04:10 27/04/2010

Daniel Ellsberg: Người nguy hiểm nhất nước Mỹ - Kỳ cuối: Chiến tranh là như thế

Sau khi đạt được mục đích đề ra, ngày 28/6/1971, Ellsberg quyết định ra trình diện chính quyền tại tòa án thành phố Boston, bang Massachusett và tuyên bố ông chính là người đã cung cấp bản Tài liệu Lầu Năm Góc cho báo chí và các nghị sỹ.

Sau khi đạt được mục đích đề ra, ngày 28/6/1971, Ellsberg quyết định ra trình diện chính quyền tại tòa án thành phố Boston, bang Massachusett và tuyên bố ông chính là người đã cung cấp bản Tài liệu Lầu Năm Góc cho báo chí và các nghị sỹ.

Ellsberg và Russo (người đeo kính đứng sau) trong cuộc họp báo ngày 17/1/1973.


Khi Ellsberg xuất hiện, vòng vây đông nghịt của các phóng viên và những người ủng hộ ông khiến các nhân viên FBI dù muốn bắt giam Ellsberg ngay lập tức cũng không thể. Trước rừng micro của các phóng viên, ông công bố một bài phát biểu ngắn gọn đã chuẩn bị từ trước đề phòng trường hợp bị FBI bắt giữ. Ông nói: “Mùa thu năm 1969, tôi nhận trách nhiệm... cái gọi là hồ sơ Lầu Năm Góc. Đến mùa xuân năm nay, sau hai cuộc tấn công, khoảng 9.000 người Mỹ nữa và hàng trăm ngàn người dân Đông Dương đã bị chết. Tôi chỉ có thể ân hận rằng tại thời điểm đó, tôi đã không phơi bày lịch sử trên báo chí cho người dân Mỹ biết…

Tất cả những hành động này trái với quy định bảo mật... Tuy nhiên, với tư cách là một công dân Mỹ, một công dân có trách nhiệm, tôi cảm thấy không thể hợp tác che giấu thông tin này đối với công chúng Mỹ. Tôi làm điều đó mặc dù biết rõ là sẽ tự chuốc lấy nguy hiểm và tôi sẵn sàng đối mặt với những hậu quả của quyết định này. Đó có thể là hậu quả cho cá nhân tôi, gia đình tôi. Nhưng dù hậu quả đó có ra sao, cuối cùng chúng cũng không thể so sánh với những hậu quả mà tôi, cùng với hàng triệu người Mỹ khác, đã từng vui vẻ chấp nhận để phục vụ cho Tổ quốc này. Đối với tôi, đây là một hành động của hy vọng, một hành động của lòng tin. Hy vọng rằng sự thật sẽ giải thoát cho chúng ta khỏi cuộc chiến này. Niềm tin rằng những người dân Mỹ hiểu biết sẽ buộc những công chức của họ ngừng nói dối, ngừng tàn sát và chấm dứt chết chóc ở Đông Dương do những người Mỹ gây ra".

Ngay trước khi Ellsberg bước vào tòa án, một phóng viên đặt câu hỏi: “Tiến sỹ Ellsberg, ông có lo lắng về khả năng sẽ phải ngồi tù vì việc này?”. Ellsberg đáp lại bằng một câu hỏi khác: “Liệu anh có thể không vào tù để giúp chấm dứt cuộc chiến này?”.

Ellsberg và người thân vui mừng với tin ông được trắng án.

Tại phiên điều trần, Ellsberg bị buộc tội “tàng trữ trái phép” và “đánh cắp” đối với bản Tài liệu Lầu Năm Góc, đối mặt với một phiên tòa với mức án lên tới 20 năm tù giam. Tuy nhiên, ông được tại ngoại với một khoản tiền bảo lãnh. Không lâu sau, Russo cũng phải ra điều trần sau khi từ chối làm chứng chống lại Ellsberg, và lần này số tội danh đối với Ellsberg tăng lên và mức án phạt cao nhất có thể lên tới 115 năm tù.

