12:14 24/12/2020

Đào tạo cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp THCS: Cần xây dựng chương trình phù hợp

Đề xuất đào tạo cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở đang thu hút sự quan tâm rất lớn từ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, học sinh và phụ huynh. Các ý kiến cho rằng, để thực hiện tốt mô hình này cần thiết phải có chương trình đào tạo phù hợp với năng lực cũng như lứa tuổi của học sinh.

Chú thích ảnh
Học sinh trường Cao đẳng Lý Tự Trọng Thành phố Hồ Chí Minh trong giờ thực hành tại xưởng động cơ.

Mô hình 9+ rút ngắn thời gian học tập

Mô hình 9+ đào tạo nghề cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở theo phương thức đào tạo liên thông từ trung cấp lên cao đẳng. Cụ thể, học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở sẽ học trung cấp nghề (2 năm), song song với chương trình văn hóa trung học phổ thông 4 môn hoặc 7 môn. Tốt nghiệp trung cấp, học sinh tiếp tục học liên thông lên trình độ cao đẳng (từ 1 - 2 năm). Như vậy, người học liên thông theo mô hình này sẽ hoàn thành chương trình cao đẳng trong khoảng từ 3 - 4 năm.

Mô hình này hiện được nhiều trường cao đẳng tại Thành phố Hồ Chí Minh triển khai, thu hút nhiều học sinh theo học. Thực hiện thí điểm từ năm 2015, số học sinh theo học mô hình 9+ tại Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng Thành phố Hồ Chí Minh tăng lên khá nhiều. Năm 2015, trường tuyển hơn 650 chỉ tiêu, đến năm 2019 là hơn 2.000 chỉ tiêu. Năm 2020, trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh 7.500 học sinh ở 50 ngành đào tạo, có khoảng 3.400 chỉ tiêu dành cho học sinh hệ 9+.

"Do không phù hợp với môi trường học tập mới, những năm đầu thí điểm, có đến 30% học sinh nghỉ học sau năm đầu nhập học. Trường đã đưa ra các giải pháp học tập phù hợp với đối tượng học sinh trung học cơ sở. Ngoài các môn học cơ bản, trường bổ sung vào chương trình đào tạo các môn kỹ năng mềm; chương trình được xây dựng linh hoạt hơn, giáo viên tìm phương pháp giảng dạy phù hợp với lứa tuổi học sinh… Qua đó, kết quả học tập được nâng dần từng năm, số học sinh bỏ học cũng giảm dần, đến nay tỷ lệ học sinh nghỉ học còn khoảng 7%" - Tiến sĩ Phạm Hữu Lộc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ.

Tại trường Cao đẳng quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh, mô hình 9+ cũng đã được triển khai từ nhiều năm nay. Thạc sĩ Nguyễn Đăng Lý, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, mô hình này giúp học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở rút ngắn thời gian học cao đẳng, tiết kiệm chi phí học tập. Sau thời gian 3,5 đến 4 năm, các em có thể hoàn thành chương trình cao đẳng và tham gia thị trường lao động. Nếu có nhu cầu, các em cũng có thể dễ liên thông các bậc học cao hơn. Chương trình đào tạo được nhà trường cập nhật thường xuyên nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường lao động.

Theo thống kê của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến cuối năm 2019, cả nước có 1.914 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 399 trường cao đẳng, 458 trường trung cấp và 1.053 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên. Trong số đó có 244 trường cao đẳng và 437 trường trung cấp có tuyển sinh và đào tạo trình độ trung cấp cho học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở.

Chia sẻ về hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, thời gian qua công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông được các ngành, các trường trên địa bàn thành phố chú trọng thực hiện. Cùng với đó, chất lượng nhân lực sau đào tạo, giáo dục nghề nghiệp dần khẳng định vị thế với xã hội, kiến thức và kỹ năng nghề của người học ngày càng tiệm cận thực tế sản xuất, nhu cầu của doanh nghiệp… Từ đó, nhận thức xã hội về giáo dục nghề nghiệp cũng dần thay đổi. Dù vậy, công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, trung học phổ thông tại nhiều quận, huyện cũng chưa được như mong muốn.

