03:08 17/03/2018

Đánh giá trường chất lượng phải dựa trên sự hài lòng của học sinh

Tổ chức giáo dục quốc tế Cambridge Assessment International Education (một bộ phận của Đại học Cambridge) mới đây đã phối hợp với Sở Giáo dục Đào tạo Hà Nội chia sẻ kinh nghiệm đánh giá về trường chất lượng.

Tổ chức giáo dục quốc tế Cambridge International chia sẻ cách đánh giá một ngôi trường chất lượng và làm thế nào để nâng cao chất lượng giáo dục.


Tại Hội nghị Nâng cao chất lượng giáo dục, Tổ chức giáo dục quốc tế Cambridge International chia sẻ cách đánh giá một ngôi trường chất lượng. Theo Tiến sĩ David Lee, với kinh nghiệm đã triển khai các chương trình của Cambridge theo chuẩn A-Lever tại toàn bộ các trường học của Singapore, để đạt tiêu chí là trường chất lượng không chỉ là thành tích hay điểm số mà là sự hài lòng của học sinh. Theo đó, quan trọng nhất vẫn là khả năng tự đánh giá của mỗi một học viên nếu được trao công cụ đánh giá phù hợp với bối cảnh giáo dục.

Tương tự như vậy, mỗi trường học cũng có thể tự đánh giá từ các khảo sát cho học sinh, phụ huynh học sinh và các giáo viên.


Nhiều những vấn đề cụ thể hơn được lãnh đạo và giáo viên các trường học bàn luận tại các phòng hội thảo.

Theo ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội, từ tháng 12/2017, Hà Nội chính thức triển khai chương trình đào tạo song bằng tại trường công lập như THPT Chu Văn An và tiểu học Sài Đồng và dã cho thấy những thành tích khả quan dù mới chỉ kết thúc học kỳ I.

Ông Dũng chia sẻ: “Việc hợp tác cùng các chương trình quốc tế trong lĩnh vực giáo dục, đã mang lại nhiều cơ hội cho Việt Nam tiếp cận những xu hướng, kiến thức và mô hình giáo dục tiên tiến. Tuy nhiên, đây cũng là một thử thách đối với các tổ chức giáo dục trong việc cải cách và hoàn thiện chất lượng giáo dục để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng ngày càng khắt khe”.

Theo Giáo sư Ben Schmidt, Giám đốc khu vực của tổ chức Cambridge International tại Đông Nam Á & Thái Bình Dương, Tổ chức giáo dục quốc tế Cambridge International đã hỗ trợ thành công nhiều giảng viên Việt Nam trong việc giảng dạy chương trình quốc tế được soạn thảo bằng tiếng Anh. Thông thường, đây là các khóa học song ngữ để có thể kết hợp cùng với chương trình giáo dục trong nước.

Minh Tuệ/Báo Tin tức