12:08 11/12/2013

Đắng chát con ngao thương phẩm

Thời hoàng kim (năm 2010 - 2012), nghề nuôi ngao ở Thái Bình được coi là nghề “siêu lợi nhuận”, con ngao được ví là nguồn “vàng trắng” của địa phương. Nuôi ngao được tỉnh xác định là hướng phát triển kinh tế quan trọng, mở hướng đi mới cho nghề nuôi trồng thủy sản của Thái Bình.

Thời hoàng kim (năm 2010 - 2012), nghề nuôi ngao ở Thái Bình được coi là nghề “siêu lợi nhuận”, con ngao được ví là nguồn “vàng trắng” của địa phương. Nuôi ngao được tỉnh xác định là hướng phát triển kinh tế quan trọng, mở hướng đi mới cho nghề nuôi trồng thủy sản của Thái Bình. Thậm chí, Tỉnh ủy Thái Bình đã có hẳn một nghị quyết về chiến lược phát triển nuôi ngao trên địa bàn.


Cũng vào thời điểm đó, Trung Quốc được xác định là thị trường trọng điểm tiêu thụ ngao của tỉnh (chiếm 50% lượng ngao xuất khẩu), chủ yếu qua đường tiểu ngạch. Ấy vậy mà “gió bỗng đổi chiều”. Khoảng từ đầu năm trở lại đây, thị trường này bất ngờ “giở chứng”, gần như ngừng mua ngao thương phẩm của Việt Nam. Do ngao thương phẩm không có thị trường tiêu thụ, nên tư thương đã tìm đủ mọi cách để ép giá, khiến các hộ nuôi ngao lâm vào tình cảnh bế tắc, sản xuất ra mà chẳng biết bán cho ai. “Bỏ thì thương, vương thị tội”, các chủ đầm ngao đành tìm cách bán tháo, vớt vát “được đồng nào hay đồng ấy”. Một số chủ đầm ở huyện Tiền Hải còn thuê phương tiện chở ngao đi tiêu thụ tại các siêu thị, trung tâm thương mại ở Hà Nội và một số tỉnh lân cận... Không những thế, các chủ đầm cũng chẳng thiết tha thu hoạch, khiến hàng nghìn lao động sống bằng nghề này bỗng trở nên thất nghiệp... Chỉ đơn cử ở xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải, thiệt hại do ngao không tiêu thụ được lên tới 160 tỷ đồng. Đó là chưa kể lượng ngao đến mùa thu hoạch, nhưng còn nằm dưới bãi dẫn đến nguy cơ chết hàng loạt, làm ô nhiễm nghiêm trọng môi trường nước và đe dọa đến nguồn lợi nhiều loại thủy sản khác.


Những bài học nhãn tiền từ những cây, con khác phát triển một cách ồ ạt, thiếu quy hoạch, thiếu định hướng lại hiển hiện ra trước mắt người nuôi ngao ở Thái Bình. Nhưng ở đời, chẳng bài học nào giống bài học nào, nhận ra thì sự đã rồi và muốn dứt bỏ nó cũng không đơn giản. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Thái Bình, tính đến cuối tháng 9/2013, đã có 1.752 doanh nghiệp, hộ gia đình vay vốn nuôi ngao với dư nợ lên tới 457,6 tỉ đồng, trong đó, số dư nợ của các hộ nuôi ngao ở huyện Tiền Hải chiếm tới 97,4%. Rất nhiều hộ nuôi ngao lâm vào cảnh trắng tay, gánh một khoản nợ chồng chất từ vốn vay ngân hàng.


Không thể phủ nhận những lợi ích kinh tế mà nghề nuôi ngao mang lại. Tuy nhiên, những thiệt hại mà nhiều hộ nuôi ngao ở Thái Bình đang phải gánh chịu chính là hồi chuông cảnh báo về sự lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc - một thị trường tiềm ẩn đầy rủi ro. Chúng ta đã quá quen với cảnh nhiều hộ nông dân, doanh nghiệp làm ăn với Trung Quốc rơi cảnh lao đao vì giá cả lên xuống thất thường, lúc thì thu gom với lượng lớn, khi thì đột ngột dừng mua... Đã có quá nhiều bài học đau lòng khi buôn bán với đối tác Trung Quốc qua đường tiểu ngạch, với kịch bản chung là thao túng - mua một phần - ngừng mua - mua lại và ép giá. Do vậy, các doanh nghiệp và người nuôi ngao cần phải cảnh giác, tránh ham cái lợi trước mắt, chạy theo nhu cầu ảo, dẫn tới những thiệt hại khó lường.


Còn nhớ cách đây vài năm, nông dân một số tỉnh miền Tây Nam Bộ thấy thương lái Trung Quốc ồ ạt đặt hàng mua tôm nguyên liệu. Do hám lợi mà nhiều hộ đã đơn phương chấm dứt hợp đồng bán tôm nguyên liệu cho các nhà máy chế biến trong nước. Hậu quả, rất nhiều nhà máy chế biến trong nước lâm vào khủng hoảng vì thiếu nguyên liệu chế biến; trong khi đó, nhiều hộ nuôi tôm từ khá giả, bỗng trở nên khuynh gia bại sản, nợ nần chồng chất khi các thương lái Trung Quốc đột ngột dừng mua.


Liệu rằng, sau thảm họa của việc phát triển “nóng” nghề nuôi ngao, lại phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường..., các ngành chức năng của tỉnh Thái Bình rút ra được bài học gì trong việc định hướng phát triển các loại cây, con vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa có tính bền vững. Có lẽ, bài toán về thị trường tiêu thụ “nhiều giỏ”, tránh bị thao túng bởi một thị trường; có chiến lược đầu tư gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ, kết nối doanh nghiệp với người dân trong bao tiêu sản phẩm... sẽ mãi nằm lòng không chỉ với các cấp lãnh đạo, các ngành chức năng của tỉnh Thái Bình.


Y.N