Xây dựng chương trình đào tạo phù hợp

Chú thích ảnh
Học sinh trường Cao đẳng Lý Tự Trọng Thành phố Hồ Chí Minh trong giờ thực hành tại xưởng hệ thống điều hòa không khí.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 24/CT-TTg về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất thí điểm đào tạo trình độ cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở. Hiện đề án thí điểm đang được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng để trình Thủ tướng Chính phủ. Đề xuất này đã thu hút sự quan tâm rất lớn từ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, học sinh và phụ huynh. Nhiều ý kiến cho rằng, chủ trương này sẽ góp phần thu hút được người học, giúp các trường cao đẳng chủ động xây dựng một kế hoạch đào tạo tốt hơn.

Tiến sĩ Phạm Hữu Lộc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, với mô hình 9+ như hiện nay, học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở phải tốt nghiệp trung cấp rồi thi liên thông lên cao đẳng. Như vậy, quá trình này cũng làm gián đoạn việc học của học sinh, kéo dài thời gian hơn. Việc thực hiện mô hình đào tạo cao đẳng không cần qua trung cấp sẽ rất có lợi cho người học và cho cả các trường. Nhà trường cũng chủ động trong xây dựng chương trình đào tạo xuyên suốt hơn, phù hợp với học sinh trung học cơ sở.

Theo Tiến sĩ Phạm Hữu Lộc, khi triển khai thí điểm mô hình này, vấn đề quan trọng nhất là nhà trường phải xây dựng chương trình đào tạo và phương pháp giảng dạy phù hợp. Đặc biệt, dù chuẩn đầu vào của các hệ đào tạo có khác nhau nhưng chuẩn đầu ra của học sinh học tốt nghiệp cao đẳng phải ngang bằng nhau. Ngoài chương trình đào tạo, chất lượng đội ngũ giáo viên tham gia giảng dạy mô hình này cần được chú trọng. Ngoài chuyên môn vững, giáo viên cần có phương pháp giảng dạy để học sinh dễ hiểu, thích thú hơn; cần có kỹ năng nắm bắt tâm lý học sinh, bởi ở lứa tuổi này có rất nhiều chuyển biến về tâm lý cần sự động viên chia sẻ.

Đồng quan điểm, Thạc sĩ Nguyễn Đăng Lý, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, từ thực tế mô hình đào tạo 9+ cao đẳng trường đang thực hiện cho thấy, việc đào tạo cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở hoàn toàn có thể thực hiện tốt. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả mô hình này, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần có một khung đào tạo chung về chương trình văn hóa trung học phổ thông, chương trình đào tạo nghề cho hệ này. Trên cơ sở đó, các trường nghề xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với năng lực học sinh. Bên cạnh đó, cùng với chuẩn đầu ra về chuyên môn, kỹ năng nghề, học sinh cần được đào tạo và đạt chuẩn đầu ra tiếng Anh để có thể đáp ứng được yêu cầu công việc sau khi ra trường.

Tuy nhiên, cũng còn có những ý kiến băn khoăn về năng lực học tập của các em học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, liệu có đáp ứng được chương trình học cao đẳng hay không. Thạc sĩ Lê Hồng Việt, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Việt Á cho rằng, thực tế hiện nay, rất nhiều học sinh không đủ sức vào lớp 10 công lập nên chọn hướng học trung cấp nghề và liên thông cao đẳng. Như vậy, nếu bỏ qua chương trình trung cấp mà lên thẳng cao đẳng, nhiều em đuối sức không theo kịp, sẽ rất áp lực.

Thạc sĩ Lê Hồng Việt nêu quan điểm, nếu thực hiện đào tạo cao đẳng cho học sinh sau trung học cơ sở, cần xây dựng chương trình đào tạo, giáo án và lộ trình phù hợp, để học sinh có thể học tốt, đảm bảo chất lượng đầu ra. Thực tế, dù có bằng cao đẳng nhưng không có kỹ năng nghề tốt vẫn đồng nghĩa với việc thất nghiệp.

Bài và ảnh: Thu Hoài (TTXVN)