12:06 16/12/2014

Danh dự Tổ quốc

Sau trận thua trước Malaysia ở trận bán kết lượt về AFF Suzuki Cup 2014, có luồng dư luận, một số cầu thủ của đội tuyển Việt Nam đã bán độ. Ngay cả Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) Lê Hùng Dũng khi trả lời báo giới cũng không ngần ngại nói rằng, trận thua đó rất đáng ngờ...

Sau trận thua trước Malaysia ở trận bán kết lượt về AFF Suzuki Cup 2014, có luồng dư luận, một số cầu thủ của đội tuyển Việt Nam đã bán độ. Ngay cả Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) Lê Hùng Dũng khi trả lời báo giới cũng không ngần ngại nói rằng, trận thua đó rất đáng ngờ và VFF sẽ mời cơ quan vào cuộc điều tra. Còn với quan điểm của cá nhân, ngoài các yếu tố về chuyên môn, người viết bài này không tin các cầu thủ lại bán rẻ danh dự Tổ quốc như vậy.

Khách quan mà nói, việc nghi ngờ một vài cầu thủ trong đội tuyển bán độ không phải là không có cơ sở, nhất là trong bối cảnh, đội tuyển lại gục ngã theo kịch bản khó tin nhất và để vuột mất tấm vé vào chung kết tưởng đã nằm chắc trong tay. Hơn nữa, trong quá khứ, bóng đá Việt Nam có quá nhiều bài học đau xót từ bán độ, dàn xếp tỷ số ở cả cấp đội tuyển quốc gia lẫn câu lạc bộ. Đau đớn nhất vẫn là vụ bán độ của một số cầu thủ U23 tại SEA Games 23 (năm 2005) tại Philippines. Năm đó, U23 Việt Nam được đánh giá là ứng cử viên sáng giá cho chức vô địch với những tài năng đang ở độ chín như Tài Em, Minh Phương, Quốc Vượng, Văn Quyến, Quốc Anh... Nhưng cũng chính kỳ SEA Games đó, 7 trụ cột của đội tuyển gồm Quốc Vượng, Văn Quyến, Văn Trương, Quốc Anh, Phước Vĩnh, Hải Lâm và Bật Hiếu dính vào scandal bán độ, dàn xếp tỷ số. SEA Games 23 trở thành một giải đấu đen tối với bóng đá Việt Nam và sự nghiệp của một số cầu thủ nhúng chàm đã phải rẽ sang một hướng khác. Mới nhất là ở mùa bóng 2013-2014, có đến nửa đội hình của CLB Đồng Nai và CLB V.Ninh Bình liên quan đến bán độ (ở cả giải đấu quốc nội lẫn AFF Cup) đã bị loại khỏi đời sống bóng đá và phải bước vào vòng lao lý...
Quả là những bài học đắt giá cho các cầu thủ không thực sự tôn trọng nghề nghiệp, tôn trọng danh dự của bản thân. Nghiêm trọng hơn là họ đã làm ảnh hưởng danh dự Tổ quốc, làm tổn thương cả một nền bóng đá và sụp đổ niềm tin của người hâm mộ.

Bóng đá Việt Nam, bao năm qua, luôn đi theo một kịch bản: Đá tưng bừng ở vòng bảng, được người hâm mộ tin yêu, được truyền thông hết lời ca ngợi, nhưng ở những trận đấu mang tính quyết định, được người hâm mộ đặt niềm tin nhiều nhất, thì lại thua bất thường. Thất bại trước Singapore tại trận chung kết Tiger Cup 1998, trước Malaysia tại chung kết SEA Games 2009 và trận đấu gặp Malaysia ở bán kết lượt về vừa qua là những ví dụ điển hình. Không còn phải bàn cãi, nguyên nhân thất bại của đội tuyển Việt Nam ở trận gặp Malaysia tối 11/12 trên sân Mỹ Đình, là hàng phòng ngự chơi quá lơi lỏng, mắc những lỗi quá sơ đẳng và khi bị thủng lưới tới 4 bàn liên tiếp, khiến các cầu thủ chơi như mất hồn và thất bại là không tránh khỏi. Phước Tứ, Văn Biển và một số cầu thủ khác đều là những người có kinh nghiệm, đã từng nhiều lần đối đầu với Malaysia, nhưng ở trận đấu tối 11/12, họ lại để đối phương vượt qua trong những tình huống không ai ngờ.

Kết quả cuối cùng phải chờ kết luận của cơ quan điều tra. Bởi vậy, sẽ là sự nhẫn tâm nếu sớm quy kết cầu thủ bán độ, dù người hâm mộ có quyền đặt dấu hỏi. Bởi trong bóng đá, nhất là trong các trận đấu lớn, sai sót vẫn thường diễn ra và tâm lý thi đấu thiếu ổn định vốn là điểm yếu cố hữu của các cầu thủ Việt Nam.

Rất nhiều cổ động viên (cả người viết bài này cũng vậy) đồng cảm và chia sẻ với lời bộc bạch của tiền vệ Thành Lương (trên Facebook cá nhân của anh), một trong những điểm sáng của đội tuyển tại AFF Suzuki Cup 2014: “Việc quy chụp bán độ cho các cầu thủ đội tuyển, đừng nói ra để cho vui và tỏ ra nguy hiểm. Nó ảnh hưởng đến danh dự trực tiếp của cầu thủ và những người thân của họ. Bán độ là phản bội Tổ quốc. Tổ quốc cho chúng tôi cuộc sống ấm no, Tổ quốc cho chúng tôi niềm vui trong bóng. Vì thế khi chưa có bằng chứng, xin đừng chụp mũ và làm danh dự những người lính dũng cảm trở thành kẻ tội đồ”.

Yến Nhi