Trung tâm này không chỉ hỗ trợ AUKUS bằng cách cung cấp nền tảng cho các hoạt động hậu cần chung, cho phép triển khai nhanh chóng lực lượng và thiết bị, mà khi tích hợp vào hậu cần QUAD còn giúp củng cố năng lực răn đe tập thể.
Sự thay đổi sâu rộng trong cách tiếp cận hậu cần của quân đội Mỹ
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Không quân Mỹ
Chuyên trang quân sự bulgarianmilitary.com cho biết Quân đội Mỹ lên kế hoạch tiến hành thử nghiệm một trung tâm lưu trữ và phân phối mới tại Australia trong tháng này, như một phần của cuộc tập trận quy mô lớn Talisman Sabre 2025, nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng hậu cần ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Cuộc tập trận hai năm một lần này được tổ chức trên khắp miền Bắc Australia và lần đầu tiên mở rộng sang Papua New Guinea, quy tụ hơn 35.000 binh sĩ từ 19 quốc gia tham gia huấn luyện hiệp đồng tác chiến.
Tướng Ronald Clark, Tư lệnh Lục quân Mỹ khu vực Thái Bình Dương, nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của sáng kiến này, tuyên bố rằng Lục quân có nhiệm vụ chuẩn bị chiến trường cho các lực lượng tác chiến hiệp đồng. Và Trung tâm Phân phối Chiến trường Liên hợp mới tại Townsville, Australia, là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn nhằm thiết lập mạng lưới các trung tâm hậu cần trên toàn Thái Bình Dương, bảo đảm khả năng triển khai nhanh chóng thiết bị và vật tư khi có khủng hoảng xảy ra.
Động thái nêu trên, theo chuyên trang quân sự bulgarianmilitary.com, diễn ra trong bối cảnh Mỹ tìm cách củng cố vị thế quân sự tại một khu vực ngày càng căng thẳng về địa chính trị.
Các trung tâm hậu cần và cuộc tập trận khác của Mỹ ở Thái Bình Dương
Quân đội Mỹ đã và đang mở rộng dần sự hiện diện về hậu cần tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để hỗ trợ các hoạt động và liên minh của mình. Các trung tâm hiện có bao gồm các cơ sở tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Guam, mỗi nơi đóng vai trò là các nút then chốt trong việc lưu trữ và phân phối trang thiết bị.
Tại Nhật Bản, Lục quân Mỹ đã tái cấu trúc một Trung tâm Phân phối Chiến trường để hỗ trợ các cuộc tập trận và hoạt động dọc theo chuỗi đảo thứ nhất - một vành đai chiến lược kéo dài từ Nhật Bản qua Đài Loan tới Borneo.
Ở Philippines, một trung tâm khác đã được thành lập sau cuộc tập trận hậu cần vào năm 2023, nhằm hợp lý hóa việc tiếp cận thiết bị phục vụ cho các cuộc tập trận khu vực.
Tại Guam, lãnh thổ then chốt của Mỹ, cũng có một căn cứ hậu cần lớn hỗ trợ cả Lục quân và Hải quân, với vị trí gần các điểm nóng tiềm tàng như Biển Đông.
Bên cạnh các trung tâm này, Mỹ còn tiến hành nhiều cuộc tập trận quy mô lớn để kiểm tra và hoàn thiện năng lực tác chiến.
Cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC), tổ chức hai năm một lần tại Hawaii, là cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới, quy tụ hàng chục quốc gia tham gia, tập trung vào khả năng phối hợp giữa các lực lượng Hải quân.
Cuộc tậm trận Hổ mang Vàng (Cobra Gold), được tổ chức hằng năm tại Thái Lan, nhấn mạnh hoạt động tác chiến hiệp đồng và hỗ trợ nhân đạo, thu hút nhiều quốc gia Đông Nam Á tham gia.
Những cuộc tập trận này, kết hợp với sáng kiến Operation Pathways của Lục quân Mỹ - một loạt các cuộc tập trận nhỏ hơn trên khắp Thái Bình Dương - giúp duy trì trạng thái sẵn sàng chiến đấu và củng cố quan hệ đối tác.
Kinh nghiệm thu được từ các hoạt động này đã góp phần định hình việc phát triển các trung tâm hậu cần mới, như trung tâm tại Australia, bảo đảm đáp ứng được nhu cầu hậu cần đặc thù của khu vực.
Tác động của trung tâm hậu cần mới đối với khả năng sẵn sàng tác chiến
Việc thiết lập Trung tâm Phân phối Chiến trường Liên hợp tại Townsville được kỳ vọng sẽ nâng cao đáng kể khả năng phản ứng nhanh của Lục quân Mỹ trước các tình huống khẩn cấp trong khu vực. Bằng cách đặt sẵn trang thiết bị và vật tư gần các khu vực hoạt động tiềm tàng, Lục quân Mỹ có thể rút ngắn thời gian và giảm chi phí vận chuyển từ các căn cứ xa như Hawaii hay lục địa Mỹ.
Tướng Clark nhấn mạnh tầm quan trọng của việc có năng lực lưu trữ gần các cảng và sân bay then chốt, cho rằng các cơ sở như vậy cho phép vận chuyển nhanh chóng vật tư trong phạm vi rộng lớn hơn. Điều này đặc biệt quan trọng tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nơi mà “sự tàn khốc của khoảng cách” là một thách thức lớn đối với các hoạt động quân sự.
