08:00 20/08/2019

Đằng sau vụ nổ động cơ tên lửa làm 5 nhà khoa học Nga tử nạn

Một vụ nổ khiến năm nhà khoa học thiệt mạng. Và những dấu vết iod phóng xạ trong không khí. Đó là những thông tin làm dấy lên nhiều đồn đoán về dự án tên lửa bí mật của Nga.

Chú thích ảnh
Lực lượng cứu hộ được triển khai tới hiện trường vụ nổ ngày 8/8/2019 tại Severodvinsk (Siberia). Ảnh: Tass

Hãng thông tấn nhà nước Tass đưa tin vài ngày sau vụ nổ động cơ tên lửa thử nghiệm tại một thao trường gần Severodvinsk khiến năm nhà khoa học Nga thiệt mạng và làm bị thương nhiều người khác, nhà chức trách Nga xác nhận mức phóng xạ gần bãi thử cao hơn 4-16 lần bình thường. Các mẫu xét nghiệm đất và không khí sau đó cho thấy mức phóng xạ đã trở lại bình thường và không gây nguy hiểm.

Tuy nhiên, việc xuất hiện thông tin các hiệu thuốc đang cạn sạch iod (i-ốt) và lệnh cấm tàu ​​thuyền dân sự ở vùng biển xung quanh địa điểm xảy ra vụ nổ đã làm gia tăng đồn đoán trong dư luận.

Phản ứng trái ngược về sự cố xảy ra ngày 8/8 tại cơ sở Nyonoksa bên Bạch Hải, một trong những bãi thử quân sự quan trọng của Nga, đã dẫn tới việc các nhà phân tích phương Tây cố gắng ghép lại những gì xảy ra và phán đoán vụ nổ có thể liên quan tới một dự án phát triển tên lửa bí mật của Nga mà NATO gọi là Skyfall.

Vụ nổ động cơ tên lửa thử nghiệm ngày 8/8

Chú thích ảnh
Bản đồ khu vực cơ sở thử vũ khí quân sự gần làng Nyonoksa.
Chú thích ảnh
Một tấm pano tại Nyonoksa. Ảnh: AP

Theo hãng thông tấn Tass, đây là sự cố nổ động cơ phản lực sử dụng nhiên liệu lỏng dùng cho tên lửa đặt trên bệ phóng trên biển. Trong khi đó, tờ Time cho hay tin tức về vụ nổ tại căn cứ quân sự ở phía Bắc nước Nga lan ra chậm hơn những sự cố thông thường.

Đầu tiên là các bản tin trên phương tiện truyền thông nhà nước Nga cho biết ít nhất hai người thiệt mạng và bốn người bị thương trong vụ tai nạn. Sau đó xuất hiện thông tin về sự tăng đột biến của phóng xạ quanh khu vực, và một đoạn video được cho là ghi lại cảnh các bác sĩ trong bộ đồ bảo hộ đang điều trị cho các nạn nhân.

Cuối cùng, vào ngày 13/8 - năm ngày sau vụ nổ - Điện Kremlin xác nhận rằng năm nhà khoa học của Trung tâm Hạt nhân Liên bang Nga và ít nhất hai người khác đã thiệt mạng trong vụ tai nạn.

Phát ngôn viên của Tổng thống Putin, ông Dmitry Peskov, từ chối xác nhận những suy đoán lan rộng trên thế giới rằng vụ tai nạn liên quan đến loại tên lửa hành trình mới chạy bằng năng lượng hạt nhân của nước này, song khẳng định sự cố sẽ không làm lùi bước nỗ lực của Nga nhằm phát triển các năng lực quân sự tiên tiến.

Ông Peskov nói rằng chỉ có các chuyên gia mới có thể nói chuyện với chính quyền về những vấn đề như vậy. Quan chức này nhấn mạnh: "Tai nạn, không may xảy ra. Đó là những bi kịch. Nhưng trong trường hợp cụ thể này, điều quan trọng là chúng ta phải nhớ ơn những người anh hùng đã hy sinh trong sự cố".

Tờ Financial Time đưa tin Nga đang phát triển một tên lửa hành trình chạy bằng năng lượng hạt nhân có tên 9M370 hay Burevestnik, mà NATO định danh là SSC-X-9 Skyfall. Trước đây, Bộ Quốc phòng Nga từng tuyên bố đang phát triển tên lửa 9M370, nhưng thời điểm này Moskva từ chối xác nhận rằng nó có liên quan đến vụ nổ.

Chú thích ảnh
Tên lửa của Nga trong một cuộc diễu binh trên Quảng trường Đỏ. Ảnh: Reuters

Tên lửa Skyfall?

Nhưng Skyfall là gì? Trên thực tế, các nhà phân tích biết rất ít về nó. Theo những phỏng đoán thì họ tin rằng đó là một dạng tên lửa hành trình được thiết kế có động cơ là một lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ (mini).

Ngoài ra, Tập đoàn hạt nhân nhà nước Nga Rosatom cũng xác nhận vụ nổ liên quan đến nguồn năng lượng đồng vị của nhà máy cho một động cơ tên lửa nhiên liệu lỏng, dẫn đến suy đoán rằng nó liên quan đến công nghệ phục vụ vũ khí Skyfall.

