02:01 20/02/2013

Đánh cắp thời gian

Khái niệm trên thường được đề cập sau mỗi dịp Tết Nguyên đán, nhất là với các cơ quan hành chính sự nghiệp, bộ máy công quyền. Các cụ ta xưa có câu “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”.

Khái niệm trên thường được đề cập sau mỗi dịp Tết Nguyên đán, nhất là với các cơ quan hành chính sự nghiệp, bộ máy công quyền. Các cụ ta xưa có câu “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”.

 

Đây chính là một khía cạnh trong đời sống văn hóa của người Việt và câu ca trên vẫn luôn hiện hữu trong tâm thức của không ít người. Do vậy, tình trạng công sở vắng hoe, công chức sử dụng thời gian làm việc ở công sở vào mục đích cá nhân - hay nói cách khác, công chức đánh cắp thời gian nhà nước sau mỗi kỳ nghỉ Tết đã trở nên khá phổ biến.


Khá nhiều cơ quan, công sở, những ngày đầu trở lại làm việc sau Tết, không khí Tết vẫn còn rất tưng bừng. Họ sử dụng thời gian này để gặp gỡ đầu xuân, chúc tụng nhau. Công việc thì cứ từ từ, thủng thẳng. Không ít cá nhân thì tranh thủ đi muộn, về sớm. Phổ biến nhất là tình trạng công chức tranh thủ trong giờ làm việc để đi lễ chùa, lễ hội, thăm hỏi người thân, bạn bè, tán chuyện gẫu... Rất nhiều người đến công sở mà vẫn phảng phất hơi men. Ngày đầu đến công sở, đơn vị nào mà chẳng chuẩn bị sẵn một vài chai rượu để chúc tụng nhau.


Chuyện Tết, chuyện xuân không chỉ tràn ngập các văn phòng, công sở, mà còn tràn cả ra các hàng, quán kinh doanh dịch vụ ăn, uống. Họ túm năm, tụm ba bàn tán, kể lể đủ thứ chuyện liên quan đến Tết. Đó là chưa kể, không ít cơ quan, đơn vị, những ngày làm việc sau Tết thường được lui lại đến cả tiếng, thậm chí vài tiếng đồng hồ. Có cơ quan, ngày đầu tiên trở lại làm việc, một số cán bộ, nhân viên còn đóng cửa ngủ gật. Để biện minh cho sự vắng mặt, dân công sở thường viện đủ lý do, nào là về quê không lên kịp, nào tắc đường lỡ xe, đau ốm… Người có mặt đúng lịch, đúng giờ giấc quy định của cơ quan, thì ngày làm việc đầu tiên của năm mới cũng chỉ có mặt để “đánh trống ghi tên”, mắt trước mắt sau rồi “chuồn”. Một số lượng lớn trong số những người này tranh thủ đi lễ, đi chùa. Đây cũng chính là lý do để giải thích vì sao cứ lễ hội, chùa chiền đầu năm lại đông đến mức kinh khủng như vậy.


Việc lơ là giờ giấc làm việc của công chức, viên chức sau những ngày nghỉ Tết để lại hậu quả thật khó lường. Không ít đơn vị, cá nhân phải lỡ dở việc, nhất là những công việc liên quan đến thủ tục hành chính. Tháng giêng, cái tháng mà người đi lễ, người chơi xuân được hưởng cái lợi về tinh thần, thì vô tình lại trở thành cái hại cho các cơ quan nhà nước, các công ty, các cơ sở sản xuất... Nó như hiệu ứng dây chuyền. Đâu chỉ đơn thuần là những chuyến xe công được tận dụng để đi hội, đi lễ, thăm thú người thân. Các đơn vị sản xuất kinh doanh rơi vào tình trạng thiếu nhân lực, vì vậy mà ảnh hưởng lớn đến đơn đặt hàng, tiến độ công trình, có khi dẫn tới thua lỗ, đổ bể…


Để giữ kỷ luật hành chính, đảm bảo giờ giấc làm việc của cán bộ, công chức sau Tết, thì cùng với việc xiết chặt kỷ cương, mỗi cán bộ, công chức cần phải nêu cao vai trò trách nhiệm và ý thức phục vụ của mình. Sẽ thật nguy hại khi lòng tin của người dân vào bộ máy công quyền bị suy giảm chỉ vì một bộ phận cán bộ, công chức coi thường kỷ cương, không thực hiện đúng chức trách được giao.

 

Yến Nhi