10:10 27/10/2018

Đằng sau cuộc khủng hoảng 'bom thư' tại Mỹ

Cuộc khủng hoảng “bom thư” tại Mỹ xem ra đã kết thúc. Lực lượng thực thi pháp luật Mỹ cũng đã xác định được đối tượng tình nghi gửi các bưu kiện chứa chất nổ tới các chính khách và nhân vật có ảnh hưởng thuộc đảng Dân chủ.

Chú thích ảnh
Đối tượng Cesar Sayoc - nghi can gửi các bưu kiện chứa chất nổ tới các chính khách đảng Dân chủ. Ảnh: AP/TTXVN

Nghi can được xác định là Cesar Sayoc, 56 tuổi, sống ở Aventura, Florida. Theo hồ sơ cử tri của Florida, Sayoc là một người thuộc đảng Cộng hòa tại quận Miami-Dade và là một cử tri "tích cực". Những hình ảnh đăng trên tài khoản mạng xã hội từ năm 2016 cũng cho thấy đối tượng này thường xuyên tham dự các sự kiện ủng hộ ông Donald Trump.

Trả lời câu hỏi tại sao nghi can Sayoc lại gửi bom tới nhà các đảng viên Dân chủ, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jess Sessions cho biết ông chưa dám chắc nguyên nhân, song có lẽ những hành động của đối tượng này mang động cơ "đảng phái".

Cuộc khủng hoảng “bom thư” xảy ra trong bối cảnh chỉ còn gần 2 tuần nữa là tới cuộc bầu cử giữa kỳ tại Mỹ dự kiến diễn ra ngày 6/11 tới. Các nhà nghiên cứu về tội phạm bắt nguồn từ sự thù hận lưu ý rằng những “chất xúc tác” như là bầu cử có thể kích động làn sóng thù hận mang tính thời điểm.

Nếu điểm lại lịch sử, có thể thấy bạo lực chính trị phần nào thuộc về bản chất của người Mỹ kể từ khi quốc gia này được thành lập. Nước Mỹ đã chứng kiến 4 tổng thống bị ám sát và 1 người, Tổng thống Ronald Reagan suýt chết vì một viên đạn.

Trong các phong trào đấu tranh đòi quyền dân sự, những vụ đánh bom liên tục xảy ra, với việc nhà thờ của người da màu trở thành mục tiêu đốt phá của những đối tượng theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng. Gần đây nhất, 2 chính khách - cựu Hạ nghị sĩ Gabrielle Giffords của đảng Dân chủ và Hạ nghị sĩ Steve Scalise của đảng Cộng hòa - đã may mắn thoát chết sau một vụ tấn công có vũ trang mang động cơ chính trị.

Cũng theo giới nghiên cứu tội phạm, trách nhiệm kiềm chế những hành vi bạo lực bắt nguồn từ sự thù hận thuộc về các  nhà lãnh đạo, những người nắm trong tay quyền lực tạo ra “chất xúc tác" đó. Có lẽ bởi vậy mà có một số ý kiến cho rằng chính ông chủ Nhà Trắng phải chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng “bom thư” này.

Ngay sau khi danh tính nghi can được công bố, cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bày tỏ quan ngại về tình trạng chia rẽ và thù hận đảng phái mà ông đang chứng kiến tại nước Mỹ. Trước đó, cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) John Brenan, nằm trong số những người bị gửi bom thư, cũng chỉ trích đích danh ông Trump đã tạo ra bầu không khí chính trị thù địch, làm sâu sắc thêm sự chia rẽ đảng phái tại nước Mỹ.         

Chú thích ảnh
Một gói bưu kiện chứa thiết bị nổ được gửi tới tòa soạn báo CNN ở New York (Mỹ) ngày 24/10/2018. Ảnh: AFP/TTXVN

Trên thực tế, kể từ khi ông Donald Trump thắng cử phần nào nhờ những thông điệp gay gắt chống lại các nhóm thiểu số khác nhau, như người Hồi giáo, người gốc Phi, người Mỹ Latinh, nạn kỳ thị chủng tộc đã nổi lên công khai tại Mỹ. Đỉnh điểm là vụ bạo loạn tại thành phố Charlottesville (Sác-lốt-te-xvin), bang Virginia ngày 12/8/2017.