Jon Hawkes, Phó giám đốc chiến tranh trên bộ tại Jane’s IHS Markit, cho biết hệ thống Skyfall có thể hoạt động theo một trong hai cách. Nó có thể là một động cơ sử dụng lõi lò phản ứng hạt nhân nhỏ để làm nóng không khí đi vào, rồi xuất ra để tạo lực đẩy. Hoặc nó có thể là một "động cơ tên lửa nhiệt hạch, trong đó lõi hạt nhân được sử dụng để đốt nóng nhiên liệu lỏng như hydro trước khi đẩy nó qua một vòi phun để tạo lực đẩy."

Tuy nhiên, ông Hawkes nói thêm, "do Nga tuyên bố tầm bay của tên lửa là không giới hạn, nên người ta sẽ cho rằng nó phải đi theo loại động cơ thứ nhất, vì thiết bị sử dụng nhiên liệu hydro sẽ tạo giới hạn tầm bắn của tên lửa”. Tiến sĩ Mark Galeotti, thuộc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh đánh giá: "Đó là một tên lửa hành trình có thể ở trên không trong một thời gian dài".

Trong Thông điệp Liên bang năm 2018, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã công bố tên lửa Burevestnik (Skyfall) kèm theo một video đồ hoạ cho thấy nó né các hệ thống radar của đối phương trước khi bay tới mục tiêu. Ông Putin cũng tuyên bố tên lửa này có tầm bắn không giới hạn và có thể vượt qua mọi hàng rào phòng thủ của Mỹ.

Xem video Tổng thống Putin giới thiệu siêu tên lửa, có khả năng vượt qua mọi hệ thống phòng thủ (Nguồn: euronews):

Một mùa hè khó khăn

Đầu tháng 7/2019, tàu lặn do thám AS-31, hay Losharik, con tàu có khả năng lặn siêu sâu, siêu bí mật, đã gặp sự cố ngoài khơi bờ biển phía Bắc Nga. Truyền thông nhà nước Nga cho biết 14 thủy thủ trên tàu đã thiệt mạng vì ngạt khói, trong khi Điện Kremlin khẳng định lò phản ứng hạt nhân vẫn còn nguyên vẹn khi tàu được đưa trở lại cảng.

Losharik – cái tên đặt theo một con ngựa hoạt hình thời Liên Xô có khả năng lặn xuống đáy đại dương – được cho là có thể lặn xuống độ sâu mà tàu ngầm hạt nhân tấn công không thể.

Vài tuần sau, một kho đạn ở Achinsk đã hứng chịu loạt vụ nổ kéo dài suốt 5 giờ đồng hồ, gây ra sóng xung kích và rải mảnh vỡ khắp khu vực. Một tuần sau đó, giới chức địa phương thừa nhận 40 người bị thương trong vụ việc.

Chú thích ảnh
Hàng chục người bị thương trong loạt vụ nổ tại kho đạn dược ở Achinsk, Nga. Ảnh: AP

Nguy cơ một cuộc đua vũ trang

Tờ Time cho rằng, một bài học từ vụ nổ vừa qua ở Nga là: bất kỳ quốc gia nào, Nga, Mỹ hoặc Trung Quốc, cũng có thể theo đuổi vũ khí như vậy mà không vi phạm bất kỳ quy tắc nào. Lý do là trong vài năm qua, hệ thống các hiệp ước hỗ trợ cấu ​​trúc an ninh thế giới đã bị “xổ tung” bởi mối quan hệ ngoại giao căng thẳng giữa Nga và phương Tây.

Ngày 2/8, sau khi vô cớ cáo buộc Nga triển khai vũ khí bị cấm trong nhiều năm, Mỹ đã chính thức rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), được ký từ năm 1987 nhằm kiểm soát kho vũ khí của cả hai nước.

Một thỏa thuận giải trừ hạt nhân thậm chí còn tham vọng hơn giữa Mỹ và Nga, được gọi là New START, sẽ hết hạn vào năm 2021, và không có nhiều hy vọng nó sẽ được gia hạn. Tổng thống Nga Putin hồi tháng Sáu có nói rằng ông sẵn sàng gia hạn hiệp ước thêm 5 năm nữa. Nhưng Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton lại cho biết Mỹ “không có khả năng” cùng đi với Nga. Quan điểm này của giới lãnh đạo tại Washington khiến nhiều người lo ngại.

Kết quả là một thế giới sẽ ít ràng buộc hơn đối với kiểm soát vũ khí hạt nhân và nhiều quốc gia có khả năng chế tạo chúng. “Có một cuộc chạy đua vũ trang đang diễn ra”, ông Gary Samore, chuyên gia Mỹ từng tham gia đàm phán New START, nhận định. “Một nhóm vũ khí chiến lược hoàn toàn mới mà Mỹ, Nga và Trung Quốc đang nghiên cứu không thuộc bất kỳ hiệp ước kiểm soát vũ khí nào”, ông Samore nói với tờ Time.

Thu Hằng/Báo Tin tức