06:18 11/06/2014

Đào tạo phải theo nhu cầu của thị trường

Nhận xét chung của các đại biểu Quốc hội xung quanh phần trả lời của Bộ trưởng Bộ GDĐT tại phiên trả lời chất vấn tại Quốc hội ngày 11/6: Chất lượng giáo dục chưa đáp ứng nhu cầu thực tế và đào tạo phải gắn với nhu cầu của thị trường để tránh lãng phí.

Nhận xét chung của các đại biểu Quốc hội xung quanh phần trả lời của Bộ trưởng Bộ GDĐT tại phiên trả lời chất vấn tại Quốc hội ngày 11/6: Chất lượng giáo dục chưa đáp ứng nhu cầu thực tế và đào tạo phải gắn với nhu cầu của thị trường để tránh lãng phí.


*Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang):

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết


Bộ GD ĐT có nhiều chương trình, đề án cải tiến nâng cao chất lượng đào tạo nhưng thực tế vừa qua cho thấy sinh viên tốt nghiệp ra trường kiến thức không được tốt và kỹ năng thực hiện hạn chế. Điều này cho thấy kiến thức đào tạo vừa qua chưa đáp ứng thực tế, yêu cầu phát triển đất nước. Có những ngành rất cần thì số lượng ít, nhiều ngành thừa và việc học theo phong trào. Điều này cho thấy, vấn đề đào tạo chưa gắn kết với nhu cầu của doanh nghiệp.


Bộ GD ĐT cần có giải pháp thiết thực nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng ngành giáo dục phát triển đất nước. Như hiện nay, số liệu công bố có tới hơn 72.000 sinh viên tốt nghiệp đại học, trên đại học tốt nghiệp không có việc làm. Do đó, Bộ GD ĐT có kế hoạch cụ thể đối với từng ngành nghề, gắn với nhu cầu từng lĩnh vực, doanh nghiệp. Chứ tình trạng học theo phong trào, tốt nghiệp lại làm trái ngành hoặc không có việc làm rất lãng phí. Trong khi một số ngành chuyên sâu, đất nước cần lại không có.


Bộ GD ĐT phải lấy chất lượng đào tạo là yếu tố quyết định và giải quyết song hành giữa giáo dục đào tạo với việc đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp đang mở rộng sản xuất. Điều này gắn với chất lượng nguồn nhân lực để khi tốt nghiệp sinh viên có việc làm.


*Đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng):


Đại biểu Thân Đức Nam


Bộ GD ĐT cần quan tâm đến các ngành nghề đào tạo mà đất nước có nhu cầu, đồng thời thấy những bất cập trong đào tạo chưa gắn với nhu cầu thị trường. Qua phiên chất vấn này, Bộ trưởng Bộ GD ĐT thấy được điều đó để sớm khắc phục để sắp tới làm tốt hơn.


Sau kỳ họp này, Bộ GD ĐT sớm đưa ra nhiều biện pháp khắc phục, giải pháp để cung cầu giữa đào tạo và thị trường lao động cho hợp lý, đúng với tiêu chuẩn đã đề ra để sinh viên ra trường có chất lượng. Sinh viên khi ra trường tìm đúng ngành nghề mình đào tạo, không phải tìm việc không đúng lĩnh vực đã học. Đây là điều tôi mong muốn và sẽ nhìn thấy sự chuyển biến của lĩnh vực giáo dục đào tạo vào kỳ họp thứ 8 vào cuối năm nay.


*Đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình): 

Đại biểu Bùi Văn Xuyền


Tôi quan tâm tới vấn đề đổi mới giáo dục đại học hiện nay để đáp ứng thực tiễn. Ngành giáo dục đào tạo của chúng ta thời gian cũng đạt nhiều thành tựu nhưng cũng bộc lộ nhiều bất cập. Trong đó nổi lên là chất lượng đào tạo gắn với thị trường lao động, đặc biệt là kỹ năng của người học sau khi ra trường có thể đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Một trong những đổi mới mang tính đột phá của giáo dục đào tạo là phải gắn nhu cầu của doanh nghiệp với cơ sở đào tạo. Chúng ta không thể đào tạo theo kế hoạch từ trên xuống và áp đặt từ bên ngoài vào.


Do đó, việc đào tạo dứt khoát phải theo nhu cầu của thị trường. Thực tế con số sinh viên ra trường nhưng thất nghiệp nhiều như vừa qua là sự lãng phí, chất lượng đào tạo chưa cao và có sự lỏng lẻo trong việc mở quá nhiều trường đại học không đáp ứng chất lượng đào tạo. Do đó, Nhà nước chỉ hỗ trợ cơ sở đào tạo trên cơ sở của thị trường, chứ không thể bao cấp như hiện nay. Sắp tới đối với các cơ sở đào tạo, chúng ta phải cải cách cơ chế tài chính. Nhà nước chỉ hỗ trợ ngành nghề đào tạo mà Nhà nước cần nhưng ít người học, còn lĩnh vực ngành nghề khác sẽ theo phương thức xã hội hóa. Có như vậy mới tác động đổi mới giáo dục đào tạo bậc đại học hiện nay.



Xuân Cường