05:08 24/05/2012

Đằng sau việc Nga phản đối lá chắn tên lửa của NATO

Báo "Người Hướng dẫn Khoa học Thiên chúa giáo" (Mỹ) ngày 22/5 cho biết, tại Hội nghị Thượng đỉnh cuối tuần qua ở Chicago, NATO loan báo giai đoạn đầu tiên của lá chắn phòng thủ tên lửa châu Âu gây nhiều tranh cãi bắt đầu hoạt động tạm thời - một tin tức khiến Nga hết sức lo ngại.

Báo "Người Hướng dẫn Khoa học Thiên chúa giáo" (Mỹ) ngày 22/5 cho biết, tại Hội nghị Thượng đỉnh cuối tuần qua ở Chicago, NATO loan báo giai đoạn đầu tiên của lá chắn phòng thủ tên lửa châu Âu gây nhiều tranh cãi bắt đầu hoạt động tạm thời - một tin tức khiến Nga hết sức lo ngại. Bất đồng gay gắt giữa Nga và NATO về chương trình phòng thủ tên lửa châu Âu là vấn đề chính làm nóng bầu không khí Đông - Tây.


Đầu tháng 5/2012, Tướng Nikolai Makarov của quân đội Nga cho biết, Nga có thể phát động đòn tiến công phủ đầu phá hủy các trận địa phòng thủ tên lửa của NATO tại Trung Âu, nếu Nga nhận thấy khả năng răn đe hạt nhân chiến lược của mình bị đe dọa. NATO không thay đổi lập trường trước các tuyên bố mạnh mẽ của Nga và rõ ràng đang tiếp tục thúc đẩy chương trình, dự kiến đạt được khả năng tác chiến đầy đủ vào năm 2020.


 

Tên lửa đạn đạo Topol-M được coi là sức mạnh răn đe mới của Nga. Ảnh: Internet

 

Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO ngày 20/5, Tổng Thư ký Anders Fogh Rasmussen khẳng định: "Đây là bước đầu tiên hướng tới mục tiêu của NATO nhằm bảo vệ toàn bộ dân số, lãnh thổ và lực lượng của NATO. Hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO sẽ kết nối toàn bộ hệ thống phòng thủ tên lửa từ các nước đồng minh, các vệ tinh, tàu chiến, rađa và các phương tiện đánh chặn dưới sự chỉ huy và kiểm soát của NATO. Hệ thống sẽ cho phép chúng ta phòng thủ chống lại các mối đe dọa bên ngoài khu vực châu Âu-Đại Tây Dương". Để giảm bớt nỗi lo ngại của Nga, tuyên bố của NATO nhấn mạnh: "Hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO sẽ không chống lại và không phá hủy khả năng răn đe chiến lược của Nga. Mặc dù lấy làm tiếc trước những tuyên bố của Nga về các biện pháp trực tiếp chống lại hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO, song chúng tôi hoan nghênh sự sẵn sàng của Nga để tiếp tục đối thoại, tìm kiếm sự đồng thuận về hợp tác phòng thủ tên lửa trong tương lai".


Nga cho rằng, mặc dù tuyên bố của NATO thể hiện tiến bộ nhưng chưa đáp ứng cam kết bằng văn bản pháp lý theo yêu cầu của Nga. Ông Fyodor Lukyanov, biên tập viên tạp chí chính sách đối ngoại "Các Vấn đề Toàn cầu" đặt trụ sở tại Mátxcơva, cho biết Nga đã từng nghe những điều như vậy. Vấn đề là khi nào Mỹ tuyên bố các kế hoạch phòng thủ tên lửa của họ không nhằm vào Nga. Kể từ khi Tổng thống Mỹ những năm 1980, Ronald Reagan, lần đầu tiên đưa ra ý tưởng, phòng thủ tên lửa được xem như một biện pháp nhằm bảo vệ Mỹ chống lại bất cứ mối đe dọa tên lửa nào trên thế giới. Nga là mục tiêu chủ yếu vì an ninh quốc gia của Nga dựa trên cơ sở răn đe hạt nhân chiến lược để cân bằng với lực lượng Mỹ.


Bất đồng đó gần như khó có thể giải quyết, một phần do hai bên đang nói đến những mục đích khác nhau và các mối đe dọa mà các bên lo ngại vẫn chỉ là các khả năng mang tính lý thuyết trong tương lai chứ không phải các thực tiễn trước mắt. NATO cho biết, họ cần một lá chắn để chống lại các cuộc tiến công tên lửa từ Iran hoặc CHDCND Triều Tiên - một mối đe dọa không hiện hữu. Trong khi đó Mátxcơva khẳng định lá chắn tên lửa đang được xây dựng ở châu Âu có thể làm giảm ưu thế chiến lược của Nga trong tương lai. Biên tập viên Lukyanov cho rằng, bất đồng của cuộc tranh luận hiện nay về lá chắn phòng thủ tên lửa là, nó hoàn toàn tách khỏi những vấn đề thực tiễn của hai bên. Các vấn đề quân sự thực sự mà hai bên đang đề cập đến là chống lại các mối đe dọa ảo, không có thật.


Về phía Nga, cuộc tranh cãi này sẽ giúp tân Tổng thống Putin thu hút sự ủng hộ trong nước đối với các kế hoạch tái vũ trang toàn diện của chính phủ. Đây có thể là một chủ đề được ưa chuộng ở Nga. Ông Sergei Karaganov, Chủ tịch Hội đồng Chính sách Đối ngoại và Quốc phòng, nhận định: "Trong giai đoạn lịch sử hiện nay, lần đầu tiên Nga không đối mặt với mối đe dọa quan trọng từ bất cứ nước nào và từ bất cứ hướng nào. Do đó, Nga cần có một kiểu đe dọa nào đó để nói tới".
Cuộc tranh cãi về phòng thủ tên lửa giữa các bên đã làm cho tình hình ngày càng xấu đi. Các nhà lãnh đạo phương Tây đã không giải quyết lo ngại có cơ sở của giới lãnh đạo quân sự Nga với thái độ thẳng thắn. Giải thích của NATO là sử dụng lá chắn tên lửa để chống lại mối đe dọa từ Iran, tuy nhiên vấn đề có thể được giải quyết bằng cách khác trong những ngày tới đây. Vì vậy, đó chỉ là những lời nói dối hoặc cái cớ để che đậy các mục tiêu khác của NATO.


Một số nhà quan sát nhận định, lá chắn tên lửa của NATO có thể khiến Nga theo đuổi chính sách đối ngoại trở lại với Trung Quốc và hướng về phía Đông. Dự đoán này được thể hiện rõ khi Tổng thống Putin loan báo không tham gia Hội nghị Thượng đỉnh G-8 tại Trại David và thay vào đó sẽ tiến hành chuyến thăm nước ngoài đầu tiên trên cương vị Tổng thống đến Bêlarút và Trung Quốc trong hai tuần nữa. Ông Karaganov khẳng định, mặc dù ít đề cập nhưng Mátxcơva và Bắc Kinh đều đang theo sát những phát triển của lá chắn tên lửa của Mỹ và NATO tại châu Âu. Ông nói: "Chúng tôi thường xuyên trao đổi với các đồng nghiệp Trung Quốc về vấn đề lá chắn tên lửa của NATO và họ có quan điểm tương tự chúng tôi".


Hữu Trung (P/v TTXVN tại Mỹ)