04:18 20/04/2017

Đánh số phố phường Hà Nội, cũ người mới ta

Hà Nội đang nghiên cứu đặt tên đường phố theo số để phù hợp cho việc áp dụng công nghệ số hoá trong quản lý, ứng dụng sau này.

Đường "Tình yêu", tên một đường tự đặt tại huyên Chương Mỹ (Hà Nội).

Văn phòng UBND thành phố Hà Nội vừa ra thông báo việc nghiên cứu đặt tên đường phố theo số để phù hợp cho việc áp dụng công nghệ số hoá trong quản lý, ứng dụng sau này. Phóng viên báo Tin Tức đã có cuộc trao đổi với ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao (VHTT) Hà Nội.


Vì sao Hà Nội quyết định nghiên cứu đặt tên đường phố theo số, thưa ông?


Việc đặt tên đường phố là việc làm thường xuyên hàng năm của Hà Nội, được thực hiện theo quy định của Nghị định 91, Quy chế đặt tên đường phố của Hà Nội. Sở VHTT là đơn vị chủ trì tham mưu cho UBND thành phố. 


Đầu năm 2017, Sở đã chuẩn bị kế hoạch cho đợt đặt tên đường phố để trình trong phiên họp HĐND giữa năm. Tuy nhiên, tại cuộc họp với Sở VHTT và các ban ngành hữu quan do Chủ tịch UBND thành phố chủ trì, đã yêu cầu tạm dừng việc trình đặt tên đường và giao Sở VHTT đánh giá lại về tác động tên đường phố từ năm 2002 đến nay trên địa bàn.


Đồng thời, Sở VHTT vẫn chuẩn bị phương án đặt tên đường phố mới như truyền thống, nghĩa là tên địa danh, danh nhân, nhưng hạn chế về mặt số lượng. Mỗi đợt chỉ đặt 10-20 tên đường phố, còn lại phải nghiên cứu để thực hiện đặt tên đường phố mới theo số.


Việc đặt tên số cho đường phố đã được một số nước làm, nhưng với Hà Nội là mới; vì vậy Sở VHTT cũng nghiên cứu lập đề án để triển khai việc này.


Vậy việc lập đề án đang được Sở triển khai đến đâu, thưa ông?


Hiện nay bộ phận tham mưu là phòng quản lý di sản đang lập đề cương, tham khảo việc đặt tên theo số của thủ đô các nước và áp dụng vào Hà Nội sẽ như thế nào. Sau đó, Sở VHTT sẽ lấy ý kiến các chuyên gia để việc đặt tên phố theo số cho phù hợp.


Bên cạnh đó, Sở VHTT Hà Nội cũng đánh giá tác động của tên đường phố từ năm 2002 đến nay để cùng với các quận huyện rà soát lại toàn diện để báo cáo lại UBND thành phố. Sở VHTT Hà Nội sẽ trình HĐND thành phố việc đặt tên theo số vào dịp cuối năm.


Còn việc lập ngân hàng dữ liệu đặt tên các tuyến đường phố Hà Nội thì như thế nào, thưa ông?


Trên địa bàn Hà Nội, theo thống kê có 1.119 tên đường phố và công trình công cộng đã được đặt tên theo địa danh và danh nhân. Đặt tên đường phố có ý nghĩa tạo sự thuận lợi cho quản lý và sinh hoạt của người dân, đồng thời góp phần tuyên truyền giá trị văn hóa lịch sử Hà Nội.


Về ngân hàng quỹ tên đường phố, Sở VHTT đã tập hợp được dữ liệu tên địa danh cổ, di tích. Theo đó, thành phố Hà Nội đã xếp hạng khoảng 2.400 di tích; tên danh nhân tập hợp tư liệu trên 500 danh nhân. Bên cạnh đó là tên di chỉ khảo cổ, tên sự kiện cách mạng cũng đã được tập hợp. Tuy nhiên, việc đặt tên phải phù hợp như địa danh và di tích lịch sử phải gắn với tuyến đường cần đặt.


Hướng tên đường theo số là hướng mới mà Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo nhằm phục tốt hơn cho việc số hóa trong quá trình xây dựng thành phố thông minh. Khi đó, số hóa càng đơn giản, ít ký tự càng dễ quản lý. Đây là hướng mới và tiện lợi và cần làm từng bước.


Sẽ  triển khai đặt tên đường theo số ở khu vực nào và có thay đổi ở những tuyến đã đặt tên?


Sở VHTT đang lên phương án, tuy nhiên việc đặt tên số cho phố chỉ nên đặt ở tuyến phố mới và không thay đổi tên phố đã có vì sẽ kéo theo nhiều vấn đề liên quan đến giấy tờ, hộ khẩu...


Thực tế, để triển khai việc đánh số cho tuyến phố, Thành phố cũng đã điều chỉnh Quy chế đặt đổi tên đường phố nhưng mới áp dụng khu đô thị. Đơn cử như khu đô thị Mỹ Đình có nhiều tuyến đường bên trong sẽ được đánh số Mỹ Đình 1, Mỹ Đình 2... Quy chế đã ban hành nhưng chưa thấy quận nào đề xuất về đặt tên theo số trong khu đô thị. Thời gian tới Sở VHTT sẽ tăng cường hướng dẫn cho các quận huyện đặt tên số trong khu đô thị sao cho thuận tiện.


Xin cám ơn ông!


Bài và ảnh: Xuân Cường/Báo Tin Tức