06:15 26/06/2016

Đảng đối lập Anh chia rẽ hậu Brexit

Một lượng đáng kể các bộ trưởng Công đảng có khả năng từ chức nếu thủ lĩnh đảng này Jeremy Corbyn không chấp nhận một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm.

Bản kiến nghị kêu gọi tổ chức cuộc trưng cầu dân ý lần hai trên trang web của Chính phủ Anh ngày 25/6. Ảnh: AFP/TTXVN

Bộ trưởng Ngoại giao trong chính phủ lập sẵn của Công đảng đối lập ở Anh Hilary Benn ngày 26/6 đã bị "sa thải" trước những tin đồn nói rằng ông khuyến khích các bộ trưởng từ chức nếu thủ lĩnh Công đảng Jeremy Corbyn không chấp nhận một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm.

Lãnh đạo Công đảng đang đối mặt với cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm về chiến dịch "mờ nhạt" trước cuộc trưng cầu dân ý về việc Anh đi hay ở lại Liên minh châu Âu (EU).

Nguồn tin từ Công đảng cũng nói với đài BBC rằng một lượng đáng kể các bộ trưởng của đảng đối lập có khả năng từ chức nếu ông Corbyn phớt lờ kết quả cuộc bỏ phiếu tín nhiệm hôm 23/6, theo đó người dân Anh ủng hộ rời khỏi EU (Brexit).

Các nghị sĩ Công đảng Margaret Hodge và Ann Coffey đã đệ trình một kiến nghị bất tín nhiệm chống lại ông Corbyn - người ủng hộ chiến dịch vận động ở lại EU. Tuy bản kiến nghị không có hiệu lực nhưng kêu gọi tiến hành thảo luận tại cuộc họp Nghị viện Công đảng vào ngày 27/6. Chủ tịch Nghị viện John Cryer sẽ quyết định có nên tranh luận hay không. Nếu được chấp thuận, cuộc bỏ phiếu kín của các nghị sĩ Công đảng có thể được tổ chức vào ngày 28/6.

Trong khi đó, Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon khẳng định Edinburgh muốn lập tức thảo luận với Liên minh châu Âu (EU) để bảo vệ vị trí của Scotland trong EU, sau khi Anh đã bỏ phiếu quyết định rời khỏi khối này.

Bà Sturgeon cũng tiết lộ rằng chính quyền Scotland đang chuẩn bị đưa ra dự thảo luật cho phép tiến hành cuộc trưng cầu dân ý thứ hai về việc trở thành quốc gia độc lập. Trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2014, 55% người dân Scotland đã bỏ phiếu phản đối việc tách khỏi Vương quốc Anh.

Hơn 2 triệu người Anh đã ký vào một bản kiến nghị, kêu gọi tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý lần hai về việc Anh rời EU. Theo đánh giá, kiến nghị trên đã thu hút được nhiều chữ ký hơn bất kỳ bản kêu gọi nào khác trên trang mạng của Quốc hội Anh. Theo quy định, một khi đơn đề nghị vượt qua con số 100.000 chữ ký, cơ quan lập pháp Anh sẽ phải cân nhắc tiến hành thảo luận.

Một quan chức EU cho biết ngày 28/6, Thủ tướng Anh David Cameron dự kiến tham dự ngày đầu tiên của hội nghị kéo dài 2 ngày để thông báo với 27 nước còn lại của EU kết quả cuộc trưng cầu dân ý của Anh về khả năng rời EU. Sau đó, Thủ tướng Anh sẽ trở về London và các nhà lãnh đạo EU ngày 29/6 sẽ thảo luận về Brexit.

Trong khi đó, sau kết quả trưng cầu dân ý tại Anh, đảng Sinn Fein ở Bắc Ireland đã đề xuất tiến hành một cuộc trưng câu dân ý khác về việc sáp nhập Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland. Tuy nhiên, đề xuất này đã bị các chính quyền ở cả CH Ireland và Bắc Ireland bác bỏ. Ngoại trưởng CH Ireland Enda Kenny cho rằng thời điểm này có những "vấn đề quan trọng hơn" cần phải giải quyết chứ không phải việc sáp nhập này.

TTXVN/Tin Tức