04:10 22/04/2010

Daniel Ellsberg: Người nguy hiểm nhất nước Mỹ - Kỳ 7: Hành động

Trở lại RAND, Ellsberg tìm đến Anthony Russo, một cựu đồng nghiệp trực tính, thông minh và cũng phản đối chiến tranh gay gắt. Russo từng tới Việt Nam trong nhiều tháng và có những bản báo cáo về việc lính Mỹ sử dụng nhục hình đối với các tù nhân Việt Nam.

Trở lại RAND, Ellsberg tìm đến Anthony Russo, một cựu đồng nghiệp trực tính, thông minh và cũng phản đối chiến tranh gay gắt. Russo từng tới Việt Nam trong nhiều tháng và có những bản báo cáo về việc lính Mỹ sử dụng nhục hình đối với các tù nhân Việt Nam. Ông chính là người giúp Ellsberg giấu chiếc máy photocopy tại một địa điểm bí mật và cùng Ellsberg sao chụp bản tài liệu mật. Sau này, Russo cũng phải ngồi tù vì từ chối ra làm nhân chứng chống lại Ellsberg đồng thời cũng bị xét xử cùng Ellsberg vì tội đồng lõa.

D. Ellsberg và trẻ em Việt Nam trong thời gian còn làm việc tại Sài Gòn.


Trước hành động dũng cảm của Russo, Ellsberg quyết định đây chính là người ông “chọn mặt gửi vàng” để đưa bản “Tài liệu Lầu Năm Góc” ra trước công chúng.

Các bản báo cáo về tội ác của lính Mỹ tại Việt Nam là nguyên nhân khiến Russo bị sa thải khỏi RAND. Sau khi nghỉ việc, Russo vẫn thường qua lại với Ellsberg và trong một lần như vậy, Russo tâm sự rằng qua nghiên cứu các tài liệu ở RAND ông đã phát hiện sự dối trá của chính quyền Mỹ. Ellsberg đáp lại: “Tôi biết còn có một tài liệu chứa đựng sự dối trá ở cấp độ cao hơn nhiều”.

Giữ im lặng trước những gì được đọc và được nghe khiến Ellsberg có cảm giác đồng lõa với tội ác. Là một chuyên gia nghiên cứu của RAND, quan tâm và hiểu rõ những vấn đề nội bộ trong chính phủ, từ trước đến nay, Ellsberg vẫn đóng vai trò như một người tham gia trong guồng máy đó, thậm chí ngay cả khi ông lên tiếng chỉ trích nó.

Chỉ trích nhưng không hành động. Ellsberg thực hiện nhiệm vụ được giao như một cỗ máy. Trong đầu ông chợt vang lên câu nói nổi tiếng của Henry David Thoreau: “Hãy bỏ phiếu, lá phiếu không phải là một mẩu giấy, mà là toàn bộ sự ảnh hưởng của bạn”. Ellsberg nghĩ: “Điều gì sẽ xảy ra nếu mình từ bỏ quyền được tiếp cận nguồn tin mật, sự nghiệp, đặc quyền tiếp cận với những người hoạch định chính sách? Điều gì sẽ xảy ra nếu mình chấp nhận ra tòa?”. Và ông tự đưa ra câu trả lời: “Không sao cả. Trong két của mình có hàng ngàn trang tài liệu về sự lừa dối này. Mình sẽ không là một phần của hệ thống lừa dối này nữa”.

Sau đó, Ellsberg gặp Russo, nói: “Anh biết về bản báo cáo tôi từng nói rồi đấy. Tôi có nó và tôi sẵn sàng công bố chúng. Anh giúp tôi được chứ?”. Russo bảo Ellsberg lo cho một chiếc máy photocopy và anh ta sẽ tìm một chỗ thuận tiện và bí mật để tiến hành việc sao chép hàng ngàn trang tài liệu mật. Họ bắt đầu công việc vào ngày 1/10/1969.

Hết ngày làm việc hôm đó, Ellsberg nhét vài trang tài liệu vào cặp để đưa ra ngoài. Đi ngang qua nhân viên bảo vệ, ông cảm thấy rõ tiếng trống ngực thình thịch. Ông không thể không nghĩ về những cam kết bảo mật đã ký kể từ khi bắt đầu làm việc cho chính phủ. Bên cạnh những dòng cam kết đó bao giờ cũng là lời cảnh báo có thể bị truy tố nếu “vi phạm an ninh quốc gia”. Một khi thông tin bị rò rỉ, không phải là quá khó để có thể lần ra dấu vết. Chỉ có 12 người được phép tiếp cận “Tài liệu Lầu Năm Góc” bên ngoài trụ sở Bộ Quốc phòng, trong đó có Ellsberg.

