12:14 20/12/2018

Đánh thuế tài sản để ngăn ngừa tham nhũng, chống đầu cơ bất động sản

Đề cập về Dự án Luật thuế tài sản đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến, TS Nguyễn Đình Chiến (Học viện Tài chính) cho rằng: Việc đánh thuế tài sản có thể lựa chọn một trong hai phương án: Chỉ đánh thuế vào tài sản chịu thuế thứ hai trở đi và đánh thuế vào bất cứ tài sản nào thuộc diện chịu thuế.

Chú thích ảnh
Bộ Tài chính đề nghị phương án thuế suất từ 0,3 - 0,4% trên phần giá tính thuế đối với nhà trên 1 tỷ đồng hoặc nhà trên 700 triệu đồng. Ảnh minh họa. Tin tức/TTXVN.

Sở dĩ việc thuế về tài sản lại được nhắc tới bởi trong buổi thảo luận Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) kỳ họp Quốc hội vừa qua, có đại biểu Quốc hội đề nghị ban hành Luật Thuế về tài sản, nhất là đối với bất động sản để quản lý chặt chẽ thị trường này.

TS Nguyễn Đình Chiến cho rằng: Việc ban hành Luật Thuế tài sản là cần thiết để điều chỉnh đối với các tài sản có giá trị lớn. Thông qua sắc thuế này, Nhà nước quản lý, kiểm soát được tài sản trong dân cư. Theo đó, những người có nhiều tài sản, tài sản có giá trị lớn phải đóng thuế nhiều, người có ít tài sản thì đóng thuế ít, người không có tài sản chịu thuế thì không phải nộp. Quy định như vậy sẽ đảm bảo yêu cầu công bằng về thuế và công bằng trong phân phối xã hội. 

Ngoài ra, việc đánh thuế tài sản vào bất động sản cũng có tác động đến hành vi đầu cơ bất động sản, khi những hoạt động này được kiểm soát chặt chẽ hơn.

“Tuy nhiên, tác dụng thực tế của thuế tài sản trong việc hạn chế đầu cơ bất động sản còn phụ thuộc nhiều vào nội dung cụ thể của luật như chọn đối tượng điều chỉnh, mức độ điều tiết cũng như thực tiễn triển khai thực thi luật và sự đồng bộ của các chính sách quản lý bất động sản khác”.

TS Nguyễn Đình Chiến cho rằng: Trên cơ sở lý thuyết và thực tiễn một số quốc gia, việc đánh thuế tài sản có thể lựa chọn một trong hai phương án.

Phương án 1, chỉ đánh thuế vào tài sản chịu thuế thứ hai trở đi. Người chỉ sở hữu một tài sản chịu thuế thì sẽ không phải nộp thuế; sở hữu từ hai tài sản chịu thuế trở lên sẽ phải nộp thuế cho tài sản sau. 

Tuy nhiên phương án này sẽ gặp khó khăn nhất định trong quản lý tài sản chịu thuế, như xác định số lượng tài sản chịu thuế của một người là bao nhiêu? Xác định tài sản nào là thứ nhất, thứ hai trở đi? Ngoài ra, trường hợp một người có nhiều hơn một tài sản nhưng đều giá trị thấp, so với một người chỉ có một tài sản nhưng giá trị rất lớn thì sao?

Phương án hai, đánh thuế vào mọi tài sản có giá trị vượt mức khởi điểm chịu thuế. Các tài sản có giá trị thấp sẽ không thuộc diện tính thuế. 

Theo Dự án Luật thuế tài sản đang được lấy ý kiến, Bộ Tài chính đã đề xuất hai phương án đánh thuế đối với nhà. Phương án một là nhà ở; nhà và công trình thương mại, dịch vụ. Phương án 2 là nhà ở. Diện tích tính thuế nhà là toàn bộ diện tích sử dụng.

Về thuế suất, Bộ Tài chính sẽ đánh thuế theo giá trị căn nhà. Có hai mức được đưa ra là đánh thuế phần giá trị vượt 700 triệu đồng và trên 1 tỷ đồng.

Ông Phạm Đình Thi- Vụ trưởng Vụ chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết: Bộ Tài chính đưa ra hai phương án tính thuế trên giá trị nhà từ 700 triệu đồng hoặc trên 1 tỷ đồng, song chúng tôi nghiêng về phương án đánh trên thuế nhà từ giá trị từ 700 triệu đồng trở lên. Với thuế nhà, Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án là 0,3% hoặc 0,4%. Theo ước tính ban đầu của Ban soạn thảo, phần lớn nhà ở nông thôn sẽ không phải nộp thuế.

Trước đó, thông tin về thuế tài sản cũng đón nhận nhiều ý kiến trái chiều.

Lý giải về Dự thảo Luật về thuế tài sản, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng nói: “Nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản, đặc biệt là từ nhà và đất đai, hạn chế sử dụng lãng phí tài nguyên đất đai và công sản, đảm bảo tính minh bạch và là một trong những biện pháp để phòng ngừa, chống tham nhũng. Cùng với đó là mục tiêu sẽ điều tiết đối tượng có thu nhập cao, chống đầu cơ về nhà, đất, đảm bảo những người có nhà, đất phải đưa vào khai thác, sử dụng và như vậy sẽ không ảnh hưởng đến người nghèo, người thu nhập thấp”.

Minh Phương/Báo Tin tức