10:18 07/10/2020

Đào tạo nghề ở Long An - Bài cuối: Phát huy tiềm năng nguồn lao động dồi dào

Thực hiện Đề án đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tỉnh Long An giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh đặt mục tiêu mỗi năm đưa trên 1.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Riêng năm 2020, Long An phấn đấu đưa 500 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đề án có nhiều điểm mới nhằm phát huy tiềm năng nguồn lao động dồi dào của địa phương.

Hỗ trợ vốn cho người xuất khẩu lao động

Chú thích ảnh
Em Võ Quốc Khánh, học ngành Cơ khí - Trường Cao đẳng Long An rất vui vì được vay 100% vốn ban đầu để đi xuất khẩu lao động sang Nhật Bản. 

Đề án đặc biệt quan tâm hỗ trợ về vốn cho mọi đối tượng muốn đi xuất khẩu lao động nhưng khó khăn về kinh tế. Nguồn vốn này giải quyết vấn đề về đào tạo nghề, học ngoại ngữ, giáo dục định hướng; chi phí về khám sức khỏe, tiền ăn ở trong thời gian học, phí môi giới đóng cho các công ty xuất khẩu lao động, tiền mua vé máy bay… Đề án xác định những đối tượng khó khăn không thuộc đối tượng được hỗ trợ từ nguồn vốn Trung ương sẽ được vay vốn tham gia xuất khẩu lao động từ nguồn ngân sách tỉnh.

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Long An Nguyễn Đại Tánh thông tin, theo định hướng của tỉnh, đề án này nhằm thực hiện hai mục tiêu. Trong đó, mục tiêu chính là tạo việc làm bền vững và thu hút đầu tư vào tỉnh để phát triển kinh tế xã hội. Mục tiêu thứ hai là hỗ trợ người lao động ổn định được cuộc sống.

"Đối với mục tiêu thứ nhất, hiện nay, chúng tôi định hướng người lao động đi vào thị trường tiềm năng như Nhật Bản và Hàn Quốc. Đó là thị trường hàng đầu để người lao động tiếp cận công nghệ mới ở nước bạn, khi quay về họ có thể tự khởi nghiệp hoặc là tham gia làm việc cho các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư trên địa bàn tỉnh Long An. Mục tiêu thứ hai là thông qua chương trình này hỗ trợ tất cả lao động có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, đặc biệt những đối tượng nghèo, cận nghèo, đối tượng chính sách đều được vay tín chấp để đi làm việc nước ngoài", ông Tánh chia sẻ.

Theo Đề án, mỗi lao động đi làm việc nước ngoài có nhu cầu có thể vay đến 150 triệu đồng. Đối tượng được hỗ trợ vay vốn rộng hơn, vốn được vay đủ 100% chi phí ban đầu phục vụ cho xuất khẩu lao động. Dự kiến trong giai đoạn này, ngân sách tỉnh hỗ trợ tối thiểu 43,5 tỷ đồng vốn vay cho những lao động có nhu cầu vay vốn.

Em Võ Quốc Khánh ở thành phố Tân An, học ngành Cơ khí - Trường Cao đẳng Long An được 7 tháng. Do kinh tế gia đình khó khăn, em xác định ngay từ đầu sẽ đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản. Khánh chọn đi Nhật vì được biết thu nhập tại thị trường này cao và nhu cầu về lao động cắt gọt kim loại ở đây cũng nhiều. Ban đầu, lo lắng nhất của Khánh là không có khoảng 100 triệu đồng chi phí các khoản ban đầu cho việc xuất khẩu lao động. Khi được nhà trường thông báo về việc triển khai Đề án xuất khẩu lao động của tỉnh, Khánh đã yên tâm hơn.

"Em có thể vay 100 triệu đồng, đồng thời được nhà trường hỗ trợ đào tạo tiếng Nhật ngay tại trường. Hiện em có thể yên tâm học tiếng Nhật và rèn luyện tay nghề, chờ đủ điều kiện là có thể qua Nhật làm việc", Võ Quốc Khánh cho hay.

Từng bước triển khai hiệu quả đề án

Chú thích ảnh
Thực hiện Đề án đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tỉnh Long An giai đoạn 2020 - 2025, Long An có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động, đặc biệt là đào tạo tiếng Nhật miễn phí và hỗ trợ vốn vay đến 150 triệu đồng trên một lao động.

