06:10 22/06/2011

Đạo diễn trẻ mong có nhiều cơ hội được làm nghề

Sau khi tốt nghiệp, các đạo diễn trẻ đều rất muốn được khẳng định mình. Song, cơ hội để các đạo diễn trẻ trở thành “nhạc trưởng” trên sân khấu không nhiều. Để có thể chứng tỏ khả năng của mình, các đạo diễn trẻ cần có nhiều cơ hội thử sức hơn.

Sau khi tốt nghiệp, các đạo diễn trẻ đều rất muốn được khẳng định mình. Song, cơ hội để các đạo diễn trẻ trở thành “nhạc trưởng” trên sân khấu không nhiều. Để có thể chứng tỏ khả năng của mình, các đạo diễn trẻ cần có nhiều cơ hội thử sức hơn.

Nghệ sỹ Đức Thịnh kể lại, lúc 28 tuổi, anh chập chững vào nghề đạo diễn. Anh cầm một kịch bản do chính mình viết đến một nhà hát xin dàn dựng. Một vị lãnh đạo nhà hát ấy khi biết đó là kịch bản của anh, và biết nguyện vọng của anh muốn đích thân dựng đã nói: "Cậu có biết đạo diễn là thế nào không? Mười năm nữa hãy quay lại đây!”. Không lâu sau, tác phẩm của Đức Thịnh được sân khấu Hồng Vân công diễn, vị lãnh đạo nọ đến xem và tấm tắc khen hay.

Đạo diễn Đặng Thái Huyền (thứ hai từ phải sang) đang chỉ đạo diễn xuất cho diễn viên Thu An trên trường quay phim Thiên đường vắng em (ảnh do nhân vật cung cấp).


Đạo diễn Bùi Đắc Sừ, người đắt hàng nhất làng chèo hiện nay thừa nhận, ngày mới học xong đạo diễn, ông cũng phải “ngồi đợi đó” vì bên trên mình, bậc đàn anh vẫn đang “tung hoành”. May thay, có đoàn chèo Bắc Giang do thiếu người nên mời ông về cộng tác. Và dù là người của Nhà hát chèo Việt Nam, nhưng ông lại thường xuyên dựng vở cho đoàn chèo Bắc Giang, chứ ít khi được dựng ở nơi mà mình đang công tác. Sau này, khi trở thành đạo diễn tên tuổi được nhiều đoàn săn đón, nghệ sĩ Bùi Đắc Sừ vẫn dành cho đoàn chèo Bắc Giang tình cảm đặc biệt, bởi nơi đây chính là cái nôi nuôi dưỡng nghề đạo diễn của ông những ngày “chân ướt chân ráo” nhập cuộc.

Những câu chuyện thế này không hiếm trong làng sân khấu, nhưng tại sao đạo diễn trẻ có ít cơ hội như vậy? Theo lý giải của giám đốc một nhà hát, thì mỗi năm, nhà hát chỉ có thể dựng được từ 1 - 2 vở. Nếu giao cho những người chưa có kinh nghiệm thì dễ hỏng như chơi, nên chẳng mấy ai dám liều. Và để chắc ăn, họ phải mời những đạo diễn có uy tín.

Nghệ sĩ Trần Thông, Trưởng đoàn chèo Bắc Giang cũng thừa nhận, đơn vị cũng cử người đi học đạo diễn từ mấy năm trước, và hiện các đạo diễn trẻ ấy đã tốt nghiệp, song đoàn vẫn chưa dám giao cho các đạo diễn này dựng vở, vì họ cảm thấy chưa yên tâm. “Trước mắt, chúng tôi vẫn phải mời những người có kinh nghiệm từ bên ngoài, còn đạo diễn của đoàn thì tạm thời làm... trợ lý” – ông Thông cho biết.

Song, không phải các cánh cửa đều đóng trước mặt đạo diễn trẻ, bởi nhiều người đã chứng tỏ được khả năng của mình khi có cơ hội thử sức. Khi bà bầu Hồng Vân yêu cầu Đức Thịnh trình bày ý tưởng, anh đã biết tận dụng cơ hội và chứng tỏ được khả năng của mình. Cũng từ đó, anh liên tục được dựng vở. Đến nay, sau 7 năm theo nghề, Đức Thịnh đã có trong tay trên dưới 20 vở diễn, một con số mà nhiều đạo diễn trẻ mơ ước.

Khi học xong đạo diễn, trở về đoàn chèo Hải Phòng, nữ đạo diễn Trần Quỳnh Mai vẫn chưa có cơ hội dựng vở. Cách đây mấy năm, trong khi các đồng nghiệp được Nhà hát đầu tư dựng vở để đi thi “Tài năng đạo diễn trẻ toàn quốc”, thì Quỳnh Mai vẫn chưa biết phải làm thế nào. Cuối cùng, chị quyết tự bỏ tiền làm vở để đọ sức với bạn bè bởi chị hiểu, cuộc thi là dịp hiếm hoi để khẳng định mình. Khi vở “Trầu cau” được trao huy chương bạc, đoàn chèo Hải Phòng mới đồng ý trả toàn bộ chi phí dàn dựng cho chị và coi đó là tác phẩm mới của đoàn.

Có thể nói, với các đạo diễn trẻ, giải thưởng trong một cuộc thi, hội diễn nào đó là dấu mốc rất quan trọng cho sự nghiệp của họ. Giải thưởng ấy mở ra nhiều cơ hội để đạo diễn trẻ tiếp tục dấn thân với nghề mình đã chọn. Tuy nhiên, không phải lúc nào các đạo diễn trẻ cũng có cơ hội thử sức tại các cuộc thi và nhận được giải thưởng. Điều mong mỏi lớn nhất của các đạo diễn trẻ hiện nay là các đơn vị nghệ thuật tạo điều kiện cho họ có nhiều cơ hội thử sức, để họ có cơ hội khẳng định mình.

Hà Anh