08:16 23/08/2013

Đào tạo nghề ở vùng dân tộc thiểu số

Mặc dù đã có nhiều chuyển biến tích cực trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng nhìn chung cấp ủy, chính quyền cơ sở trên địa bàn miền núi Quảng Nam chưa thực sự theo dõi, giám sát...

Mặc dù đã có nhiều chuyển biến tích cực trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng nhìn chung cấp ủy, chính quyền cơ sở trên địa bàn miền núi Quảng Nam chưa thực sự theo dõi, giám sát, kiểm tra các lớp dạy nghề nên đào tạo nghề cho lao động vùng dân tộc thiểu số ở Quảng Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả của công tác xóa đói giảm nghèo.


Tỷ lệ hộ nghèo cao


Quảng Nam là địa phương có diện tích tự nhiên rộng hơn 10.400km2, với 18 đơn vị hành chính cấp huyện. Trong đó có ba huyện nghèo nằm trong chương trình 30a và ba huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao được hưởng cơ chế hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng bằng 70% mức hỗ trợ theo Nghị quyết 30a. Trên địa bàn tỉnh có bốn tộc người thiểu số cư trú lâu đời gồm Cơ Tu, Cor, Giẻ Triêng và Xê Đăng với số dân 120.000 người, chiếm 8,57% dân số toàn tỉnh. Người dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động chiếm 4,6% dân số toàn tỉnh. Số hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số là 39.521 hộ, chiếm 27,26%, số hộ cận nghèo vùng dân tộc thiểu số là 19.989 hộ, chiếm tỷ lệ 13,79% (theo tiêu chí mới) trên tổng số hộ nghèo toàn tỉnh.


Máy xay được hỗ trợ cho huyện Nam Trà My, nhưng không phù hợp với thực tế địa phương nên bị vứt chỏng chơ.


Từ năm 2010 đến tháng 6/2013, số lao động người dân tộc thiểu số được hỗ trợ học nghề từ các chương trình, dự án là gần 8.000 người. Bên cạnh việc hỗ trợ trực tiếp về đào tạo nghề cho lao động vùng dân tộc thiểu số, Quảng Nam còn tích cực tuyên truyền, tư vấn học nghề và giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn; điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu học nghề của lao động nông thôn vùng dân tộc thiểu số, đồng thời triển khai thí điểm các mô hình dạy nghề, giải quyết việc làm. Trong đó, chú trọng đào tạo nghề để xuất khẩu lao động. Hiện đã có trên 700 lao động người dân tộc thiểu số tham gia vào thị trường xuất khẩu lao động tại một số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản... Tuy nhiên, đây mới chỉ là con số khiêm tốn so với tổng số lao động cần đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm của tỉnh.


Ông Chơ Rum Nhiên, Bí thư huyện ủy Nam Giang cho biết: Lao động nông thôn (LĐNT) là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện rất lớn, nhưng chỉ số ít có trình độ THPT, chưa có tác phong công nghiệp. Đến nay, số lao động đã được đào tạo nghề dưới một năm là 1.031 người, trung cấp 100 người, không có cao đẳng nghề; sau đào tạo, có 324 lao động có việc làm. Việc đào tạo nghề cho LĐNT ở Nam Giang còn gặp nhiều khó khăn, công tác tuyên truyền chưa hiệu quả. Nguyên nhân là cấp ủy, chính quyền, đoàn thể ở cấp xã chưa thực sự vào cuộc, lao động còn tư tưởng ỷ lại, học nghề xong “chờ” giải quyết việc làm chứ không ý thức tự tìm kiếm việc làm. Riêng trường Trung cấp nghề thanh niên dân tộc miền núi Quảng Nam - đơn vị trực tiếp đào tạo nghề cho LĐNT của huyện Nam Giang, từ năm 2006 đến nay đã đào tạo nghề cho 3.613 học viên, trong đó có 2.419 LĐNT là người dân tộc thiểu số. Trường cũng đã liên kết, giới thiệu với các doanh nghiệp, tạo việc làm cho 2.022 học viên sơ cấp nghề và 26 học viên trung cấp nghề. Tuy nhiên, khó khăn của trường hiện nay là học viên thiếu ý thức học tập, hay bỏ học giữa chừng, điều kiện học hành, ăn ở còn tạm bợ...


Ý thức người lao động chưa cao


Do có tâm lý ỷ lại nên phần đông lao động người dân tộc thiểu số chưa chủ động và mặn mà với việc xác định đi học nghề để mưu sinh lâu dài. Bên cạnh đó, việc đào tạo nghề nông cho LĐNT vẫn còn nhiều khó khăn khi các Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư còn thiếu cán bộ chuyên trách, hạn chế về khung chương trình, giáo án, thiếu giáo viên khiến việc triển khai hoạt động dạy nghề chưa đạt hiệu quả cao, nhiều nông dân do bận rộn công việc nên ảnh hưởng đến quá trình học tập cũng như chất lượng học của người nông dân.

Theo kết quả khảo sát mới đây, Nam Giang hiện có 1.137 lao động nông thôn có nhu cầu học nghề, chủ yếu là trồng và chế biến mủ cao su, chăn nuôi, sửa chữa xe máy, dệt. Đào tạo nghề theo đề án 1956, theo kế hoạch năm 2012, Nam Giang mở 9 lớp với 298 LĐNT học nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp.

Theo lãnh đạo Sở Lao động, Thương bình và Xã hội tỉnh Quảng Nam, để công tác đào tạo nghề cho LĐNT mà đặc biệt là lao động vùng dân tộc thiểu số đạt hiệu quả cao và mang tính bền vững, với thực tiễn địa phương, Quảng Nam kiến nghị các cơ quan trung ương điều chỉnh, bổ sung một số chính sách dạy nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cho phù hợp với tình hình hiện nay.


