07:08 30/07/2012

Đằng sau sự tăng cường quân sự của Mỹ tại Biển Đen

Theo mạng tin "Nghiên cứu toàn cầu" (Canađa) ngày 28/7, với việc được tiếp cận lâu dài 8 căn cứ không quân và quân sự khác, các cơ sở đào tạo tại Bungari và Rumani, cùng các tên lửa đánh chặn tiên tiến hiện được đặt tại Rumani, Lầu Năm Góc đang thiết lập một chỗ đứng vững chắc tại khu vực Biển Đen...

Theo mạng tin "Nghiên cứu toàn cầu" (Canađa) ngày 28/7, với việc được tiếp cận lâu dài 8 căn cứ không quân và quân sự khác, các cơ sở đào tạo tại Bungari và Rumani, cùng các tên lửa đánh chặn tiên tiến hiện được đặt tại Rumani, Lầu Năm Góc đang thiết lập một chỗ đứng vững chắc tại khu vực Biển Đen, từ đó họ có thể tiếp tục các hoạt động hiện nay hoặc bắt đầu các hoạt động quân sự mới tại Nam Á, Trung Đông, châu Phi, Bancăng và Cápcadơ.


Lực lượng luân chuyển Biển Đen của Lính thủy đánh bộ Mỹ và lực lượng đặc nhiệm miền Đông của Lục quân Mỹ đang được triển khai tại khu vực trên cơ sở thường xuyên và tàu chiến Mỹ thường ghé thăm Biển Đen, bất chấp Hiệp ước Montreux năm 1936, hạn chế sự qua lại của tàu chiến các quốc gia không nằm ven Biển Đen đi qua các eo biển Dardanelles và Bosporus để vào Biển Đen.


 

Binh sĩ Ucraina trong cuộc tập trận “Rapid Trident 2012” tháng 7/2012. Ảnh: Internet

 

Cuộc tập trận hải quân "Gió biển" 2012, được tổ chức từ ngày 9 - 21/7, là cuộc tập trận hải quân lớn nhất trong năm nay được tổ chức tại Biển Đen với sự tham gia của 17 thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và các đối tác, gồm Mỹ, Ucraina, Bỉ, Canađa, Đức, Na Uy, Bồ Đào Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Angiêri, Adécbaigian, Bănglađét, Grudia, Ixraen, Mônđôva, Cata, Thụy Điển và các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE). Angiêri, Bănglađét, Cata và UAE tham gia cuộc tập trận này lần đầu tiên.


"Rapid Trident 2012” - một cuộc tập trận khác trong khuôn khổ Quan hệ đối tác vì hòa bình của NATO, dưới sự lãnh đạo của Bộ chỉ huy châu Âu của Mỹ - cũng được tổ chức ở miền Tây Ucraina trong các ngày 16 - 28/7 với sự tham gia của 1.400 binh lính từ 16 quốc gia. Trong khi đó, cuộc tập trận "Dacian Thunder" 2012, đang được tổ chức trong các ngày 10 - 31/7 tại Rumani, với sự tham gia của binh lính Mỹ, Anh và Rumani, với các nội dung huấn luyện "không đối không, không đối đất, tìm kiếm và cứu nạn trong chiến đấu, phòng không, an ninh, tình báo trên không, chỉ huy chiến thuật các hoạt động hỗ trợ hậu cần" để chuẩn bị cho các hoạt động dự phòng trong tương lai.


Đầu tháng 7/2012, Tư lệnh lục quân Mỹ tại châu Âu - Tướng Mark Phillip Hertling - đã thăm Grudia để gặp Bộ trưởng Quốc phòng mới của nước này là ông Dimitri Shashkin và các nhà lãnh đạo quân sự hàng đầu khác. Chuẩn Đô đốc Mark Montgomery, Phó Giám đốc phụ trách tham mưu, chính sách và chiến lược của Bộ chỉ huy châu Âu của Mỹ đã gặp ông Shashkin để bắt đầu thực thi hiệp định vừa được Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Grudia Mikhail Saakashvili ký kết nhằm nâng cấp các khả năng quân sự của Grudia.


Năm 2005, khi Rumani chính thức trở thành thành viên của NATO, Lầu Năm Góc đã được phép đặt một số cơ sở quân sự tại quốc gia này, trong đó có căn cứ không quân Mihail Kogalniceanu, trước đây đã được sử dụng cho việc xâm lược Irắc năm 2003. Năm 2006, Mỹ giành được quyền đặt một số căn cứ quân sự tại nước láng giềng Bungari, trong đó có các căn cứ không quân Graf Ignatievo và Bezmer. Đó là những căn cứ quân sự đầu tiên của Mỹ trong lãnh thổ các thành viên cũ của tổ chức Hiệp ước Vácsava trước đây.


Lực lượng luân phiên Biển Đen của Lính thủy đánh bộ Mỹ, năm 2012 có mặt tại khu vực Biển Đen tới 6 tháng, thường xuyên hoạt động từ căn cứ không quân Mihail Kogalniceanu, cũng như lực lượng đặc nhiệm miền đông của Lục quân Mỹ. Khu vực hoạt động của Lực lượng luân phiên Biển Đen của Lính thủy đánh bộ Mỹ là khu vực Biển Đen trước đây, Bancăng và Cápcadơ, mặc dù trên thực tế, khu vực này mở rộng sang cả Mônđôva và Hy Lạp. Đây là khu vực được xem là có tầm quan trọng địa chiến lược của thế giới, nơi gặp nhau của châu Âu, châu Á và Trung Đông. Như vậy, phạm vi hoạt động của Lực lượng luân phiên Biển Đen của Lính thủy đánh bộ Mỹ bao gồm toàn bộ những khu vực xung đột "đóng băng" tại không gian Xôviết trước đây: Abkhazia, Nagorno-Karabakh, Nam Ossetia và Transdniester.


Trong kỷ nguyên Chiến tranh Lạnh, khu vực Biển Đen là khu vực cấm vào hoàn toàn đối với Lầu Năm Góc. Việc NATO mở rộng, kết nạp thêm các thành viên và đối tác mới, đã mở cửa Biển Đen cho sự xâm nhập, hiện diện và sử dụng khu vực này của Mỹ cho các hoạt động can thiệp vũ trang về phía Đông và phía Nam.


Thanh Hoa