Nhân dịp 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), phóng viên TTXVN tại Nhật Bản đã phỏng vấn Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Nhật Bản Kazuo Shii về ý nghĩa lịch sử và thời đại của chiến thắng 30/4, cũng như sự ủng hộ Đảng Cộng sản Nhật Bản đối với Việt Nam trong giai đoạn này.
Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Nhật Bản Kazuo Shii trả lời phỏng vấn nhóm Phóng viên TTXVN tại Nhật Bản. Ảnh: Xuân Giao (P/v TTXVN tại Nhật Bản)
Ông Shii là người rất tích cực tham gia phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam do Đảng Cộng sản Nhật Bản phát động vào những năm 60 của thế kỷ trước. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:
Xin Ngài Chủ tịch cho biết ý nghĩa lịch sử và thời đại của chiến thắng 30/4/1975 đối với Việt Nam cũng như phong trào cách mạng thế giới.
Trước hết, nhân kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi xin gửi lời chúc mừng chân thành nhất tới Đảng Cộng sản Việt Nam, Chính phủ và nhân dân Việt Nam. Ngày này cũng là ngày gợi lại cho tôi nhiều kỷ niệm đẹp. Chị vừa nhắc đến ý nghĩa lịch sử. Chúng tôi tin rằng cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam có ý nghĩa lịch sử thế giới theo hai nghĩa. Nhìn rộng hơn, chúng tôi, Đảng Cộng sản Nhật Bản, tin rằng những thay đổi về mặt cấu trúc của thế giới đã diễn ra trong thế kỷ XX, cụ thể là nhiều quốc gia từng nằm dưới sự cai trị của thực dân đã giành được độc lập và trở thành các quốc gia có chủ quyền.
Nói cách khác, hệ thống thuộc địa đã sụp đổ, và thay vào đó, trên 100 quốc gia có chủ quyền đã ra đời. Chúng tôi nghĩ đây là sự thay đổi về mặt cấu trúc lớn nhất xảy ra trong thế kỷ 20. Chúng tôi nghĩ rằng sức mạnh của sự thay đổi về mặt cấu trúc này hiện đang hoạt động như một lực lượng rất mạnh mẽ cho hòa bình và tiến bộ xã hội trong thế kỷ 21.
Trong lịch sử thế giới, chúng tôi nghĩ rằng cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam đã thúc đẩy sự thay đổi về mặt cấu trúc này theo hai cách. Khói hiệu đầu tiên của làn sóng độc lập dân tộc được thổi lên tại Việt Nam là Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945. Làn khói hiệu tuyên ngôn độc lập nổi lên từ Việt Nam đã lan rộng khắp châu Á, và sau đó đến châu Phi, dẫn đến sự sụp đổ của các hệ thống thuộc địa trên toàn thế giới.
Nước đầu tiên giương cao lá cờ độc lập là Việt Nam. Tiếp theo là chiến thắng năm 1975 là chiến thắng của chủ quyền của nhân dân, quyền tự quyết của nhân dân, tự do và độc lập của nhân dân. Đó thực sự là chiến thắng vĩ đại có ý nghĩa toàn cầu.
Vì vậy, đối với nhân dân Việt Nam, chúng tôi cho rằng đây là một thành tựu lịch sử theo hai nghĩa. Nhân dân Việt Nam đã đánh bại 3 chủ nghĩa đế quốc. Đó là chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản, chủ nghĩa thực dân Pháp và chủ nghĩa đế quốc Mỹ. Nhân dân Việt Nam đã đánh bại 3 chủ nghĩa đế quốc và giành được độc lập bằng chính nỗ lực của mình và bằng sức mạnh đoàn kết. Đây là thành tích thực sự tuyệt vời và sẽ còn mãi trong lịch sử xảy ra trong thế kỷ 20. Chúng tôi nghĩ đó là thành tựu vĩ đại. Chúng tôi tin rằng nhân dân Việt Nam đã có đóng góp to lớn trong việc thúc đẩy những thay đổi mang tính cấu trúc như vậy trên thế giới.
Chủ tịch Đảng cộng sản Nhật Bản Kazuo Shii đã tham gia tích cực tham gia phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam do Đảng Cộng sản Nhật Bản phát động từ những năm 60. Ảnh: Xuân Giao (P/v TTXVN tại Nhật Bản)
Chiến thắng 30/4/1975 của nhân dân Việt Nam có sự ủng hộ quý báu của các Đảng Cộng sản trên thế giới và bạn bè quốc tế, trong đó không thể không kể đến sự ủng hộ quý báu và hiệu quả của Đảng Cộng sản Nhật Bản và nhân dân Nhật Bản. Xin Ngài Chủ tịch cho biết chủ trương và những hoạt động của Đảng Cộng sản Nhật Bản đã thực hiện để ủng hộ Việt Nam trong giai đoạn này?