Chiếc máy photocopy mà Ellsberg nhờ được hiện đại nhất lúc bấy giờ nhưng phải mất vài giây mới sao chụp được một trang. Ngoài ra, để tránh trường hợp bị phát hiện và tịch thu trước khi công bố, Ellsberg muốn bản tài liệu phải được nhân ra một vài bản để cất giấu ở những nơi khác nhau. Việc này đòi hỏi phải thực hiện ở một cửa hàng dịch vụ. Vấn đề nảy sinh là dòng chữ “tuyệt mật” có mặt ở mỗi trang tài liệu. Chúng cần được che kín khi sao chụp. Vì vậy, công việc tưởng chừng như không bao giờ chấm dứt.

Vụ Tài liệu Lầu Năm Góc cũng trở thành đề tài khai thác của các đạo diễn điện ảnh.

Ellsberg thường làm việc hết đêm, sáng sớm hôm sau lại mang tài liệu đến nhét vào ngăn kéo bảo mật tại văn phòng rồi mới trở về nhà. Đó là một căn nhà nhỏ, hẹp trông ra biển ở Malibu. Ellsberg thường nhảy sóng trước khi lên giường vào mỗi buổi sáng. Những cơn sóng giúp ông lấy lại thăng bằng nhanh hơn trong những cuộc đấu tranh tư tưởng khi phải làm công việc giống như một tên tội phạm.

Tại thời điểm Ellsberg bắt đầu sao chụp bản “Tài liệu Lầu Năm Góc”, ông có hai người con với người vợ trước, con trai Robert 13 tuổi và con gái Mary 10 tuổi. Cả hai đều được huy động cho công việc của bố. Ellsberg trực tiếp nói với con trai: “Bố có một bản tài liệu mật về cuộc chiến Việt Nam và muốn sao chép nó để công bố với Quốc hội. Liệu con có thể giúp được không?” Sau này, Robert kể lại anh không nghĩ rằng Ellsberg cần tới sự giúp đỡ về sức lực, mà ông tìm một chỗ tựa về tinh thần.

Đó là một công việc nguy hiểm và rất quan trọng đối với ông và ông muốn con trai mình đóng góp một phần nào đó. Trong thâm tâm, Ellsberg cũng nghĩ lũ trẻ sẽ được tham gia “một công việc có tính chất lịch sử”, để chúng sẽ không hiểu sai về người cha, dù sau này có phải chứng kiến ông đứng sau vành móng ngựa.

Ellsberg cũng kể hết mọi chuyện với vợ là Patricia Marx, cho cô đọc một số trang tài liệu mật. Trong những cuộc trò chuyện, hai người đã đề cập đến khả năng Ellsberg sẽ phải ngồi tù suốt phần đời còn lại. Patricia là người vợ thứ hai của ông và cũng là một người chống chiến tranh quyết liệt. Sau này bà kể lại: “Tôi cảm thấy rùng rợn bởi tính chất máu lạnh, tính toán và ngôn ngữ miêu tả những vụ tra tấn.

Họ dùng những từ ngữ “chúng ta sẽ xoáy sâu thêm 1 vòng chiếc đinh ốc vào người lính Bắc Việt này” hay “hãy thử đòn tra tấn nhúng nước”. Patricia không thể hiểu nổi tại sao các nhà lãnh đạo của Mỹ lại có thể sử dụng những ngôn từ đó và lừa dối người dân? Hiểu rằng trước sau chồng mình cũng sẽ buộc phải công bố bản tài liệu mật, bà chỉ biết khóc và nói: “Anh làm đi”.

Hy vọng và thất vọng

Cứ như vậy, sau vài tháng, công việc sao chép 47 chương, 7.000 trang tài liệu cũng được hoàn thành. Giờ là lúc tìm người gửi gắm để công bố chúng ra trước dư luận. Nếu câu hỏi “có nên công bố bản tài liệu hay không?” giằng co tư tưởng Ellsberg mãnh liệt ra sao, thì câu hỏi “làm cách nào để công bố?” cũng cân não như vậy.

Đối với những tài liệu quan trọng chỉ có 2 con đường hiệu quả nhất để đến với công luận: Qua báo chí hoặc qua Quốc hội. Là người nắm vững luật, Ellsberg hiểu các thượng nghị sỹ là những người có quyền ngăn cản chính phủ thi hành một dự luật và có quyền không tiết lộ danh tính người cung cấp thông tin. Tuy nhiên, một thượng nghị sỹ cũng không được công bố thông tin nếu không có sự đồng ý của Nhà Trắng.

Nếu cố tình làm vậy, họ sẽ đối mặt với tội danh tiết lộ bí mật an ninh quốc gia hoặc bị cáo buộc phản quốc. Đó là lý do tại sao trong Quốc hội Mỹ từ lâu vẫn có nhiều người công khai chỉ trích chiến tranh, một số còn nắm trong tay những thông tin mật về sai lầm của chính phủ Mỹ khi tham chiến tại Đông Dương, song tất cả vẫn chỉ dừng lại ở sự chỉ trích. Không ai dám biến chúng thành hành động ngăn cản. Còn nếu thông qua một hạ nghị sỹ, thì vấn đề là hạ nghị sỹ không có quyền ngăn cản một dự luật và không thể đưa tài liệu vào sử dụng tại Quốc hội.