Trong chuyến kiểm tra và làm việc với tỉnh Quảng Nam về việc thực hiện chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn vùng dân tộc thiểu số đầu tháng 8 vừa qua, ông Mã Điền Cư, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội cho biết: “Chúng tôi đánh giá cao những gì Quảng Nam đã làm được trong thời gian qua. Trong thời gian tới, Quảng Nam cần tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ hơn công tác đào tạo nghề đối với lao động vùng dân tộc thiểu số. Không ngừng tăng cường hướng dẫn, đào tạo cho đồng bào dân tộc thiểu số chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Tùy theo thổ nhưỡng có thể trồng cây cao su để cho thu nhập cao hơn trồng lúa hay sắn... Từng bước liên kết với các doanh nghiệp, các cơ sở dạy nghề để giúp cho lao động nông thôn có việc làm ổn định sau khi đã được đào tạo nghề”.


Là tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá, Quảng Nam luôn ưu tiên đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng trong công tác dạy và học nghề. Đến nay, trong số 10 huyện vùng dân tộc thiểu số thì đã có sáu huyện có cơ sở dạy nghề; 5 Trung tâm dạy nghề công lập cấp huyện (Tây Giang, Phước Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My, Đông Giang) và ba huyện có Trung tâm giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp đã được bổ sung chức năng dạy nghề.


Dạy nghề, hướng nghiệp là một chủ trương đúng đắn và mang tầm chiến lược của Đảng và Nhà nước ta. Tuy nhiên để công tác này thực sự hiệu quả thì các cấp, các ngành chức năng tỉnh Quảng Nam cần vào cuộc một cách mạnh mẽ và đồng bộ, để tạo ra sự chuyển biến trong ý thức cộng đồng người dân tộc thiểu số - những người đang trực tiếp hưởng lợi từ các chương trình hỗ trợ lao động việc làm. Từ đó, giúp họ tự vươn lên, tạo ra động lực để người lao động thi đua, phấn đấu. Bên cạnh đó, cần có chính sách khuyến khích lao động vùng dân tộc thiểu số khi đạt tay nghề hay học vấn khá. Như vậy, chính sách dạy nghề, hỗ trợ việc làm đối với lao động vùng dân tộc thiểu số mới thực sự đi vào chiều sâu và phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương ngày càng đi lên.


Bài và ảnh: Hà Dương


Bà Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ trưởng Bộ Lao động
Thương binh và Xã hội:

Chú trọng đầu tư hạ tầng

Thời gian qua, mỗi năm Chính phủ đã bố trí cho 62 huyện nghèo của ba vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ hàng nghìn tỷ đồng hỗ trợ đầu tư hạ tầng. Tôi thấy đầu tư hạ tầng có ý nghĩa hết sức quan trọng góp phần giúp cho những hộ nghèo ở khu vực này có cơ hội vươn lên xóa đói giảm nghèo, ví dụ như đầu tư thủy lợi giúp người dân có thể nâng cao năng suất lúa nước, đầu tư đường giao thông giúp họ có thể tiêu thụ nông lâm sản có giá trị cao hơn nếu xe ô tô vào được thôn, bản. Bộ LĐTB&XH cũng đã tham mưu đề xuất với Chính phủ bổ sung 23 huyện cũng khó khăn gần như 62 huyện nghèo để được hỗ trợ 70% so với mức đầu tư cho hộ nghèo về đầu tư hạ tầng. Tôi nghĩ đây là quốc sách đúng đắn của Chính phủ và cũng là quyết tâm rất cao, tất nhiên do khả năng ngân sách có hạn nên Chính phủ cũng đang cân nhắc sẽ tạm ứng để giải quyết vấn đề này.

Ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó Chủ tịch thường trực
UBND tỉnh Quảng Nam :

Chú trọng đến đồng bào dân tộc thiểu số

Để đạt mục tiêu đến năm 2020, cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp, Quảng Nam đã luôn nỗ lực để đào tạo, hướng nghiệp cho LĐNT, chú trọng đến đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện vùng núi cao. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng sự vào cuộc chỉ đạo, tổ chức thực hiện cộng tác dạy nghề và việc làm của các cấp ủy đảng, chính quyền và tổ chức đoàn thể tại một số địa phương chưa tích cực và đồng bộ, nhất là trong công tác khảo sát nhu cầu học nghề; công tác tuyên truyền các chính sách việc làm và dạy nghề cho LĐNT ở một số địa phương chưa được triển khai mạnh mẽ, nhất là khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa.

Ông Hồ Văn Lia, thôn Cân Tôm, xã Hồng Thượng,
huyện A Lưới (Thừa Thiên-Huế):

Đất cằn cỗi, trồng cây gì cũng khó

Nhà tôi được cấp 500 m2 đất ở và nhà, nhưng đất ở đây xấu lắm, trồng mấy luống rau cải, vài vòng khoai lang nhưng cây cũng không lên được. Đa số các gia đình trong vùng đều gặp hoàn cảnh tương tự, nên người dân tại khu tái định cư Cân Tôm chưa mặn mà với khu ở mới. Nhóm tư vấn đánh giá tác động môi trường và xã hội (nhóm SEIA), thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa đánh giá những thông tin liên quan đến tác động môi trường và xã hội của thủy điện A Lưới đã đưa ra chương trình nghiên cứu trong năm 2013 nhằm giúp địa phương phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của thủy điện A Lưới, nhằm ổn định cuộc sống của người dân tại khu tái định cư.