Đảng Cộng sản Nhật Bản đã liên tục đấu tranh đoàn kết với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và giành lại độc lập và chủ quyền của nhân dân Việt Nam. Tôi đã mang theo một số thông tin lịch sử hôm nay vì tôi muốn nói về những cuộc đấu tranh này.
Đây là tờ báo chính thức của chúng tôi, Akahata. Đây là báo Akahata số phát hành ngày 4/8/1964 (Bài báo “Mỹ ngang nhiên tấn công miền Bắc Việt Nam”) và 6/8 (Mỹ leo thang chiến tranh xâm lược với Miền Bắc Việt Nam. Tàu Mỹ xâm phạm Lãnh hải và khiêu khích. “Giao chiến trên biển quốc tế” là giả dối.), đưa tin về sự kiện Vịnh Bắc Bộ nổi tiếng, nói rõ đây là một sự kiện bịa đặt của chính quyền Mỹ lúc đó.
Sự bịa đặt này đã dẫn đến sự leo thang quy mô lớn của cuộc xâm lược Chiến tranh Việt Nam, được gọi là Sự kiện Vịnh Bắc Bộ. Ngay sau khi sự kiện Vịnh Bắc Bộ xảy ra, chúng tôi đã giương cờ đỏ và tuyên bố rằng chúng tôi sẽ không bao giờ dung thứ cho sự xâm lược.
Và vào số phát hành ngày tiếp theo là ngày 5/8/1964, báo Akahata đã đăng bài phóng viên Takano phỏng vấn Tướng Võ Nguyên Giáp “Nhân dân Đông Dương chiến thắng” (Bài báo “Nhân dân Đông Dương bất bại”).
Vào ngày tiếp theo là ngày 6/8/1964, Ban chấp hành ra tuyên bố kêu gọi “Hãy phản đối chiến tranh xâm lược của Đế quốc Mỹ tấn công nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, hãy gia tăng sức mạnh cho việc đấu tranh chung giữa nhân dân châu Á”.
Vào thời điểm đó, 138 tổ chức, bao gồm Đảng Cộng sản, Đảng Xã hội và Tổng Liên hiệp các công đoàn thời đó, đã tuyên bố trong một cuộc họp trung ương bất thường rằng cuộc xâm lược của Mỹ tại Việt Nam là hoàn toàn không thể chấp nhận được và đây là giai đoạn mà các lực lượng dân chủ hình thành một mặt trận thống nhất. (Bài báo về tuyên bố của Đảng Cộng sản và 138 tổ chức).
Sự kiện Vịnh Bắc Bộ xảy ra vào năm 1964, và cái gọi là sự kiện Vịnh Bắc Bộ là do chính quyền Mỹ bịa đặt, và chính phủ Nhật Bản lúc đó chỉ đơn giản là “hùa theo” sự bịa đặt đó, ủng hộ Mỹ. Phần lớn các phương tiện truyền thông Nhật Bản cũng ủng hộ Mỹ. Trong bối cảnh này, Đảng Cộng sản Nhật Bản đã thể hiện sự đoàn kết với cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam ngay từ đầu.
Tại Nhật Bản, chúng tôi đã nỗ lực phát triển cuộc đấu tranh đoàn kết với Việt Nam thành một hành động thống nhất lớn. Ví dụ, ở tỉnh Kanagawa, có căn cứ hậu cần Sagamihara của quân đội Mỹ. Xe tăng sử dụng trong chiến tranh chống Mỹ được vận chuyển từ nơi này. Khi quân đội Mỹ tìm cách đưa những chiến xa này ra khỏi cảng, chúng tôi đã tổ chức các cuộc biểu tình ngồi để ngăn chặn và những cuộc đấu tranh như vậy cũng là một phần của liên minh dân chủ Nhật Bản.
Trước hết, tôi muốn các bạn biết rằng chúng tôi đã làm điều này trong nước. Sau đó, còn trên bình diện quốc tế, chúng tôi kêu gọi thành lập một mặt trận thống nhất quốc tế chống lại Chiến tranh xâm lược Việt Nam. Vào năm 1966, một phái đoàn do Tổng Bí thư Miyamoto dẫn đầu đã đến thăm Trung Quốc, Bắc Triều Tiên và Việt Nam.
