03:15 02/03/2011

“Đánh thức” tiềm năng vùng biển mở

Với hơn 3.200 km bờ biển, Việt Nam là nước có lợi thế trong việc khai thác và phát triển kinh tế biển, nghề nuôi biển cũng vì thế mà ngày càng được mở rộng và phát triển.

Với hơn 3.200 km bờ biển, Việt Nam là nước có lợi thế trong việc khai thác và phát triển kinh tế biển, nghề nuôi biển cũng vì thế mà ngày càng được mở rộng và phát triển.


Chiến lược kinh tế biển nói chung và phát triển nghề nuôi biển nói riêng ở nước ta cũng được đề cập trong nhiều nghị quyết của Đảng và Chính phủ trong những năm qua và đã đạt được nhiều thành công nhất định.

Tiềm năng “mở”

Nghề nuôi biển nước ta mới chỉ phát triển tại một số khu vực eo, vịnh kín gió, sử dụng công nghệ lồng gỗ giản đơn với quy mô sản lượng nhỏ, chưa thể phát triển thành nghề sản xuất hàng hóa và phục vụ xuất khẩu.

Mô hình lồng nuôi chịu sóng trên biển đang được ngư dân sử dụng rộng rãi.


Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì sản lượng nuôi trồng thủy sản chưa phát triển tương xứng với tiềm năng do công nghệ nuôi thủy sản nói chung cũng như công nghệ nuôi thủy sản biển nước ta mới ở giai đoạn đầu của sự phát triển. Hầu hết các hệ thống nuôi biển đều dùng lồng bè gỗ, chỉ thích ứng với quy mô sản xuất nhỏ, sản lượng thấp, khó phát triển thành nghề sản xuất hàng hóa.


Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) khẳng định: Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng ngành thủy sản Việt Nam vẫn đạt được những kết quả đáng ghi nhận với kim ngạch xuất khẩu năm 2010 đạt hơn 4,9 tỷ USD, tăng 17% so với năm 2009. Dự kiến, năm 2011, sự tăng trưởng của ngành thủy sản sẽ đánh dấu bước thay đổi về chất cho ngành thủy sản của Việt Nam.

Để hướng tới mục tiêu phát triển nghề nuôi biển trên quy mô công nghiệp, cần triển khai hoạt động nuôi thủy sản ở các vùng biển mở tại các tỉnh miền Trung và Nam Trung bộ như: Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Khánh Hòa... Đây là những khu vực biển có ưu thế về khả năng tự làm sạch cao, ít bị dịch bệnh, không bị hạn chế về không gian và diện tích, có thể tổ chức quy mô nuôi công nghiệp để tạo ra sản phẩm hàng hóa lớn. Nhưng các vùng biển mở cũng có hạn chế do có thể xảy ra sóng to, bão lớn...

Đề tài “Nghiên cứu, ứng dụng hệ thống thiết bị đồng bộ và quy trình vận hành trang trại nuôi cá lồng vùng biển mở” của TS Như Văn Cẩn - Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1, sau khi được Bộ KH&CN phê duyệt thực hiện, đến nay đã mở ra một hướng nuôi trồng biển có giá trị kinh tế cao.

Mô hình lồng nuôi chịu sóng được xây dựng dựa trên sự kế thừa, cải tiến các công trình về lồng nuôi biển đang được sử dụng hiện nay. Cấu trúc lồng nuôi được nghiên cứu, thiết kế theo hướng tăng cường khả năng chịu sóng và có thể điều khiển chìm sâu tránh bão tại chỗ. Một số thiết bị được chế tạo gia công tại chỗ nhằm giảm kinh phí đầu tư và để chủ động ứng dụng trong sản xuất.

Đề tài nghiên cứu được thực hiện trên 2 lồng nuôi công suất 15 tấn/lồng/chu kỳ, khả năng chìm sâu là 5 m, chịu sóng cao 6 m, tương đương với bão cấp 12, thời gian sử dụng tối thiểu là 10 năm.


Theo đánh giá của TS. Nguyễn Quang Vĩnh, Chuyên ngành cơ khí thủy sản, thuộc Trung tâm tư vấn Đầu tư và Thiết kế thủy sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì hệ thống lồng tròn VISCOC - 01 có khung được làm 100% từ vật liệu HDPE, loại vật liệu được sản xuất thành công lần đầu tiên ở Việt Nam, có độ mềm dẻo và độ bền cao. Giá đỡ khung lồng cũng được đúc bằng vật liệu HDPE, loại giá đỡ khung này phù hợp với điều kiện khí hậu nóng ẩm của nước ta, chất lượng tương đương với các sản phẩm cùng loại trên thế giới được thử thách qua các cơn bão mạnh năm 2009 và 2010.

