05:00 16/05/2012

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn:Không chạy theo số lượng

Năm 2012, Ban chỉ đạo Trung ương đề ra mục tiêu đào tạo khoảng 600.000 lao động cho khu vực nông thôn. Trong đó đặc biệt ưu tiên cho các xã xây dựng nông thôn mới.

Trao đổi với Tin Tức về chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956, PGS.TS Cao Văn Sâm (ảnh) - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết: Năm 2012, Ban chỉ đạo Trung ương đề ra mục tiêu đào tạo khoảng 600.000 lao động cho khu vực nông thôn. Trong đó đặc biệt ưu tiên cho các xã xây dựng nông thôn mới.

 

´Thưa ông, điểm nhấn quan trọng trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2012 của nước ta là gì?


Thực hiện theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về Đề án 1956, năm 2012, toàn quốc vẫn tiếp tục triển khai Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (gọi tắt là Đề án 1956) với tinh thần trách nhiệm cao hơn.


 

Dạy nghề điện tại cơ sở dạy nghề huyện Vũ Thư (Thái Bình ). Ảnh : Hữu Việt - TTXVN

 

Năm 2011 chúng ta đào tạo được khoảng 450.000 lao động cho khu vực nông thôn theo diện Đề án 1956. Năm 2012, Ban chỉ đạo Trung ương đề ra chỉ tiêu đào tạo khoảng 600.000 lao động cho khu vực nông thôn. Trong đó, đặc biệt ưu tiên cho các xã xây dựng nông thôn mới để sớm hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế những địa phương này. Đây là một trong những mũi nhọn, một dấu ấn trong năm 2012 mà Ban chỉ đạo Trung ương đã đề ra.


´Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay liệu mục tiêu đề ra như vậy có khả thi không, thưa ông? Nhất là phải đảm bảo đào tạo xong gắn với tạo việc làm cho người lao động?


Chúng ta đang gặp rất nhiều khó khăn để có thể mở rộng chỗ làm, việc dạy nghề cho khu vực nông thôn. Nhưng theo tôi, công tác đào tạo nghề theo Đề án 1956 vẫn diễn ra tương đối bình ổn. Năm 2012, kế hoạch đào tạo nghề theo Đề án 1956 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ diễn ra đúng theo chủ trương chung đã đề ra.


 

Dạy nghề mây tre đan xuất khẩu cho lao động nông thôn xã Nghi Thái (huyện Nghi Lộc, Nghệ An). Ảnh: Hữu Việt - TTXVN

 

Ban chỉ đạo Trung ương vẫn kiên trì chỉ đạo việc đào tạo gắn cung với cầu. Để tăng cường hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn, để đào tạo gắn với giải quyết việc làm, như đã đề cập trong đề án là tối thiểu 70% có việc làm, thì Ban chỉ đạo Trung ương đã chỉ đạo các cơ quan trong hệ thống chính trị của nước ta phải bám sát được chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội từng cấp để việc gắn “cung” với “cầu” trong quá trình đào tạo đạt hiệu quả thực chất. Trên cơ sở đó, các mô hình điểm đã triển khai vào các năm 2009, 2010, 2011và đã thành công thì sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong năm 2012.


Mặc dù phải hướng đến mục tiêu này nhưng chúng ta cũng không thuần túy chạy theo số lượng. Đó là yêu cầu sống còn và tăng thêm hiệu quả của Đề án 1956. Do đó, từ quý I/2012, theo báo cáo nhanh của các địa phương, hiện nay, các địa phương chủ yếu đang tiến hành nhân rộng các mô hình điển hình tiên tiến và tập trung vào các xã nông thôn mới, những nơi có nhu cầu thực sự về nguồn nhân lực.


´Hiện nay, theo khảo sát, đánh giá, nhu cầu học nghề của bà con nông dân là những nghề nào, thưa ông?


Hiện nay, người nông dân có nhu cầu học rất nhiều ngành nghề. Nhưng theo chúng tôi, quan trọng nhất là ngành nghề đó phải phù hợp với nhu cầu sản xuất và phát triển kinh tế của từng địa phương. Bởi, suy cho cùng, trước hết, phải giải quyết việc làm tại chỗ, sau đó là tạo cơ hội cho những lao động nông thôn có nhu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế và chuyển dịch ra khỏi địa bàn, tham gia xuất khẩu lao động.


Cho nên, các nghề liên quan đến nuôi trồng các loại cây, con phù hợp với từng địa phương hiện đang sản xuất nông nghiệp vẫn là những nghề cần chúng ta ưu tiên đầu tư đào tạo. Đào tạo cho bà con cả về kiến thức, về kỹ năng lẫn thái độ nghề nghiệp để nâng cao được chất lượng sản phẩm làm ra, đáp ứng được xu hướng chuyển từ những mặt hàng tự cung tự cấp thành những mặt hàng xuất khẩu.


´Trước đây, vấn đề giảng viên là một bất cập khi mới bắt đầu triển khai Đề án 1956. Đến nay, vấn đề giảng viên ra sao, thưa ông?


Theo chúng tôi, bất cứ thời điểm nào cũng có bất cập nhất định, bởi xu hướng phát triển khoa học công nghệ ngày càng thay đổi và nhu cầu sản xuất kinh doanh cũng thay đổi. Sự thay đổi của sản xuất kinh doanh là thay đổi của công nghệ, tạo ra áp lực trong việc thay đổi cách thức đào tạo, cách tiếp cận trong lĩnh vực đào tạo. Để một mặt, đào tạo các kiến thức cơ bản cho bà con, một mặt đảm bảo những công nghệ mới để bà con có thể đáp ứng những nhu cầu sản xuất của những tư liệu sản xuất mới.


Theo chúng tôi, câu chuyện giảng viên hiện nay cũng có khó khăn nhưng áp lực không lớn lắm. Lực lượng giáo viên lúc nào cũng thiếu và đòi hỏi chất lượng phải cao nhưng không phải là không huy động được. Bởi, chúng ta đã tận dụng lực lượng giáo viên sẵn có trong các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề và kết hợp với việc sử dụng những kỹ sư, những người lao động giỏi tại địa phương đang làm tốt chuyên môn trong các lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, cung cấp cho họ năng lực sư phạm để họ có thể tham gia dạy nghề (kỹ năng chuẩn bị bài, kỹ năng kiểm tra đánh giá...).


´Nhưng theo mục tiêu đặt ra, năm nay phải đào tạo được nhiều hơn 200.000 lao động so với năm ngoái. Lượng giảng viên có tăng lên hoặc cách nào để bảo đảm tốt hơn?


Tăng hay giảm giảng viên phụ thuộc vào trách nhiệm của các cơ sở dạy nghề khi tham gia vào đào tạo nghề cho lao động nông thôn nên ngoài lực lượng giáo viên cơ hữu, giáo viên thường xuyên thì họ phải dùng lực lượng giáo viên thỉnh giảng hoặc là những người tham gia dạy nghề.
Xin cảm ơn ông!


Mạnh Minh (thực hiện)