Ellsberg đã tìm cách tiếp cận nhiều nghị sỹ, trong đó có Thượng nghị sỹ William Fulbright - Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, hay các nghị sỹ George McGovern và Pete McCloskey – những người từng ra tranh cử tổng thống Mỹ với chủ trương chống chiến tranh. Điều Ellsberg quan tâm không phải là sự an toàn của chính ông, bởi dù các nghị sỹ có giữ bí mật nguồn cung cấp thông tin thì cũng không khó để các cơ quan an ninh lần ra manh mối. Ông hy vọng thông qua Quốc hội, bản “Tài liệu Lầu Năm Góc” sẽ giúp đưa ra một dự luật chấm dứt cuộc chiến tranh hao người tốn của tại Việt Nam.

Thượng nghị sỹ Fulbright là người đã để lại một ấn tượng sâu sắc với Ellsberg khi ông nói cảm thấy “xấu hổ” vì có một phần trách nhiệm trong việc thông qua “Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ”, cho phép chính phủ Mỹ ném bom đánh phá miền Bắc Việt Nam. Sau khi gửi phần lớn các trang “Tài liệu Lầu Năm Góc” để Fulbright nghiên cứu, kể cả những trang nghiên cứu bổ sung về “sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, tháng 12/1970, Ellsberg đến văn phòng của Fulbright để thảo luận xem có thể làm được những gì với những trang tài liệu này.

Thượng nghị sỹ Fulbright đã gợi ý nhiều cách để có thể ngăn chặn chính sách tham chiến của Mỹ, nhưng rốt cuộc buổi thảo luận đã không mang lại cách thức nào khả dĩ. Thậm chí, Ellsberg còn cảm thấy rất thất vọng khi Fulbright hỏi lại: Chẳng phải những sự dối trá qua các đời tổng thống Mỹ “ruốt cuộc chỉ là lịch sử thôi sao?”.

Sau đó, Ellsberg đến tìm Pete McCloskey, hạ nghị sỹ thuộc bang California. Trong một buổi diễn thuyết sau chuyến đi thực tế tới Đông Dương, McCloskey đã tiết lộ những thông tin “nhạy cảm” về chiến dịch ném bom bí mật của Mỹ tại Lào. Ông nói: “Tôi cho rằng họ (chính phủ Mỹ) đang nói dối về Việt Nam”. Ấn tượng trước từ “nói dối” của Hạ nghị sỹ McCloskey, Ellsberg đã lẻn đến trao cho ông một mẩu giấy, viết: “Ông nói đúng. Tôi có những tài liệu chứa đựng thông tin mà ông vừa đề cập”. Tuy nhiên, ngay sau đó Hạ nghị sỹ McCloskey phải lên máy bay tới bang California và đề nghị Ellsberg đi cùng để trao đổi công việc. Khỏi phải nói ông

Người tiếp theo Ellsberg đặt hy vọng là Thượng nghị sỹ George McGovern. Cuối tháng 1/1971, Ellsberg đến văn phòng của McGovern và kể hết mọi chuyện, từ việc đã sao chụp Tài liệu Lầu Năm Góc như thế nào, đã trao cho Thượng nghị sỹ Fulbright ra sao và đề nghị đưa bản tài liệu cho ông đọc. Ellsberg nói, khi tranh cử, McGovern đã tuyên bố rằng ông muốn nói sự thật với nhân dân Mỹ về cuộc chiến, vì vậy Ellsberg sẽ trao cho McGovern nhiều sự thật đến mức ông có thể nói từ nay tới khi bầu cử diễn ra cũng chưa hết. McGovern tỏ ra rất hào hứng và quả quyết sẽ đưa bản tài liệu vào hồ sơ Thượng viện để có thể dùng nó ngăn cản một dự luật nào đó liên quan đến chiến tranh, đồng thời khẳng định sẽ làm tất cả để bảo vệ Ellsberg. Ellsberg cảm tưởng cuối cùng thì ông cũng đã tìm được người cần tìm.

Tuy nhiên, một tuần sau, McGovern gọi điện lại, nói: “Tôi xin lỗi, tôi không thể làm được”. Không thất vọng như lần trước bị Thượng nghị sỹ Fulbright từ chối, Ellsberg đón nhận tin này với một vẻ bình thản kỳ lạ. Ông chỉ đáp lại ngắn gọn “Tôi hiểu”. Ông hiểu rằng, cho dù McGovern không thể bị chất vấn về nguồn gốc tập tài liệu mật, kể cả bởi FBI hay Bộ Tư pháp, bởi ông là một thượng nghị sỹ, thì việc công bố một tài liệu quan trọng như vậy có thể khiến ông - một người đang tranh cử tổng thống - bị coi là dùng thủ đoạn, hoặc tệ hơn bị cho là thiếu trách nhiệm đối với đất nước với tư cách sẽ là một tổng thống trong tương lai.

Vũ Hội (Tổng hợp)

Đón đọc kỳ 8: Quyền lực thứ tư