07:06 23/07/2014

Đạo đức cầu thủ: SOS

Nhiều cầu thủ đang có biểu hiện “đam mê” cá độ, quan hệ với những đường dây tổ chức đánh bạc và đặc biệt là tự mình thao túng kết quả các trận đấu.

Nhiều cầu thủ đang có biểu hiện “đam mê” cá độ, quan hệ với những đường dây tổ chức đánh bạc và đặc biệt là tự mình thao túng kết quả các trận đấu.


Bán độ trắng trợn


Nếu nhìn vào các vụ án của XM The Vissai Ninh Bình và Đồng Nai mới đây, có thể thấy phương thức dàn xếp tỷ số trận đấu (hay bán độ) của các cầu thủ đã thay đổi, với hành vi ngày càng trở nên trắng trợn hơn. Trước đây, các vụ dàn xếp tỷ số từng bị phát hiện thường là sự thỏa thuận giữa các đội bóng với nhau, hay nói cách khác là các đội nhận tiền của nhau để nhường điểm. Còn bây giờ, các cầu thủ tự mình bán độ, tự mình quyết định số phận của trận đấu, bỏ qua những người quản lý đội bóng và không quan tâm đến đối thủ.

 

Tương lai của những cầu thủ như Nguyễn Thành Long Giang đang đi vào ngõ cụt.


Ở trận đấu của Ninh Bình tại AFC Cup 2014 hồi tháng 3 vừa qua, nhóm 9 cầu thủ của đội bóng này đã chủ trương đá để “nổ tài” (kèo 3 hòa). Tỷ số của trận đấu với Kelantan tại Malaysia ngay sau hiệp 1 đã có 3 bàn thắng, trước khi kết thúc 90 phút với tỷ số 3 - 2 nghiêng về đội khách. Từ việc tham gia cá độ trực tiếp vào trận đấu này, Trần Mạnh Dũng, Nguyễn Mạnh Dũng và các đồng phạm đã thu về 800 triệu đồng. Ngay HLV Nguyễn Văn Sỹ khi đó cũng không tin bị học trò “bán đứng”.


Tương tự như vậy, nhóm 6 cầu thủ Đồng Nai đã chủ động dàn xếp “màn kịch” với Than Quảng Ninh tại sân Cẩm Phả chiều 20/7, thuộc vòng 21 V - League 2014. Sau khi đã thống nhất bán tỷ số cho nhà cái với giá 400 triệu đồng, Phạm Hữu Phát và đồng bọn đã “lái” trận đấu theo đúng kèo “cách biệt 2 bàn”. Với nhóm đối tượng này, tỷ số sau hiệp 1 (3 - 1 nghiêng Than Quảng Ninh) là đã đủ cho mưu toan của họ, còn diễn biến hiệp 2 chỉ là “phụ họa” (Than Quảng Ninh cuối cùng thắng 5 - 3). HLV Trần Bình Sự của Đồng Nai và cả đối thủ Than Quảng Ninh cũng “ngã ngửa” khi biết thông tin.


Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an, đánh giá, vụ việc của nhóm cầu thủ Đồng Nai cho thấy sự coi thường pháp luật. Các cầu thủ Đồng Nai đã bất chấp tất cả để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, phi thể thao; bất chấp bài học của đội bóng cố đô Hoa Lư mới vừa đây. Điều nguy hiểm hơn là các đối tượng bán độ bây giờ có thể hoạt động độc lập, gây khó khăn cho công tác phát hiện, điều tra, phá án. Thậm chí, một cầu thủ bây giờ cũng có thể dàn xếp tỷ số, có thể thay đổi tỷ số trận đấu, bằng một tình huống phạm lỗi dẫn đến phạt đền hay đá phản lưới nhà...


Người viết từng chứng kiến Nguyễn Thành Long Giang (nằm trong nhóm cầu thủ Đồng Nai vừa bị bắt) đã phạm lỗi và nhận thẻ đỏ ở ngay đầu trận gặp Thanh Hóa ngày 3/5 vừa qua (vòng 15 V - League 2014). Dù Đồng Nai không thua penalty ở tình huống đó, nhưng rồi họ cũng kết thúc trận đấu với thất bại 0 - 3. Chưa bàn đến khả năng trận đấu “có mùi” hay không, nhưng đó là một ví dụ cho thấy một cá nhân cũng có thể gây ảnh hưởng tới kết quả của cả đội bóng.


Sa đà cá độ


Một điểm chung nữa giữa các cầu thủ đã “nhúng chàm” của Ninh Bình và Đồng Nai là họ đều giao du với các đối tượng tổ chức cá độ. Các cầu thủ Ninh Bình có thể dễ dàng gọi điện thoại đặt kèo lên đến hơn 1 tỷ đồng với Đào Đức Lợi, đối tượng được biết đến là có quan hệ với nhiều cựu cầu thủ chuyên nghiệp. Các cầu thủ Đồng Nai thậm chí còn là “khách quen” của một đường dây cá độ tại địa phương do đối tượng Nguyễn Phúc Thuận cầm đầu. Từ việc giao du với “thế giới ngầm” như vậy và không loại trừ khả năng nợ tiền cá độ, các cầu thủ mới nảy sinh những mưu toan dàn xếp tỷ số.


Bên cạnh việc xử lý nghiêm và triệt để những cầu thủ vi phạm pháp luật, theo thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, một giải pháp khác cho vấn nạn tham gia cá độ, dàn xếp tỷ số hiện nay là tăng cường giáo dục đạo đức cầu thủ. Nếu được giáo dục tốt, các cầu thủ có thể sớm tránh xa tệ nạn xã hội, trong đó có đánh bạc (cá độ). Có tới 4 cầu thủ liên quan tới vụ việc của Ninh Bình là mới trở về từ SEA Games 2013, tức là họ đều dưới 23 tuổi. Trường hợp của tiền đạo 24 tuổi Nguyễn Đình Hiệp của Đồng Tâm Long An (cũng bắt giữ đợt này vì “mê cá độ”) là một ví dụ khác cho thấy, nhận thức của các cầu thủ trẻ hiện nay chưa đầy đủ, lệch lạc.


Các nhà lãnh đạo bóng đá Việt Nam không phải không biết điều này. Tuy nhiên, với cung cách làm bóng đá theo kiểu “ăn xổi” và phải dựa vào “bầu sữa” doanh nghiệp ở hầu hết các đội bóng mang danh chuyên nghiệp như hiện nay, chuyện giáo dục đầy đủ cho cầu thủ vẫn là vấn đề nan giải.

 

Tương tự như đối với các cầu thủ XM The Vissai Ninh Bình, 6 cầu thủ Đồng Nai vừa bị phát hiện cá độ và dàn xếp tỷ số đang đối mặt với án phạt bị tạm đình chỉ hoạt động bóng đá từ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF). Theo quy định về kỷ luật của VFF, trong trường hợp nghiêm trọng, cầu thủ có thể bị cấm thi đấu vĩnh viễn.


Bài và ảnh: Song Long