Vào thời điểm đó, Đảng Cộng sản Nhật Bản và Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam đã hội đàm trong nhiều ngày. Thực tế, đây là cuộc hội đàm đầu tiên trong nhiều cuộc hội đàm sâu giữa hai đảng. Bí thư thứ nhất Lê Duẩn và Tổng Bí thư Miyamoto đã họp từ sáng đến tối, đi đến quyết định rằng mối quan hệ và lập trường của hai đảng hoàn toàn thống nhất. Chúng tôi muốn tạo ra một mặt trận thống nhất quốc tế chống lại Chiến tranh xâm lược Việt Nam, muốn toàn thế giới đoàn kết về vấn đề này.
Chúng tôi xác nhận rằng chúng tôi hoàn toàn đồng ý về điều này, và mối liên kết chặt chẽ giữa hai bên đã trở nên rất vững chắc vào năm 1966. Vào thời điểm đó, chúng tôi không có đồng chí nào có thể nói tiếng Việt, vì vậy chúng tôi phải thông qua tiếng Trung Quốc. Điều này đã trở thành một vấn đề lớn, vì vậy chúng tôi đã nhất trí trao đổi sinh viên để đào tạo người sử dụng ngôn ngữ của nhau, và chương trình trao đổi đầu tiên giữa hai bên bắt đầu vào năm 1966. Trên bình diện quốc tế, mặt trận thống nhất quốc tế chống lại Chiến tranh xâm lược Việt Nam đã lan rộng khắp thế giới, và tôi nghĩ điều này đã tạo ra một tình huống mà Mỹ bị cô lập trên thế giới.
Chúng tôi đã chiến đấu cả trong nước và quốc tế, đấu tranh cho sự thống nhất, và tôi tự hào được tham gia vào cuộc đấu tranh chống lại Chiến tranh xâm lược Việt Nam. Đối với tôi, những năm 1960 và 1970 là thời gian tôi là học sinh trung học cơ sở, học sinh trung học phổ thông và sinh viên đại học. Cha tôi là đảng viên Đảng Cộng sản Nhật Bản. Vì thế mà tôi cũng nhiều lần tham gia các cuộc biểu tình phản đối Chiến tranh xâm lược Việt Nam. Trong cuộc biểu tình tôi hay hát bài Bài hát Vì nhân dân quên mình cùng mọi người. Tôi vẫn ghi rõ bài đó, đến ngày hôm nay vẫn hát được. Đó là bài hát đoàn kết mà tất cả chúng ta cùng hát. Vì vậy, nói “không” với chiến tranh xâm lược Việt Nam chính là thanh xuân của tôi. Cuộc đấu tranh này cũng thực sự củng cố tinh thần của Đảng Cộng sản Nhật Bản, và cũng có thể nói rằng chúng tôi đã phát triển Đảng Cộng sản Nhật Bản thông qua cuộc đấu tranh đó.
Khi tôi đến Thành phố Hồ Chí Minh cũng trực tiếp xem có nhiều trưng bày tại Bảo tàng chứng tích Chiến tranh giới thiệu về cuộc đấu tranh ủng hộ nhân dân Việt Nam tại Nhật Bản, trong đó có Đảng Cộng sản Nhật Bản, thể hiện sự đoàn kết giữa hai Đảng trong chiến tranh Việt Nam.
Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Nhật Bản Kazuo Shii giới thiệu số báo ra ngày 4/8/1964 có bài viết với tiêu đề “Mỹ ngang nhiên tấn công vũ lực miền Bắc Việt Nam”. Ảnh: Xuân Giao (P/v TTXVN tại Nhật Bản)
Chiến thắng lịch sử 30/4/1975 đã để lại nhiều bài học quý giá. Thưa Ngài Chủ tịch, trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, những bài học nào của chiến thắng vĩ đại này cần được nhìn nhận và phát huy?
Tôi nghĩ rằng có nhiều bài học có thể rút ra từ sự việc này, nhưng có một câu nói rằng “Không có gì quý hơn độc lập và tự do”. Cách mạng Việt Nam đã chứng minh rằng dù một quốc gia có hùng mạnh đến đâu, dù sức mạnh quân sự của họ có mạnh đến đâu, cũng không thể làm im tiếng nói của những người mong muốn tự do và độc lập. Vì vậy, tôi nghĩ rằng chiến thắng của Việt Nam đã mang lại hy vọng lớn lao cho toàn thế giới trong lịch sử thế giới. Vì vậy, tôi mong muốn rằng Việt Nam, với sự trân quý nền độc lập tự do, sẽ phát triển trong thế kỷ mới. Đây sẽ là bài học chung cho toàn thế giới. Chúng tôi cũng hết sức ủng hộ Việt Nam đạt những bước phát triển mới đó.
Trân trọng cảm ơn Ngài Chủ tịch.