06:03 18/06/2012

Đào tạo nghề cho nông dân phải kết nối thị trường lao động

Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn không chỉ giúp chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp - nông thôn mà còn mở ra cơ hội cho nông dân được tiếp cận các chương trình đào tạo nghề, có việc làm nâng cao thu nhập cho người dân nông dân.

Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn không chỉ giúp chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp - nông thôn mà còn mở ra cơ hội cho nông dân được tiếp cận các chương trình đào tạo nghề, có việc làm nâng cao thu nhập cho người dân nông dân. Tuy nhiên, việc đào tạo nghề cho nông dân đang vướng phải nhiều khó khăn.

Nhu cầu đào tạo nghề tăng cao


TP Hồ Chí Minh có khoảng 1 triệu lao động sống ở 5 huyện ngoại thành. Trong quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa, cùng với việc diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp thì tình trạng người nông dân không có việc làm cũng tăng lên. Do đó, việc đào tạo nghề cho lao động ở nông thôn là một trong những giải pháp góp phần giúp người dân tìm được việc làm, ổn định đời sống.

 

Những nghề làm đẹp đang thu hút nhiều lao động nữ ở nông thôn.

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, hiện thành phố có khoảng 400 cơ sở dạy nghề, hàng năm đào tạo trên 40.000 học viên từ trình độ sơ cấp đến cao đẳng. Đây là lợi thế để triển khai chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn. Theo đó, đến năm 2020, TP Hồ Chí Minh phấn đấu đào tạo nghề cho 90% lao động nông thôn.


Theo các chính sách của TP Hồ Chí Minh, lao động nông thôn thuộc diện có công với cách mạng, hộ nghèo, dân tộc thiểu số, người tàn tật người bị thu hồi đất canh tác theo quy hoạch được hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn dưới 3 tháng, mức tối đa là 3 triệu đồng/người/khóa học. Người học nghề còn được hỗ trợ tiền ăn với mức 15.000 đồng/ngày học; nếu người học nghề xa nơi cư trú từ 15 km trở lên được hỗ trợ chi phí đi lại với mức tối đa không quá 200.000 đồng/người/ khóa học.


Ông Nguyễn Thành Hiệp,Trưởng phòng Dạy nghề Sở Lao động, Thương binh và Xã Hội TP Hồ Chí Minh cho biết: Qua đào tạo, người lao động có thể vào làm việc tại các doanh nghiệp ở địa phương hoặc các vùng lân cận hoặc họ có thể tự tổ chức việc làm theo nhu cầu của từng lao động. Cụ thể, đối với lao động nữ, sau khi tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn về dịch vụ làm đẹp, nghề may, đan lát…, người lao động có thể làm việc trong các cơ sở doanh nghiệp, dịch vụ phù hợp hoặc tự mở cơ sở kinh doanh các dịch vụ trên. Việc đào tạo nghề cũng cần phải gắn với nhu cầu thực tiễn thị trường.


Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo và thông tin thị trường TP Hồ Chí Minh cho biết: Hiện tại nhóm nghề sửa chữa, lắp ráp vi tính, tin học, sửa chữa xe ô tô, điện thoại di động… thu hút lao động nông thôn nhiều nhất vì cơ hội tìm được việc làm khá dễ dàng.

 

Đào tạo nghề phải gắn với lợi thế địa phương


Để người lao động sau khi đào tạo có được việc làm thì việc dạy nghề ở nông thôn phải gắn với nhu cầu sản xuất và định hướng phát triển của địa phương, có sự kết nối cần thiết với các doanh nghiệp trên địa bàn.


Theo ông Nguyễn Thành Hiệp, giai đoạn năm 2010 - 2011, TP Hồ Chí Minh đã đào tạo cho 12.000 lao động, tỷ lệ người lao động tìm được việc làm hoặc tổ chức việc làm chiếm trên 60% trong tổng số lao động được đào tạo. Mỗi năm, thành phố và Trung ương đã đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở dạy nghề bình quân mỗi năm là khoảng 4 tỷ đồng. Bên cạnh việc tập trung dạy tại các trường, các trung tâm dạy nghề, thành phố còn coi trong hình thức dạy nghề lưu động đưa thiết bị, đưa chương trình, đưa thầy cô giáo đến dạy tại các xã các ấp vùng sâu,vùng xa của thành phố.


Tuy nhiên, bên cạnh đó công tác dạy nghề cho lao động nông thôn còn gặp phải một số khó khăn. Ông Nguyễn Thành Hiệp nhận định: Dù đã tuyên truyền nhưng tâm lý nhiều nông dân vẫn cho rằng, những ngành nghề đơn giản không cần học cũng làm được. Việc dạy nghề cũng gặp nhiều trở ngại do trình độ lực lượng giáo viên cũng như cơ sở vật chất và trang thiết bị của nhiều trung tâm dạy nghề chưa đáp ứng được yêu cầu. Ở xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, một xã điểm về xây dựng nông thôn mới của thành phố, nhiều lớp học nghề cho nông dân như: kỹ thuật trồng phong lan, chăn nuôi bò sữa, trồng rau sạch đã được người dân hưởng ứng rất nhiệt tình. Tuy nhiên, đối với những ngành nghề về công nghiệp, để giúp người lao động là nông dân vào làm việc trong các doanh nghiệp thì gặp khó khăn về học viên tham gia vì đa số lao động nông dân, nông thôn đăng ký không đủ lớp để triển khai lớp học. Do đó, đào tạo nghề cho nông dân, nông thôn phải gắn với nhu cầu của từng địa phương, khai thác lợi thế của địa phương mới giải quyết bền vững lao động nông dân, nông thôn.


Bài và ảnh: Đan Phương