TS. Như Văn Cẩn, chủ nhiệm đề tài cho biết: Tính toán sơ bộ, giá thành các sản phẩm đều thấp hơn so với giá nhập ngoại từ 20 - 25%, chỉ xét riêng giá thành giá đỡ khung lồng sản xuất tại Việt Nam thì chỉ 1.700.000 đồng, bằng 61% so với sản phẩm cùng loại của Na Uy có giá 850 NOK tương đương 2.800.000 đooồng. Như vậy, tổng thể thì lồng nuôi này tiết kiệm 50% chi phí so với lồng cùng loại của Na Uy.

Mô hình nuôi cá lồng biển mở được đánh giá là một đề tài có nhiều tiềm năng, hướng mở rộng triển khai nhân rộng là rất lớn. Tuy nhiên, PGS - TS. Đỗ Văn Khương, Viện Nghiên cứu thủy sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định: Cơ sở khoa học lựa chọn tông số cho hệ thống lồng nuôi cũng như thiết bị chưa thật thuyết phục, cần nghiên cứu sâu sắc hơn vấn đề này trước khi nhân rộng.

Cần hoàn thiện để nhân rộng sản xuất

Việc xây dựng thành công mô hình trang trại nuôi cá lồng vùng biển mở giai đoạn từ tháng 3 - 8/2010 đã đánh dấu một bước phát triển trong công nghệ nuôi cá biển ở nước ta. Những kết quả thu được khẳng định đây là hướng đi đúng đắn, góp phần tạo ra sản phẩm thủy sản xuất khẩu. Tuy nhiên, đây mới chỉ là kết quả bước đầu, cần tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện.

Đề tài nghiên cứu này không mới đối với thế giới song ở Việt Nam thì đây là đề tài còn khá mới mẻ. Mô hình nuôi cá lồng vùng biển mở của TS. Như Văn Cẩn với quy mô 2 lồng, 30 tấn/chu kỳ nuôi, sản lượng tương đối lớn so với nuôi cá lồng gỗ nhỏ lẻ hiện nay.


Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế chưa thật thuyết phục do chỉ vận hành đơn lẻ trên 2 lồng nên tốn kém chi phí cho khấu hao thiết bị, lao động, xăng dầu vận hành... nên tỷ lệ lợi nhuận chỉ khoảng 10%, nếu muốn nâng hiệu quả kinh tế tối ưu cần mở rộng quy mô theo hướng sản xuất hàng hóa. Bên cạnh đó, thời gian thử nghiệm mô hình còn ngắn, quy mô trang trại chưa tối ưu nên hiệu quả kinh tế chưa cao.

TS. Ngyễn Quang Vĩnh, Chuyên gia thẩm định đề tài cho rằng: Lồng nuôi chỉ được đánh chìm 5 m và chịu sóng cao 6 m, tương đương với cấp 12 so với thực tế là chưa phù hợp. Cơn bão tháng 8/2010 vừa qua đã chứng minh điều đó, 2 lồng cá của đề tài đã bị tổn hại kinh tế lớn. Do vậy, đề tài nghiên cứu cần tiếp tục được thực hiện nâng cao để hoàn thiện những hạn chế. Các tiêu chí của đề tài nâng cao sẽ xác định, nghiên cứu độ chìm sâu của lồng nuôi từ 8 - 10 m cũng như tính toán chi tiết, chính xác sức bền của vật liệu làm lồng vì lồng hiện tại chưa được thử nghiệm ở những cấp gió cao khác nhau nên chưa có sự đánh giá chính xác.

GS - TS. Nguyễn Xuân Lý, Ban chủ nhiệm Chương trình KC.09 nhấn mạnh: Để đề tài nghiên cứu hoàn thiện có khả năng chuyển giao cho các doanh nghiệp còn gặp rất nhiều khó khăn do kinh phí hạn hẹp, thời gian thực hiện chưa nhiều nên chưa đủ điều kiện để thực hiện quay vòng kiểm chứng chính xác hiệu quả kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, đây là một hướng nghiên cứu có tiềm năng lớn, nếu được hoàn thiện sẽ có khả năng nhận rộng cho nhiều vùng biển mở ở nước ta.

Phương Hoàn