10:08 22/10/2013

Dành vốn cho Tây Nguyên tái canh vườn cà phê

Có lẽ đây là thời điểm khá thuận lợi cho nông hộ trồng cà phê Tây Nguyên bước vào giai đoạn tái canh. Lý do là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết định dành khoản tín dụng 10.000 tỷ đồng cho vay tái canh và ngành nông nghiệp đang ráo riết thực hiện chương trình này...

Có lẽ đây là thời điểm khá thuận lợi cho nông hộ trồng cà phê Tây Nguyên bước vào giai đoạn tái canh. Lý do là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết định dành khoản tín dụng 10.000 tỷ đồng cho vay tái canh và ngành nông nghiệp đang ráo riết thực hiện chương trình này với mục tiêu mỗi năm trồng lại 20% diện tích già cỗi.


Tín dụng đã mở


Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh, diện tích cà phê trên 20 năm hiện có 86.000 ha, ngoài ra còn có trên 40.000 ha cà phê dưới 20 năm nhưng có biểu hiện già cỗi, sinh trưởng kém, nhiều cành không cho quả khiến năng suất và chất lượng quả rất thấp. Tổng diện tích cần phải trồng thay thế và chuyển đổi trong 5 - 10 năm tới là khoảng 140.000 - 160.000 ha. “Vì vậy, việc thực hiện chương trình tái canh cây cà phê trên địa bàn Tây Nguyên nhằm ổn định sản lượng cà phê của cả nước là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay” - ông Doanh khẳng định.

 

Cà phê Tây Nguyên đang rất cần vốn để tái canh. CTV


Theo tính toán, để tái canh một ha cà phê, các nông hộ và doanh nghiệp cần từ 120 - 150 triệu đồng. Như vậy, để tái canh 126.000 ha cà phê già cỗi, cần khoản kinh phí ít nhất lên đến trên 15.000 tỷ đồng. Nếu chỉ trông chờ vào nguồn vốn tự có của các hộ gia đình và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cà phê thì chắc chắn việc tái canh sẽ khó có thể triển khai được. Tuy nhiên, trong thời gian tới, kinh phí cho việc tái canh không còn là rào cản nữa. NHNN đã cam kết với Ban Chỉ đạo Tây Nguyên dành một gói tín dụng cho chương trình này. Cụ thể, NHNN đã lựa chọn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) là đơn vị chủ lực triển khai gói tín dụng cho vay tái canh cây cà phê, từ 8.000 - 10.000 tỷ đồng, thực hiện từ nay đến năm 2015 và năm 2016. NHNN sẽ hỗ trợ Agribank bằng nguồn tái cấp vốn từ 4.000 - 5.000 tỷ đồng cho cả vùng Tây Nguyên để có thể đưa lãi suất cho vay về mức 10 - 10,5%/năm (thấp hơn mức lãi suất cho vay thương mại trung và dài hạn thông thường 2%/năm).

“Nếu không triển khai chương trình tái canh, chỉ 10 năm nữa thôi, diện tích cà phê già cỗi cần phải trồng thay thế và chuyển đổi sẽ tăng lên 50%. Lúc đó chắc chắn, năng suất và chất lượng cà phê Việt Nam sẽ giảm sút trầm trọng”.

Ông Nguyễn Viết Vinh, Tổng Thư ký Hiệp hội Cà phê, Ca cao Việt Nam (Vicofa).


Theo ông Nguyễn Tiến Đông, Phó Tổng Giám đốc Agribank, nhu cầu vốn để phát triển kinh tế xã hội vùng Tây Nguyên là rất lớn, trong khi khả năng huy động tại chỗ chỉ đạt khoảng 60%. Agribank thường xuyên phải điều chuyển vốn từ khu vực khác về cho Tây Nguyên. Không chỉ cung cấp tín dụng cho chương trình tái canh đến năm 2016, Agribank cam kết tiếp tục dành nguốn vốn tín dụng thương mại với lãi suất ưu đãi đầu tư cho khu vực Tây Nguyên, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó cây cà phê là đối tượng ưu tiên đặc biệt. Cụ thể, ngân hàng này dành nguồn vốn trung, dài hạn để cho vay tái canh vườn cà phê già cỗi từ nay đến năm 2020.