Thực hiện Đề án, Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Long An) phối hợp với 9 doanh nghiệp có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (trong danh sách 12 doanh nghiệp tham gia Đề án) đã tổ chức tư vấn, tuyên truyền về công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài cho hơn 6.235 người là học sinh, sinh viên Trung cấp, Cao đẳng nghề; học sinh Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông; lao động tham gia sàn giao dịch việc làm và đối tượng là đoàn viên thanh niên. Bên cạnh đó, Đề án ưu tiên các đối tượng là sinh viên sau khi ra trường, bộ đội xuất ngũ, lao động thất nghiệp trong độ tuổi phù hợp...

Theo báo cáo của Trung tâm Dịch vụ việc làm, 6 tháng đầu năm 2020, Long An đã có 129 người lao động đi làm việc ở nước ngoài; trong đó thị trường Nhật Bản 120 người, thị trường Đài Loan (Trung Quốc) 9 người. Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng dịch COVID-19, thị trường lao động các nước ngưng lại, vì vậy tỉnh khó thực hiện chỉ tiêu đưa 500 lao động đi làm việc trong năm 2020, nhưng các cấp, ngành vẫn đang làm công tác tư vấn, tuyên truyền. Trong đó, Trường Cao đẳng Long An làm đầu mối tuyên truyền tiếp nhận lao động, tổ chức đào tạo ngoại ngữ miễn phí cho học sinh, sinh viên có nhu cầu đi lao động ở nước ngoài, để khi các thị trường lao động tiềm năng Nhật Bản, Hàn Quốc có nhu cầu, tỉnh luôn có sẵn nguồn lao động giới thiệu đi làm việc ở nước ngoài.

Nhằm cụ thể hóa việc thực hiện Đề án, trường Cao đẳng Long An đã liên kết với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Esuhai mở Trung tâm đào tạo tiếng Nhật, tác phong công nghiệp, kỹ năng nghề tại trường, giúp các em dễ dàng hòa nhập môi trường ngay khi ra nước ngoài làm việc.

Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Long An Lê Quốc Hùng cho biết, hàng năm, nhà trường tổ chức ngày hội giới thiệu việc làm cho học sinh sinh viên với sự tham gia tuyển dụng của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Thực tế, nhiều sinh viên đã tốt nghiệp đi làm việc ở nước ngoài nhất là thị trường Nhật Bản. Tuy nhiên, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp Trung học Phổ thông tham gia học nghề còn rất ít, công tác tư vấn học nghề tại trường Trung học Phổ thông chưa sâu. Ông Hùng cho rằng, Đề án xuất khẩu lao động của tỉnh mới được triển khai là cơ sở thuận lợi cho những học viên của mình có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài.

Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Long An mong muốn các trường phổ thông trong tỉnh tạo điều kiện để nhà trường tư vấn hướng nghiệp cho học sinh bài bản hơn bằng các buổi học giáo dục hướng nghiệp, thay vì chỉ là tiết sinh hoạt dưới cờ. Qua đó, giới thiệu những phóng sự, gương điển hình thành công sau xuất khẩu lao động, giúp các em hiểu rõ hơn lợi ích của việc đi lao động nước ngoài; đồng thời, giới thiệu cho các em chính sách Đề án, nhu cầu, điều kiện tuyển dụng, thu nhập của các thị trường nước ngoài.

Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Esuhai Lê Long Sơn cho biết, hiện nay, đa số trình độ lao động người đi làm việc ở nước ngoài chưa cao, yếu về ngoại ngữ; trong quá trình đi lao động, chỉ khoảng 40% người lao động tự trau dồi kiến thức, tích lũy kinh nghiệm, học ngoại ngữ để làm vốn khi về nước. Mục tiêu của Công ty không chỉ đơn thuần đưa người Việt Nam qua Nhật Bản làm trong 3 năm, mà trở thành lực lượng lao động quan trọng của địa phương sau khi trở về nước. Đến nay, Công ty đã đưa được trên 10.000 thanh niên đi làm việc ở nước ngoài, trong đó gần 5.000 lao động đã về nước. Nhiều lao động sau khi về nước đã tự làm chủ, thành lập được các công ty nhỏ và vừa, hoặc có công việc tốt trong các doanh nghiệp của Nhật Bản.

Long An hiện có trên 12.000 doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến thời gian qua người lao động chưa mạnh dạn đi làm việc ở nước ngoài. Tuy nhiên, theo ông Phạm Tấn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, thực hiện Đề án không có nghĩa là đưa người lao động đi làm việc nước ngoài bằng mọi giá, phải đi vào thực chất trên cơ sở chấp hành đúng pháp luật Việt Nam; đồng thời hỗ trợ đào tạo nghề, ngoại ngữ, tác phong làm việc cho lao động đi làm việc ở nước ngoài. Để khi trở về nước, họ sẽ là nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Bài và ảnh: Đức Hạnh (TTXVN)