và Thống kê, Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường thừa nhận, tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất đai cho thuê, cho mượn đất trái pháp luật trong các nông, lâm trường khá phổ biến, kéo dài đã nhiều năm nhưng chậm giải quyết do việc giao đất cho các nông, lâm trường trước đây không cụ thể, chủ yếu giao trên giấy tờ, theo bản đồ tỷ lệ nhỏ, độ chính xác thấp dẫn đến giao trùm lên đất của các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức khác đang sử dụng. Quá trình sử dụng đất đai nông, lâm trường còn lỏng lẻo dẫn đến tình trạng người dân lấn chiếm đất, nhiều nhất là các lâm trường ở các tỉnh Tây Nguyên.


 

Thu hoạch mủ cao su tại Nông trường Bù Gia Mập.

 

Cũng theo ông Trần Hùng Phi, việc giao khoán đất cho người lao động tại các nông, lâm trường không được quản lý tốt dẫn đến tình trạng chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất nhận khoán sang làm nhà ở, công trình dịch vụ gây bức xúc trong dân. Theo thống kê, cả nước có 185 nông, lâm trường bị lấn chiếm đất đai với diện tích hơn 240.300 ha; 54 nông, lâm trường đang có tranh chấp đất đai với diện tích hơn 11.000 ha nhưng các trường hợp tranh chấp, vi phạm vẫn chưa được giải quyết.


Theo ông Đinh Quang Tuấn, Phó trưởng ban Đổi mới và Quản lý doanh nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các nông trường quốc doanh được giao đất nhưng chưa xác lập được quyền sử dụng đất nên không thực hiện được đầy đủ các quyền về đất đai. Các nông trường quốc doanh được giao quản lý diện tích đất lớn nhưng không có vốn đầu tư, năng lực tổ chức sản xuất yếu kém nên chưa phát huy được hiệu quả sử dụng đất. Trước những bất cập trong quản lý và sử dụng đất của nông, lâm trường, ông Phạm Quốc Doanh, Phó trưởng Ban chỉ đạo sắp xếp đổi mới và phát triển doanh nghiệp Trung ương cho rằng: Trọng tâm đổi mới nông, lâm trường phải là vấn đề quản lý, sử dụng đất.

 

Giải pháp quản lý, sử dụng hiệu quả


Theo ông Trần Hùng Phi, phải rà soát đánh giá lại tình hình sử dụng đất của từng nông, lâm trường, điều chỉnh lại quy hoạch sử dụng đất nông, lâm nghiệp của các tỉnh, thành phố đối với khu vực đất của nông, lâm trường quản lý yếu kém bị dân lấn chiếm, chuyển mục đích trái phép. Xem xét giải thể các nông, lâm trường sử dụng đất vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp không hiệu quả hoặc để hoang hóa nhiều diện tích không đưa vào sử dụng. Đối với các nông, lâm trường tiếp tục tồn tại phải cương quyết lập quy hoạch sử dụng đất để giao đất, cho thuê đất và hoàn thành dứt điểm việc cắm mốc ranh giới nông, lâm trường và cấp giấy chứng nhận, thực hiện thống nhất một cơ chế cho thuê đất trả tiền hàng năm đối với các nông, lâm trường. Đặc biệt, các nông, lâm trường vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng chiến lược quốc phòng... phải chuyển đổi thành các đơn vị sự nghiệp và tiếp tục đầu tư, phát triển để hỗ trợ, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh tại địa phương.


Ông Trần Hùng Phi kiến nghị, cần đánh giá lại hiệu quả của việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nông, lâm nghiệp để có giải pháp và định hướng trong việc tiếp tục thực hiện mô hình này. Còn các nông, lâm trường có diện tích đất bị thu hồi phải bàn giao quỹ đất bị thu hồi cho UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có đất để có kế hoạch sử dụng, không bỏ hoang hóa.


Theo ông Đinh Quang Tuấn, Phó trưởng Ban đổi mới và quản lý doanh nghiệp, các nông, lâm trường quốc doanh là các doanh nghiệp đặc thù có nhiều khó khăn so với các doanh nghiệp ở lĩnh vực khác như ít vốn, phần vốn nằm trong vườn cây và rừng chưa được xác định cụ thể, hoạt động có nhiều rủi ro, vì vậy, cần phân loại mô hình tổ chức và xác định cơ chế hoạt động phù hợp theo quy định của pháp luật, các doanh nghiệp kinh doanh chuẩn bị điều kiện để cổ phần hóa, các doanh nghiệp không cần thiết duy trì thì thực hiện giải thể, các doanh nghiệp rơi vào tình trạng phá sản thì thực hiện phá sản, còn các doanh nghiệp vừa làm kinh tế, vừa làm một số nhiệm vụ công ích xã hội, quốc phòng, an ninh sẽ theo mô hình công ty TNHH một thành viên.


Thu Hà