Mặc dù khó khăn về nguồn được tháo gỡ, song theo ông Nguyễn Nam Hải, Tổng Giám đốc Tổng Công ty cà phê Việt Nam, mức lãi suất 10 - 10,5%/năm vẫn là quá cao so với khả năng chi trả của các nông hộ. Hiện có đến 94% diện tích cà phê là do nông hộ quản lý. Thời gian tái canh thường kéo dài từ 5 - 6 năm; trong đó 2 - 3 năm đầu luân canh trồng các loại cây trồng khác và 3 năm tiếp theo là thời kỳ kiến thiết cơ bản. Trong khoảng thời gian đó, các hộ trồng cà phê không có thu nhập, hoặc có nhưng rất ít vì trong giai đoạn tái canh, họ chỉ có nguồn thu từ cây công nghiệp ngắn ngày như lạc, đậu trồng xen với cao su. Do đó, theo ông Hải, Chính phủ nên có thêm chính sách hỗ trợ cho các nông hộ, doanh nghiệp trong thời gian tái canh và đưa lãi suất về mức 6 - 7%/năm thì sẽ hợp lý hơn.

 

Mùa mưa năm nay tỉnh Đắk Lắk đã tích cực hỗ trợ từ khâu hướng dẫn quy trình kỹ thuật đến cung ứng cà phê giống để các nông hộ tái canh gần 3.000 ha cà phê đảm bảo đúng kỹ thuật, đạt tỷ lệ cây sống cao. Đây là các giống cà phê không những cho năng suất cao (từ 4 đến 7 tấn cà phê nhân/ha), kháng cao với bệnh gỉ sắt mà còn có kích cỡ hạt lớn (trọng lượng 100 hạt đạt từ 17 đến 23 gram, tỷ lệ hạt trên sàng 16 đạt trên 70%) đáp ứng tốt yêu cầu xuất khẩu. TTN

Lập đề án và quy trình tái canh


Mới đây, Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) đã có Quyết định số 273/QĐ-TT-CCN ban hành quy trình tái canh cây cà phê vối. Theo đó, diện tích cà phê phải tái canh là những vườn cà phê trên 20 năm tuổi, sinh trưởng kém và năng suất bình quân nhiều năm liền dưới 1,5 triệu tấn/ha, không thể áp dụng biện pháp cưa đốn phục hồi hoặc ghép cải tạo được.

Tổng diện tích cà phê của cả nước hiện vào khoảng 600.000 ha (diện tích cà phê cho thu hoạch là trên 500.000 ha), chủ yếu tập trung tại các tỉnh Tây Nguyên, trong đó có tới 25- 30% diện tích là già cỗi cho năng suất thấp, cần phải trồng tái canh. Hiện Đắk Lắk đứng đầu cả nước về diện tích cà phê với 200.000 ha, Lâm Đồng đứng thứ hai với 151.000 ha.


Những vườn cà phê dưới 20 năm tuổi, nhưng cây sinh trưởng kém, năng suất bình quân dưới 1,2 tấn nhân/ha liên tục trong 3 năm, không thể áp dụng biện pháp cưa đốn phục hồi hoặc ghép cải tạo cũng được Bộ đưa vào diện phải tái canh. Ngoài ra, diện tích tái canh phải nằm trên vùng đất có độ dốc dưới 15 độ, điều kiện nước tưới thuận lơi; tầng đất dày trên 70 cm, thoát nước tốt. Không tái canh đối với những diện tích cà phê bị nhiễm bệnh vàng lá, thối rễ do tuyến trùng hoặc nấm trong đất gây hại nặng. Theo Cục trồng trọt, với những diện tích cà phê trong tình trạng này, các hộ gia đình nên thanh lý và chuyển sang trồng loại cây trồng khác.


Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT đang phối hợp với các địa phương lập đề án trồng tái canh cà phê giai đoạn 2014 - 2016 và xây dựng chính sách hỗ trợ trồng tái canh cà phê già cỗi theo quy hoạch. Bộ cũng yêu cầu các địa phương hướng dẫn nông dân trồng tái canh theo đúng quy hoạch, để không phát triển tự phát; giới thiệu các mô hình, kỹ thuật tái canh đã áp dụng thành công để nhân rộng trong sản xuất.

