11:22 07/11/2016

Dành 200 tỷ đồng để hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ sạch

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi nhánh tỉnh Tây Ninh vừa ký kết thỏa thuận tín dụng ưu đãi cho chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016 - 2020.

Trước mắt, trong năm nay, ngân hàng sẽ dành nguồn vốn tín dụng khoảng 200 tỷ đồng để cho vay ưu đãi đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ trang trại…tham gia chương trình này, thông qua sự giới thiệu, xác nhận của ngành nông nghiệp về quy mô, hiệu quả và công nghệ sản xuất.

Ông Võ Đức Trong, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh cho biết, với điều kiện thiên nhiên ưu đãi, toàn tỉnh có quỹ đất nông nghiệp đạt trên 346.000 ha, chiếm 85,7% so với diện tích đất trong toàn tỉnh. Nguồn nước khá phong phú với hệ thống thủy lợi hồ Dầu Tiếng, sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông; lượng mưa trung bình đạt 1.600 đến 1.800 mm/năm.

Cây cảnh trong trong nhà kinh được thị trường ưa chuộng. Ảnh: Nguyễn Minh Trí /TTXVN

Thế nhưng, ngành nông nghiệp của tỉnh trong thời gian qua phát triển còn hạn chế, năng suất, chất lượng các loại cây trồng chính như mía, lúa, sắn, cao su còn thấp, sản xuất kém hiệu quả. Trong đó, cây lúa, cây ăn trái, rau màu sản xuất còn phân tán, sử dụng nhiều phân bón hóa học, thuốc trừ sâu… nên khó kiểm soát được về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm; chưa xây dựng được thương hiệu, sản phẩm đặc thù.

Theo ông Trong, chương trình tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến 2030, Tây Ninh xác định tập trung phát triển ngành nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, hướng tới xuất khẩu nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng; kèm theo những chính sách khuyến khích như dành phần lớn quỹ đất sạch để cho doanh nghiệp, hợp tác xã thuê, xây dựng cánh đồng lớn, kiểu mẫu, cho vay vốn ưu đãi, tập huấn kỹ thuật..., để từng bước hình thành các nông trại trồng trọt, chăn nuôi quy mô lớn; chuyển đổi các vườn cây ăn trái, diện tích trồng rau màu nhỏ lẻ thành khu vực chuyên canh công nghệ sạch, nâng cao giá trị sản xuất.

Theo đó, tỉnh phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 40% sản lượng nông sản thực phẩm (bao gồm rau quả, trái cây) được sản xuất theo quy trình VietGap, GlobalGap, hữu cơ có thể truy xuất được nguồn gốc; đến năm 2030 tỷ lệ này sẽ được nâng lên 60%, để đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Lê Đức Hoảnh (TTXVN)