12:14 27/12/2010

“Đánh thức”các khu đô thị vệ tinh

Quy hoạch xây dựng các khu đô thị vệ tinh nhằm giãn dân khu vực trung tâm TP.HCM đã thực hiện nhiều năm nay, nhưng việc hạn chế về hạ tầng giao thông đã ngăn cách sự kết nối này, khiến nhiều khu đô thị tại Đồng Nai, Bình Dương thưa vắng bóng người.

Quy hoạch xây dựng các khu đô thị vệ tinh nhằm giãn dân khu vực trung tâm TP.HCM đã thực hiện nhiều năm nay, nhưng việc hạn chế về hạ tầng giao thông đã ngăn cách sự kết nối này, khiến nhiều khu đô thị tại Đồng Nai, Bình Dương thưa vắng bóng người. Việc Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) mới đây có tờ trình về quy hoạch phát triển giao thông vận tải cho cả vùng hứa hẹn sẽ mang lại nhiều khởi sắc cho các khu đô thị vệ tinh này.

Hệ thống đường cao tốc liên vùng

Theo Bộ GTVT, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (gồm các tỉnh, thành phố: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Phước, Long An và Tiền Giang) so với cả nước, khối lượng vận tải chiếm 28% về lượt khách và 29% về hàng hóa.


Tuy nhiên, sự yếu kém về giao thông đã hạn chế năng lực phát triển của cả vùng. Điển hình là trong 2 năm vừa qua, tình trạng kẹt xe xảy ra triền miên trên quốc lộ 1A (từ TP.HCM đi Biên Hòa) và quốc lộ 51 (từ Biên Hòa đi Vũng Tàu) đã ảnh hưởng rất lớn đến việc đi lại của người dân và vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp.

Trước thực trạng này, Bộ GTVT vừa trình dự thảo về Quy hoạch phát triển GTVT vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 nhằm tạo nên hệ thống giao thông liên kết vùng đồng bộ và thống nhất.


Trong đó, ưu tiên các công trình góp phần giải quyết ùn tắc, kết nối đồng bộ mạng lưới hạ tầng giao thông của vùng như: đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Trung Lương - Mỹ Thuận, Bến Lức - Nhơn Trạch - Long Thành và Giầu Dây - Phan Thiết. Đồng thời xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, TP.HCM - Mộc Bài, TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, Dầu Giây - Đà Lạt. Xây dựng các tuyến đường vành đai 3 - 4 TP.HCM, các đường liên cảng và nâng cấp các quốc lộ hiện có.


Khu đô thị Nhơn Trạch vùng đất cao, quy hoạch rất đẹp chỉ cách TP.HCM 25 km sẽ là giải pháp giãn dân tốt nhất, tạo nên những khu đô thị vệ tinh cho TP.HCM.


Song song với đường bộ, sẽ triển khai nâng cấp tuyến đường sắt Trảng Bom - Bình Triệu theo hướng xây dựng trên cao nhằm tránh ùn tắc trong đô thị theo quy mô đường đôi khổ 1,435 m; nghiên cứu xây dựng đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu và đường sắt nối vào cụm cảng Bà Rịa - Vũng Tàu, tuyến đường sắt Dĩ An - Lộc Ninh, xây dựng các tuyến đường sắt đô thị TP.HCM theo quy hoạch được duyệt.


Ngoài ra, đẩy mạnh đầu tư phát triển cảng biển bằng cách xây dựng, nâng cấp công suất các cảng biển Hiệp Phước, Cái Mép - Thị Vải, Tân Cảng - Cái Mép và mở rộng luồng cho tàu 80.000 tấn đến cảng Cái Mép và tàu 50.000 tấn tới cảng Thị Vải, Hiệp Phước.

Để hoàn thiện được hệ thống giao thông cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam này, theo Bộ GTVT, sẽ cần số vốn rất lớn, cụ thể từ 2011-2020 cần khoảng 682 nghìn tỷ đồng. Riêng giai đoạn trước mắt (2011-2015) cần 287 nghìn tỷ đồng, bình quân mỗi năm cần 57.400 tỷ đồng.

“Đánh thức” các khu đô thị vệ tinh

Khu đô thị Nhơn Trạch, huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) cách Trung tâm TP.HCM chỉ khoảng 30 km (gần hơn cả huyện Củ Chi, Hóc Môn hay Cần Giờ), đã hình thành 74 dự án khu dân cư với tổng diện tích đất đã giao hơn 4.740 ha. Tuy nhiên, khu đô thị này hiện chỉ như một ốc đảo, dân cư vẫn thưa thớt.


8 năm qua, Nhơn Trạch vẫn chưa thể hiện được vai trò là khu đô thị vệ tinh dù có không ít tòa nhà rất đẹp đã được xây dựng với cơ sở hạ tầng đã hoàn chỉnh. Giá đất hiện nay ở đây chỉ từ 2,5 - 4 triệu/m2, trong khi đó, đất tại khu giáp ranh quận 9 (TP.HCM) có giá thấp nhất từ 13 triệu đồng/m2, còn khu vực quận 2 thì từ 20 triệu đồng/m2 trở lên.


Sự chênh lệch quá lớn này cho thấy, Nhơn Trạch ngoài việc thiếu tính liên kết vùng còn thiếu cả một sự đồng bộ trong quản lý và phát triển đô thị, như hạ tầng giao thông, trường học, y tế… Các doanh nghiệp đang kinh doanh bất động sản tại đây cho rằng họ sẵn sàng góp tiền để hoàn thiện giao thông liên kết với TP.HCM. Vấn đề ở chỗ ai là người tổ chức?

Tương tự, các dự án khác tại huyện Long Thành (Đồng Nai) như khu đô thị Phước Hưng (286 ha), khu đô thị Aquacity (304 ha), khu đô thị Waterfront (366 ha) có địa thế nối liền với QL1A, QL51, kết nối vào đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và sân bay quốc tế Long Thành. Đây là những dự án được quy hoạch rất đẹp, đạt tiêu chuẩn quốc tế không thua gì các khu đô thị lớn khác tại Việt Nam. Tuy nhiên, điều làm những người có nhu cầu mua nản lòng khi những dự án này phải chờ đường cao tốc kết nối liên vùng hoàn thành.

Tính đến thời điểm đầu năm 2010, tỉnh Đồng Nai đã cấp phép 261 dự án khu dân cư, khu đô thị và phần lớn nằm tại hai huyện này. Nhưng sự đầu tư thiếu đồng bộ về cơ sở hạ tầng giao thông đã hạn chế sự phát triển, khiến các dự án hàng trăm ha vẫn như đang “ngủ đông”.

Giám đốc sàn giao dịch BĐS Tín Nghĩa Nguyễn Thị Thanh Hương phân tích: “Xây dựng các khu đô thị cần phải có tầm nhìn đến 50 năm sau. TP.HCM đang gặp vấn đề về môi trường sống, ngập lụt, kẹt xe, người dân đang sống chen chúc trong khu đô thị dồn nén.


Hiện nay, họ vẫn tạm chấp nhận điều kiện sống như vậy, nhưng trong tương lai, khi có sự thay đổi về quan điểm chất lượng cuộc sống thì các khu đô thị vệ tinh tại Long Thành và Nhơn Trạch sẽ là sự lựa chọn của người dân. Ngoài nỗ lực quy hoạch hạ tầng đô thị của tỉnh Đồng Nai thì việc Chính phủ sớm quy hoạch hệ thống đường giao thông cao tốc kết nối vùng sẽ là tiền đề để cho các khu đô thị này phát triển nhanh hơn”.

SĨ DŨNG