 

Huyền tím - Minh Phương

 

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh:

Không tái canh kiểu phong trào

Để việc tái canh cà phê trong thời gian tới có hiệu quả và bền vững hơn, từng địa phương phải rà soát, phân loại, xác định diện tích cà phê theo hướng: diện tích không có nước tưới, tầng đất mỏng thì sẽ chuyển sang trồng cây trồng khác; diện tích đủ điều kiện ghép cải tạo thì chưa phải tái canh; diện tích già cỗi buộc phải tái canh. Trên cơ sở đó, các địa phương xây dựng kế hoạch, lộ trình, giải pháp và cơ chế chính sách hỗ trợ tái canh theo hướng cuốn chiếu, chứ không trồng tái canh kiểu phong trào.

Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên phối hợp với các địa phương triển khai dự án phát triển giống cà phê, chuyển giao giống có năng suất, chất lượng cao đã được Bộ công nhận để cung cấp cho các địa phương làm nguồn giống đầu dòng.

 

Ông Nguyễn Viết Vinh, Tổng Thư ký Hiệp hội Cà phê, Ca cao:

Giám sát chặt để không trồng mới

Không phải đến bây giờ các tỉnh Tây Nguyên mới đưa ra bàn việc trồng tái canh cây cà phê, mà hàng năm người dân các tỉnh Đắk Lắk, Lâm Đồng vẫn tái canh loại cây trồng này. Tuy nhiên, do nguồn lực có hạn nên diện tích tái canh hàng năm không nhiều. Hiện nay, Bộ NN&PTNT đang phối hợp với Hiệp hội Cà phê, Ca cao xây dựng đề án phát triển cà phê bền vững, trong đó có đề cập đến việc tái canh cà phê.

Để thực hiện có hiệu quả chương trình này, theo tôi, các địa phương cần hướng dẫn cho các nông hộ và giám sát việc tái canh theo đúng quy trình của Bộ NN&PTNT. Việc giám sát là rất cần thiết, bởi nếu làm không chặt, theo dõi không sát thì rất dễ dẫn đến tình trạng trồng mới cà phê, trong khi chủ trương của Chính phủ không phải là mở rộng diện tích trồng cà phê.

 

Ông Nguyễn Nam Hải, Tổng Giám đốc Tổng công ty Cà phê Việt Nam:

Nên kéo dài thời gian cho vay lên 10 năm

Tái canh cà phê đang là việc làm hết sức cấp thiết. Việc Agribank dành gói tín dụng trị giá 10.000 tỷ cho vay tái canh vào thời điểm kinh tế còn khó khăn như hiện nay là rất đáng quý, giúp đẩy nhanh quá trình tái canh diện tích cà phê già cỗi. Tuy nhiên, thời gian cho vay là 5 năm, thêm 2 năm gia hạn thì đối tượng vay vốn là hộ gia đình sẽ gặp nhiều khó khăn.

Các nông trường quốc doanh, doanh nghiệp quân đội chỉ quản lý có 6% diện tích cà phê của cả nước, song tỷ lệ diện tích cà phê già cỗi ở mức rất cao. Riêng tỉ lệ này ở Tổng công ty Cà phê Việt Nam là 65% trên tổng số 17.000 ha. Nếu triển khai chương trình này, nguồn thu của các nông hộ, doanh nghiệp cà phê sẽ giảm sút trong nhiều năm. Do đó, theo tôi, thời gian vay vốn nên tăng lên 10 năm. Điều kiện vay vốn cũng nên thông thoáng để người trồng cà phê dễ dàng tiếp cận được với nguồn vốn này.

Hiện có đến 94% diện tích cà phê do nông hộ quản lý. Do vậy, việc tái canh không chỉ cần có vốn là xong. Nếu không tổ chức được một mô hình sản xuất hợp lý thì việc triển khai chương trình tái canh sẽ gặp nhiều khó khăn và không hiệu quả.