Trong thời gian này, Ellsberg không hề biết rằng đang có một âm mưu buộc ông phải sống phần đời còn lại trong nhà tù. Ngoài mục đích trả thù, chính quyền Nixon sợ rằng Ellsberg đã được tiếp cận nhiều tài liệu khác về kế hoạch mở rộng chiến tranh của chính phủ và có thể sẽ tiếp tục tiết lộ chúng. Vì vậy, Nixon đã quyết định thành lập một đơn vị điều tra đặc biệt với âm mưu bôi nhọ thanh danh hoặc tống tiền Ellsberg. Cuốn băng ghi âm lời nói của Tổng thống Nixon khi đó có đoạn: “Hãy bắt vít phiên tòa này. Hãy kết tội thằng khốn đó trên báo chí. Đó là cách nó đã làm”.

Tháng 11/1972, Nixon tái đắc cử tổng thống và tiếp tục đẩy mạnh chiến tranh bằng những trận ném bom khốc liệt vào miền Bắc Việt Nam. Trả lời phỏng vấn báo chí khi đó, Ellsberg nói ông rất thất vọng khi chiến tranh thay vì phải được chấm dứt, chỉ trong một năm đã có thêm 200.000 tấn bom được thả xuống Đông Dương, gấp 10 lần sự tàn phá của quả bom nguyên tử được thả xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản. Thế nhưng người Mỹ không bao giờ có thể tiếp cận được những tài liệu về sự thật liên quan đến số bom được thả.

Vụ xét xử Ellsberg-Russo bắt đầu từ ngày 3/1/1973. Báo chí giật tít “Nước Mỹ chống lại Ellsberg và Russo”. Họ có lý bởi với việc công bố Tài liệu Lầu Năm Góc, Ellsberg được nhiều người Mỹ coi là anh hùng, nhưng cũng không ít người xem ông là kẻ tội đồ. Tuy nhiên, với những lời tâm sự chân thành tự đáy lòng, ông đã thuyết phục không chỉ bồi thẩm đoàn mà cả hàng triệu người dân Mỹ. Lần đầu tiên Ellsberg đã nói ra tại sao ông lại thay đổi từ một nhân vật “diều hâu” sang “bồ câu” trong cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam.

Ellsberg trong vòng vây của báo chí.

Ông nói: “Khi tôi đứng trước bục tòa án trong 4 ngày rưỡi, tôi đã thực sự nhớ lại sự kiện cụ thể này năm 1966, trong đó tôi chứng kiến một ngôi làng bị đốt cháy, quân lính Việt Nam Cộng hòa đã châm lửa, và đúng lúc đó, tôi nhìn thấy những đứa trẻ nhặt nhạnh từ đám than hồng của ngôi nhà lá cháy rụi một con búp bê nhỏ bằng nhựa. Đó là nỗi đau đớn tột cùng khi phải chứng kiến cảnh tượng đau buồn đó. Chiến tranh đối với họ là như thế, nhà cửa và cuộc sống của họ bị phá hủy”.

Cùng với những tiết lộ về âm mưu của chính quyền Nixon trong vụ bê bối Watergate, thẩm phán Matthew Byrne cho rằng, Chính phủ Mỹ đã làm nhơ bẩn vụ án Tài liệu Lầu Năm Góc nhằm làm cho vụ xét xử bị sai lệch. Vì vậy, ông quyết định tuyên hủy mọi lời cáo buộc đối với Ellsberg và Russo.

Do vụ xét xử kết thúc, cuối cùng Quốc hội Mỹ bỏ phiếu ngừng tài trợ cho cuộc chiến tại Việt Nam. Ủy ban Tư pháp Hạ viện nhất trí tiến hành bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Tổng thống Nixon. Đối mặt với khả năng bị mất tín nhiệm, Nixon từ chức vào ngày 8/8/1974. Cuộc chiến chính thức chấm dứt vào ngày 30/4/1975 lịch sử, đánh dấu mốc son đất nước Việt Nam hoàn toàn thống nhất.

Vũ Hội (Tổng hợp)

Đón đọc số tới: Đội quân ma