01:00 14/01/2021

Đằng sau cuộc đua phá kỷ lục về giá trị của Bitcoin

Đồng tiền số hàng đầu hiện nay là Bitcoin đã có đợt tăng giá vô tiền khoáng hậu. Quá trình này diễn ra cùng với đợt bùng phát dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Đồng tiền số Bitcoin. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong vòng một năm qua, giá trị Bitcoin đã tăng vọt lên đến 340%, đạt mức 40.000 USD/đồng, khiến càng có nhiều nhà đầu tư cá nhân và các tổ chức đặt niềm tin vào đồng tiền này, coi như một phương tiện cất giữ an toàn trong bối cảnh lạm phát. 

Theo chỉ số của CoinGecko với 6.124 loại tài sản, giá trị vốn hóa thị trường của tiền số Bitcoin đã đạt tới đỉnh vào ngày 6/1 vừa qua với mức 1.000 tỷ USD. Mức tăng ngoạn mục của đồng tiền số có mức vốn hóa thị trường lớn nhất này chủ yếu diễn ra vào tuần trước, khi Bitcoin vượt ngưỡng 40.000 USD lên 40.324,01 USD vào ngày 7/1. Kế đến là sự giảm giá đột ngột vào ngày 9 và 10/1. Bitcoin lại tăng giá nhẹ và ở mức giá 36.000 USD vào hôm 12/1. 

Tính đến nay, đồng tiền mã hóa này đã tăng hơn 13% giá trị trong một tuần, 92% trong một tháng và 340% trong một năm, sau khi ngân hàng trung ương nhiều nước bơm lượng tiền khổng lồ vào thị trường để giải cứu nền kinh tế và đối phó với dịch COVID-19.

Đài Sputnik trích dẫn nhận xét của nhà phân tích vĩ mô toàn cầu tại hãng Think Market là ông Victor Golovtchenko cho biết, vị trí của tiền số Bitcoin hiện nay trên thị trường là một tài sản rủi ro, được sử dụng bởi các cá nhân và tổ chức đầu tư đề phòng trường hợp tiền giấy mất giá trị. Ông Golovtchenko tin rằng sự tăng giá của tiền ảo Bitcoin chủ yếu do dòng tiền khổng lồ từ các tổ chức đầu tư đổ vào đồng tiền này vào giữa năm 2020, thời kỳ đỉnh điểm của làn sóng dịch COVID-19 thứ nhất, do lo ngại việc các chính phủ gia tăng in tiền giấy dẫn đến lạm phát. 

Cách đánh giá này tương đối giống với nhận định về mức tăng giá kỷ lục của tiền số hóa của chuyên gia Sven Wagenknecht, tổng biên tập kiêm nhà đồng sáng lập BTC-ECHO, tạp chí trực tuyến tiếng Đức lớn nhất viết về công nghệ blockchain và tiền số. Ông Wagenknecht cho biết: “Tiền số hiện cũng đang được thừa nhận bởi các rất nhiều tổ chức đầu tư là các quỹ đầu tư mạo hiểm hoặc các công ty quản lý tài sản”.  

Cả hai chuyên gia trên đều dự đoán về sự biến động đối với đồng tiền số hàng đầu này. Ông Wagenknecht nhận định các nhà đầu tư lớn sẽ mang lại sự ổn định cho thị trường trong dài hạn và xu hướng này đã được thấy rõ, do đó “sự biến động sẽ giảm trong tương lai khi vốn hóa thị trường tăng lên”. 

Trong khi đó, ông Golovtchenko lại dự báo bất chấp xu hướng Bitcoin ngày càng nhận được sự ưa chuộng và niềm tin của nhà đầu tư thì cũng nổi lên một câu hỏi lớn rằng “liệu chính phủ các nước trên thế giới có chấp nhận sự lớn mạnh của Bitcoin”. 

Ông Golovtchenko giải thích: “Điều tôi muốn đề cập đến là một vài nước vẫn cấm sở hữu Bitcoin, các ngân hàng có thể cấm các giao dịch từ sàn giao dịch với tài khoản ngân hàng”. 

Ông Golovtchenko phân tích thêm rằng xuất phát từ những lần điều chỉnh giá gần đây nhất thì các tranh luận về Bitcoin tập trung xoay quanh nhận định liệu đồng tiền này có phải là “bong bóng” tài sản hay không và nếu có thì khả năng vỡ của loại bong bóng này thế nào. “Bất kể điều này có xảy ra hay không, thì chính phủ và các cơ quan quản lý mới có quyền hạn trong việc hạn chế Bitcoin tăng giá trị theo cấp số nhân trong thị trường vốn hóa”, ông nhấn mạnh.

Hoàng Trang/Báo Tin tức