Một nhóm người theo khuynh hướng cực hữu đã tuần hành ở thành phố này để phản đối quyết định của Hội đồng thành phố tháo gỡ bức tượng vị tướng Tư lệnh quân miền Nam trong cuộc nội chiến Robert E. Lee.

Hầu hết đám đông biểu tình là đàn ông da trắng trẻ tuổi từ các nơi khác, nhiều người trong họ mặc đồng phục như quân đội và mang theo vũ khí, kể cả súng trường. Họ đốt đuốc sáng rực rồi hô to "Máu và đất", khẩu hiệu của chủ nghĩa Quốc xã Đức, cùng các khẩu hiệu tương tự chống Do Thái và các sắc tộc thiểu số.

Một nhóm khác gồm đủ mọi sắc tộc với nhiều người địa phương cũng đổ về khu vực này để chống lại cuộc tuần hành. Không chỉ dừng lại ở khẩu chiến, cùng ngày hôm đó, một thanh niên cực hữu lái xe thật nhanh đâm vào đám đông phản đối biểu tình. Vụ bạo loạn khiến 3 người thiệt mạng và 19 người bị thương.      

Từ cuộc bạo loạn ở thành phố Charlottesville tới cuộc khủng hoảng “bom thư” cho thấy một xu thế đáng ngại, đó là xung đột âm ỉ giữa các đảng phái, các hệ phái tư tưởng dân tộc, sắc tộc tại Mỹ đang trỗi dậy công khai.

Theo kết quả khảo sát do hãng tin AP và Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề công cộng NORC công bố trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ, hầu hết người Mỹ đều cho rằng nước Mỹ đã trở thành một quốc gia bị chia rẽ.

Cứ 10 người Mỹ thì có tới 8 người bị "chia rẽ trầm trọng" khi nói đến những giá trị quan trọng của nước Mỹ. 39% tin rằng sự chia rẽ này sẽ chỉ càng tồi tệ thêm mà thôi. Cuộc khảo sát còn cho thấy đa số người Mỹ (77%) không hài lòng, hay bất mãn với tình hình chính trường Mỹ hiện này.

Người Mỹ cũng bị chia rẽ khá sâu sắc khi đánh giá về thành tích của Tổng thống Donald Trump. Khoảng 59% số người được hỏi bày tỏ không hài lòng, hoặc thậm chí bất mãn, trước những gì ông Trump làm trên cương vị tổng thống. Tỷ lệ ủng hộ là 40%.

Một điều đáng chú ý nữa là cuộc khảo sát còn bộc lộ sự chia rẽ đảng phái lớn nhất trong nhiều năm trở lại đây tại Mỹ. 83% số đảng viên Cộng hòa ủng hộ ông Trump trong khi 92% đảng viên Dân chủ và 61% cử tri tự do không tán thành với cách làm việc của ông chủ Nhà Trắng.

Phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump lên án "các hành vi khủng bố" của đối tượng gửi bom và cam kết sẽ "truy tố" nghi can đến cùng. Trong bối cảnh cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đang đến gần, ông chủ Nhà Trắng cũng một lần nữa kêu gọi người dân Mỹ đoàn kết, chứng tỏ với thế giới rằng nước Mỹ là một quốc gia "độc nhất vô nhị" với những người dân "sống trong hòa bình, tình yêu thương và sự hài hòa".

Trước mắt, giới phân tích cho rằng cuộc khủng hoảng “bom thư” vừa qua sẽ không có ảnh hưởng nhiều tới kết quả cuộc bỏ phiếu diễn ra sau 11 ngày nữa. Thay vào đó, thành tích của tổng thống, chăm sóc sức khỏe, nền kinh tế, tình trạng bạo lực… mới là những yếu tố chi phối quyết định của cử tri sẽ bỏ phiếu cho đảng Dân chủ hay đảng Cộng hòa của Tổng thống đương nhiệm.

Minh Nga (Phóng viên TTXVN tại New York)