01:07 24/01/2015

'Đánh thức' bảo tàng

Nhiều nhà nghiên cứu, nhà quản lý đã đề xuất những giải pháp để đưa các bảo tàng ra khỏi “giấc ngủ”.

Trước tình trạng “ngủ vùi” của nhiều bảo tàng gây lãng phí cho Nhà nước, nhiều nhà nghiên cứu, nhà quản lý đã đề xuất những giải pháp để đưa các bảo tàng ra khỏi “giấc ngủ” và hoạt động có hiệu quả hơn.

PGS.TS Võ Quang Trọng, Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam: Luôn phải đổi mới cách trưng bày

Để hoạt động của bảo tàng không bị khô cứng, nhàm chán và có thể tạo sự hấp dẫn với người xem, người làm công tác quản lý bảo tàng luôn phải đổi mới trong cách tư duy, cách tổ chức trưng bày hiện vật.

Muốn làm được điều này, người làm bảo tàng phải thường xuyên học hỏi và cập nhật những cách làm mới trên thế giới. Khi tiếp xúc với các phương pháp tổ chức bảo tàng của nước ngoài, phải biết tiếp thu và ứng dụng nhanh để bắt nhịp với xu thế mới.

PGS.TS Võ Quang Trọng.

Về phần trưng bày, nếu cho rằng đơn giản bảo tàng chỉ mang ý nghĩa trưng bày thì mãi mãi nó cũng chỉ là nơi trưng bày hiện vật mà thôi.

Muốn bảo tàng “sống” được, thì phải luôn luôn đổi mới cách trình bày, không chỉ đơn giản là đặt hiện vật ở đấy mà luôn phải tạo cho nó sự sinh động, tạo ra những nét mới bằng nhiều cách.

Ngoài việc trưng bày hiện vật, chúng ta có thể bổ sung thêm các phương tiện khác để mở thêm các hướng tiếp cận cho người xem.

Ví dụ như có thể làm các video, các thước phim tư liệu quý về hiện vật đó để trình chiếu ngay bên cạnh cho người xem dễ hiểu và có thêm nhiều thông tin để hấp dẫn hơn.

Việc sử dụng công nghệ đồ họa trong trưng bày hiện vật cũng là một phương pháp hiện đại và rất hiệu quả, làm nên sự sống động trong trưng bày. Bảo tàng Dân tộc học cũng đã ứng dụng công nghệ này và đã cho thấy hiệu quả rất tốt.

Về nhân sự, các bảo tàng cũng cần một đội ngũ cán bộ nghiên cứu riêng có năng lực để có thể viết những bài viết giới thiệu chuyên sâu về các hiện vật. Đặc biệt, là đội ngũ này sẽ là “quân sư” cho những chương trình trưng bày có chiều sâu, bởi vì họ thường xuyên nghiên cứu sẽ đưa ra được những ý tưởng hay cho mỗi chương trình trưng bày.

Bên cạnh đó, việc tổ chức các hoạt động dịch vụ khác cũng rất cần thiết khi vừa tạo ra nguồn thu nhập vừa làm sống động bảo tàng hơn. Có một nhà làm bảo tàng người Singapore đã nói với tôi rằng: “Khi tôi đưa nhà hàng vào bảo tàng thì lượng khách tới đây đã đông hẳn lên”.

Khách tới bảo tàng không chỉ tham quan mà còn được đáp ứng các dịch vụ cần thiết cũng là một cách để thu hút và tạo điều kiện cho họ quay lại lần sau. Tuy nhiên đưa dịch vụ vào cũng phải chọn lọc sao cho có văn hóa và phải thật tinh tế vì nếu không sẽ trở nên xô bồ, mất đi giá trị nhân văn của bảo tàng”.

PGS. TS Nguyễn Văn Huy, PGĐ Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị Di sản văn hóa: Hiện vật phải kể được những câu chuyện lịch sử

Để bảo tàng hoạt động có hiệu quả hay nói cách khác là để nó có thể đến gần hơn với công chúng, thì bảo tàng không thể giống như một nhà thờ chỉ để treo ảnh các danh nhân, các nhà lãnh đạo mà phải qua các hiện vật, kể được những câu chuyện lịch sử.

Cũng là một hiện vật lịch sử nhưng nếu tạo ra được những cách tiếp cận mới thì lịch sử ấy sẽ trở nên dễ

PGS. TS Nguyễn Văn Huy

hiểu hơn, dễ tiếp nhận hơn và đó cũng chính là nhiệm vụ của bảo tàng.

Qua các tư liệu, bảo tàng phải biết cách chọn lọc nội dung trưng bày để những cảm xúc, những câu chuyện trong những bối cảnh lịch sử, với các mối quan hệ xã hội làm cho các tư liệu ấy trở nên có hồn mới tạo nên sự hấp dẫn. Đây cũng là điều mà rất ít bảo tàng ở Việt Nam hiện nay làm được.

Về mặt quản lý, để các bảo tàng có thể hoạt động hiệu quả hơn, tránh lãnh phí, theo tôi, chúng ta phải triệt tiêu được “bao cấp”.

Tất nhiên, bảo tàng không thể tự hoạt động được mà phải cần có sự tài trợ, nhưng tài trợ cũng cần phải có điều kiện: Hoặc nhận tài trợ để làm tốt hoặc bảo tàng đó sẽ phải đóng cửa nếu không làm tốt. Phải có cơ chế rõ ràng như vậy thì mới có động lực để các bảo tàng làm tốt công tác của mình.

Có một điều đang tồn tại hiện nay là các giám đốc bảo tàng lại không có quyền tự quyết cho các hoạt động của bảo tàng mà mình đang quản lý. Điều này dễ tạo nên thái độ làm cho xong, làm qua loa cho đúng nhiệm vụ mà không quan tâm đến hiệu quả của các hoạt động.

Theo tôi, cần phải giao quyền quyết định cho giám đốc bảo tàng, từ trách nhiệm với các hoạt động, cộng với sức ép từ việc “làm tốt mới được tài trợ” thì các nhà quản lý bảo tàng này sẽ phải tự đào tạo, nâng cao năng lực cá nhân, luôn luôn đổi mới, sáng tạo trong cách quản lý và hoạt động, điều này sẽ tạo điều kiện cho các bảo tàng hoạt động có hiệu quả hơn”.


Tạ Nguyên