Trung tâm này cũng sẽ giúp Lục quân Mỹ duy trì trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao hơn bằng cách lưu trữ thiết bị ở tình trạng sẵn sàng vận hành, có thể sử dụng ngay trong các cuộc tập trận, nhiệm vụ nhân đạo hoặc tình huống chiến đấu.
Trong cuộc tập trận Talisman Sabre 2023, Lục quân Mỹ đã thành công trong việc để lại ba bộ trang bị cấp đại đội tại Australia, bao gồm 330 phương tiện và 130 container, đủ để hỗ trợ cho khoảng 500 binh sĩ.
Thành công này cho thấy trung tâm hậu cần mới sẽ tiếp tục hợp lý hóa công tác hậu cần, cho phép các lực lượng triển khai mà không bị chậm trễ do phải vận chuyển thiết bị từ bên kia Thái Bình Dương.
Khả năng tiếp cận nhanh chóng các kho dự trữ tiền phương cũng giúp giảm sự phụ thuộc vào các tuyến tiếp tế dễ bị tổn thương - một yếu tố then chốt trong khu vực mà môi trường hậu cần tranh chấp đang ngày càng trở thành mối lo ngại lớn.
Những chuyển biến trong hậu cần quân sự hiện đại
Việc thành lập trung tâm hậu cần tại Townsville phản ánh một sự thay đổi sâu rộng hơn trong cách tiếp cận hậu cần của quân đội Mỹ trong thế kỷ XXI. Các mô hình truyền thống, vốn thường dựa vào hệ thống giao hàng đúng thời điểm (just-in-time) lấy cảm hứng từ khu vực tư nhân, đang được xem xét lại trong bối cảnh những thực tế địa chính trị mới.
Khoảng cách mênh mông ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và khả năng đối mặt với môi trường tác chiến đầy thử thách - nơi đối thủ có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng - đã thúc đẩy Lục quân Mỹ ưu tiên dự trữ trang bị tiền phương và xây dựng các mạng lưới hậu cần có khả năng chống chịu cao.
Việc áp dụng các công nghệ tiên tiến, như hệ thống quản lý tồn kho tự động và phần mềm bảo trì dự đoán, cũng đang thay đổi cách thức vận hành của các trung tâm hậu cần này, bảo đảm thiết bị luôn ở trạng thái sẵn sàng triển khai ngay lập tức.
Trong các cuộc tập trận như Talisman Sabre, Lục quân Mỹ đã thử nghiệm các khái niệm hậu cần đổi mới, chẳng hạn như hoạt động hậu cần liên quân qua bờ biển.
Năm 2023, Lục quân Mỹ đã dỡ xuống 17 xe tăng M1 Abrams và 400 phương tiện từ một tàu chứa hàng tiền phương, sử dụng một cầu nổi Trident dài khoảng 365 mét do 100 binh sĩ lắp ráp, trực tiếp đưa lên một bãi biển chưa phát triển ở Australia,
Năng lực này cho phép lực lượng tác chiến trong các môi trường khắc nghiệt, nơi các cảng truyền thống có thể không có sẵn hoặc đã bị vô hiệu hóa.
Việc tích hợp các kỹ thuật như vậy vào hoạt động của trung tâm Townsville sẽ giúp Lục quân Mỹ thích ứng với các tình huống năng động và khó lường, từ thiên tai cho đến các cuộc xung đột cường độ cao.
So sánh với các căn cứ khu vực khác
Trung tâm Townsville gia nhập vào mạng lưới các cơ sở hậu cần của Mỹ tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, mỗi nơi đều có những thế mạnh và thách thức riêng.
Tại Guam, Mỹ duy trì một trung tâm hậu cần lớn, hưởng lợi từ vị thế là lãnh thổ của Mỹ, với cơ sở hạ tầng vững chắc và vị trí gần châu Á. Tuy nhiên, quy mô nhỏ và nguy cơ thiên tai, như bão Mawar vào năm 2023, khiến Guam trở nên dễ bị tổn thương.
Căn cứ Darwin ở Australia, nơi đóng quân luân phiên của lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ - cung cấp một nền tảng ổn định nhưng không có quy mô lớn như cơ sở mới ở Townsville.
Tại Palau, Mỹ đã xem xét mở rộng hiện diện, nhưng cơ sở hạ tầng hạn chế của quốc đảo này đã giới hạn khả năng trở thành một trung tâm hậu cần chính.
Vị trí chiến lược của Townsville ở bờ Đông Bắc Australia mang lại nhiều lợi thế. Sự gần gũi với Biển San Hô (Coral Sea) và Papua New Guinea khiến nơi đây trở thành cửa ngõ vào chuỗi đảo thứ hai của Thái Bình Dương, trong khi các cảng và sân bay hiện hữu hỗ trợ việc triển khai nhanh chóng.
Bên cạnh đó, khác với Guam, diện tích rộng lớn của Australia cung cấp nhiều không gian cho lưu trữ và huấn luyện, và sự ổn định chính trị của Australia đảm bảo một đối tác đáng tin cậy.
Tuy nhiên, trung tâm này cũng phải đối mặt với các quy định nghiêm ngặt về nông nghiệp của Australia, đòi hỏi việc làm sạch thiết bị kỹ lưỡng để ngăn ngừa rủi ro sinh học - một quy trình đã gây chậm trễ hậu cần trong Talisman Sabre 2023, nhưng từ đó đã được đơn giản hóa nhờ việc giữ thiết bị lại trong nước thay vì đưa về Mỹ sau tập trận.
Kỳ cuối: Bước tiến chiến lược của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương