06:21 28/06/2015

Đất cằn cho quả ngọt

Từ vùng đồi đất sỏi đá cằn khô, khó khăn thuộc Chương trình 135 nhưng giờ đây xã Vân Trục (huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc) đã thành một vùng chuyên canh thanh long ruột đỏ cho thu lãi hàng tỷ đồng mỗi năm.

Từ vùng đồi đất sỏi đá cằn khô, khó khăn thuộc Chương trình 135 nhưng giờ đây xã Vân Trục (huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc) đã thành một vùng chuyên canh thanh long ruột đỏ cho thu lãi hàng tỷ đồng mỗi năm.

Thu lãi hàng trăm triệu đồng

Vào những ngày tháng 6 oi ả, chúng tôi về xã Vân Trục, nơi có diện tích trồng thanh long ruột đỏ lớn nhất tỉnh Vĩnh Phúc khi đang vào mùa thu hoạch. Dẫn chúng tôi đi tham quan vườn, ông Nguyễn Đình Long, Chủ tịch Hội thanh long ruột đỏ huyện Lập Thạch - một trong những hộ đầu tiên của xã đưa cây thanh long ruột đỏ về trồng vui vẻ nói: “Giờ là đầu vụ, cây thanh long cho quả chưa nhiều, nhưng thương lái đã đặt hết hàng, giá bán cũng cao. Chưa lần nào nhà tôi phải tự mang ra chợ bán cả”.

Thanh long ruột đỏ vào mùa thu hoạch. Ảnh: TTXVN




Ông Nguyễn Đình Long cho biết, sau nhiều năm trồng cây bạch đàn không hiệu quả, tình cờ, xem chương trình truyền hình giới thiệu hiệu quả kinh tế của cây thanh long ruột đỏ, ông liên tưởng ngay đến việc trồng thử tại gia đình. Năm 2007, ông đến trường Đại học Nông nghiệp (Hà Nội) mua giống về trồng thử. Sau hơn 1 năm, cây thanh long ruột đỏ đã cho thu hoạch lứa quả đầu tiên. Từ 500 trụ, sau 8 năm, đến nay vườn thanh long ruột đỏ của gia đình ông Long lên tới 7.000 trụ. Chỉ tính riêng năm 2014, vườn thanh long cho gia đình ông thu nhập khoảng 600 triệu đồng.

Vừa qua, sản phẩm thanh long ruột đỏ của huyện Lập Thạch được Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam (Bộ Khoa học Công nghệ) cấp bằng công nhận thương hiệu. Đây là một trong số ít sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc đạt được thương hiệu này.

Từ sự đi đầu của ông Long, nhiều hộ gia đình ở Vân Trục đã mạnh dạn phá bỏ những cây trồng không hiệu quả để trồng thanh long. Ông Phan Văn Chí, thôn Đồng Núi, cho biết, năm 2013, gia đình chặt bỏ nhiều ha bạch đàn chuyển sang trồng thanh long. Với sự giúp đỡ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, ông cải tạo đất, ươm những mầm thanh long ruột đỏ trên đất đồi. Sau một năm, 4,5 ha thanh long đã cho những trái ngọt đầu tiên. Vụ đầu tiên, mỗi ha thu khoảng 1,2 tấn quả, thương lái đến mua tận vườn. Năm nay thanh long được giá, mỗi kg bán được từ 35.000 - 40.000 đồng, thu khoảng 100 triệu đồng/ha/vụ đầu.

Xác định là cây sản xuất hàng hóa

Ông Nguyễn Hữu Trí, Chủ tịch UBND xã Vân Trục cho biết, hiện toàn xã Vân Trục có hơn 63 ha thanh long ruột đỏ. Nhận thấy loại cây này không chỉ xóa nghèo mà còn là cây làm giàu cho bà con nơi đây, chính quyền xã xác định đây là cây sản xuất hàng hóa và đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ thành lập hợp tác xã để sản xuất, cấp kinh phí để hỗ trợ các gia đình trồng thanh long trong xã. Từ một xã khó khăn thuộc diện 135, đến nay thu nhập của người dân đã đạt 21 triệu đồng/người/năm, đời sống nhân dân ngày càng được ổn định và phát triển.

Đến nay, tổng diện tích trồng thanh long ruột đỏ trên địa bàn huyện Lập Thạch khoảng 125ha. Theo tính toán của các hộ trồng thanh long ruột đỏ, trung bình mỗi trụ cây cho từ 10-15kg quả/năm với giá bán tại vườn từ 35.000 - 40.000 đồng/kg, nếu trồng 1ha, tương đương với 1.000 trụ, trừ chi phí cho thu lãi 300 triệu đồng/ha/năm. Bên cạnh đó, nhiều hộ còn nhạy bén nắm bắt thị trường, đưa thanh long ruột đỏ ra các tỉnh: Yên Bái, Tuyên Quang, Quảng Ninh…

Tuy nhiên, một điều mà người trồng thanh long ruột đỏ ở Vân Trục lo lắng hiện nay là đầu ra cho quả thanh long ruột đỏ vẫn do thương lái các nơi đến mua chứ chưa có một cơ quan, tổ chức nào đứng ra nên nhiều khi quả thanh long ruột đỏ bị ép giá, có khi mất đến một nửa giá nhất là vào thời điểm thanh long thu hoạch rộ.

Thanh long ruột đỏ được trồng ở Lập Thạch có vị ngọt đậm, thơm hơn một số loại thanh long trồng ở nơi khác. Đây là cây thuộc họ xương rồng, có khả năng chịu hạn tốt và phát triển trên các vùng đồi khô cằn; quy trình trồng, chăm sóc tương đối đơn giản. Thời gian cho thu hoạch từ tháng 5 đến tháng 11 âm lịch. Khi quả chín có thể để được trên cây khoảng 20 ngày và sau khi thu hái cũng để được từ 20-25 ngày, rất thuận lợi cho việc vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm.



Nguyễn Thị Thảo