04:15 12/04/2018

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển

Ngày 12/4, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Hiệp hội các trường đào tạo kỹ thuật Nhật Bản tổ chức hội thảo về áp dụng mô hình KOSEN tại Việt Nam, giới thiệu mô hình này đến các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN

Mô hình đào tạo KOSEN tại Nhật Bản được áp dụng từ những năm 60 của thế kỷ trước. Đặc điểm của mô hình này là gắn kết đào tạo nhân lực chất lượng cao với doanh nghiệp; đào tạo không chỉ lý thuyết mà hướng đến kỹ năng thực hành, khả năng sáng tạo của người học thông qua các hoạt động thực hành, nghiên cứu. Bên cạnh đó, mô hình bảo đảm 100% sinh viên tốt nghiệp có việc làm và đặc biệt có tính chất phân luồng mạnh từ Trung học cơ sở.

Các đại biểu dự hội thảo nhận định: Nguồn nhân lực chất lượng cao được coi là một trong các trụ cột quan trọng và là đòn bẩy phát triển kinh tế, xã hội. Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế luôn được Chính phủ Việt Nam quan tâm. Trong bối cảnh này, tiếp nhận, chia sẻ các mô hình phát triển đào tạo tiên tiến nói chung và giáo dục nghề nghiệp nói riêng đối với Việt Nam là hết sức cần thiết.

Hiện, Việt Nam đã có 8 cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp của Bộ Công Thương đào tạo theo mô hình KOSEN, trong đó có 3 trường đại học và 5 trường cao đẳng. Việc triển khai đào tạo theo mô hình này giúp học sinh, sinh viên có cơ hội phát triển tư duy sáng tạo, tích cực, chủ động hơn trong học tập, hội nhập tốt với môi trường nghề nghiệp. Từ 2016 đến nay, các trường đã tham khảo hệ thống giáo dục kỹ thuật viên tại KOSEN Nhật Bản và thực hiện cải tiến chương trình học, chương trình giảng dạy một cách có hệ thống. Năm 2018, mô hình KOSEN sẽ xây dựng cơ chế hỗ trợ hợp tác tại các trường thí điểm; mở rộng các trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác thuộc hệ thống quản lý của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Dự án KOSEN Việt Nam được thực hiện trong 4 năm với mục tiêu: giáo dục an toàn, đào tạo sự sáng tạo, nghiên cứu tốt nghiệp, giáo dục thiết kế kỹ thuật, đào tạo tích cực, học tập... Ngoài ra các trường cũng tự chủ động thực hiện chương trình, kết nối với các khu sản xuất lân cận các trường (Công ty địa phương, công ty vốn Nhật Bản) phục vụ cho mục đích việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp; liên kết giữa nhà trường và các doanh nghiệp, công ty.

Phúc Hằng (TTXVN)