Nhiều diện tích chuối tại Lai Châu chết hàng loạt do sâu bệnh

Khoảng hơn một năm trở lại đây, nhiều diện tích chuối tại một số xã trên địa bàn huyện Phong Thổ xuất hiện một số loại sâu bệnh, khiến cây chết hàng loạt.

Những cây chuối bị sâu bệnh buộc phải phá bỏ.

Nhiều năm qua, chuối đã trở thành loại cây trồng thương phẩm mang lại nhiều giá trị kinh tế cho đồng bào dân tộc thiểu số địa bàn vùng biên giới huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Nhờ nguồn thu từ chuối mà đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng nâng lên, có thêm điều kiện thoát nghèo. Tuy nhiên, việc sâu bệnh hoành hành và đang có xu hướng lan rộng đã làm ảnh hưởng đến năng suất, gây thiệt hại lớn cho người trồng chuối.

Xã biên giới Huổi Luông thuộc huyện Phong Thổ là địa phương có diện tích chuối tương đối lớn với trên 900 ha. Người dân Huổi Luông đang rất hoang mang vì diện tích chuối bị sâu bệnh lây lan rất nhanh. Bà con cũng chưa tìm được cách chữa hữu hiệu nhất để cứu vườn chuối của mình. Theo thống kê của chính quyền xã Huổi Luông thì đã có khoảng 20 - 30% bị bệnh trong tổng số diện tích chuối của xã.

Có diện tích trồng trên 1 ha, thu nhập từ việc trồng chuối đã giúp hộ gia đình anh Lừu A Siu, dân tộc Dao ở bản Pô Tô, xã Huổi Luông đổi đời. Bình quân mỗi năm gia đình bán được khoảng 100 triệu đồng tiền chuối. Với số tiền ấy, anh Siu có điều kiện mua sắm các vật dụng sinh hoạt gia đình, chi tiêu trang trải cuộc sống hàng ngày. Chính nhờ hiệu quả của việc trồng chuối mà gia đình anh Siu có hướng mở rộng thêm diện tích.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, vườn chuối của gia đình anh xuất hiện một số loại sâu bệnh. Gia đình đã tìm nhiều biện pháp phòng trừ nhưng không hiệu quả; thậm chí sâu bệnh còn có xu hướng lan rộng thêm. Trước nguy cơ lây lan, anh Siu buộc phải phá bỏ đi một nửa diện tích chuối đã bị bệnh.

Anh Lừu A Siu, bản Pô Tô, xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ, Lai Châu chia sẻ: "Những cây chuối của gia đình bị con sâu ăn đã dẫn đến cây bị vàng lá, héo gốc và chết. Nhiều cây không kịp ra quả. Tôi rất mong chính quyền xã, huyện có những biện pháp phòng, trừ loại bệnh này cho bà con vì cây chuối đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân".

Anh Chẻo Cù Sếnh, dân tộc Dao ở bản Nhiều Sáng, xã Huổi Luông tâm sự: “Gia đình tôi trồng trên 1,5 ha chuối; trung bình cho thu nhập gần 300 triệu đồng/năm. Hiện tại diện tích chuối của gia đình đang bị nhiễm sâu bệnh dẫn đến cây chuối bị mất nước, chết khô, năng suất giảm ảnh hưởng đến thu nhập. Năm nay năng suất chắc chắn sẽ giảm khoảng 30%; quả chuối bé nên chắc chắn giá mua sẽ giảm vì bị tư thương ép xuống”.

Theo người dân địa phương, diện tích chuối bị bệnh xuất hiện chủ yếu tại những vườn đã trồng từ 3 năm trở lên; diện tích này chiếm khoảng 30% diện tích trồng chuối của toàn xã.

Sâu đục thân phá hoại nhiều diện tích chuối ở Lai Châu.

Ông Tẩn A Sử, Phó Chủ tịch UBND xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu cho biết, do tập quán của một số hộ dân lấy giống chuối tại những vùng bị sâu bệnh về trồng nên đã gây lây lan ra toàn xã. Số chuối bị bệnh đó lây nhiễm ra nhiều vùng xung quanh. Ghi nhận tại Ma Ly Pho, xã giáp ranh với xã Huổi Luông cũng đang xảy ra nhiều loại sâu bệnh tương tự trên cây chuối.

Các loại bệnh xuất hiện chủ yếu là bệnh vàng lá, sâu đục thân, bóng đen quả chuối, sâu cuốn lá, nấm ở đất... Đến thời điểm cuối tháng 3/2017, bà con nhân dân trong xã đã phải chặt bỏ trên 10 héc ta chuối bị nhiễm bệnh nặng, không thể phục hồi nhằm tránh lây sang, ảnh hưởng tới diện tích khác.

Xác định được sâu bệnh hại chuối và đang có xu hướng lây lan cao, chính quyền địa phương đã báo cáo về Phòng Nông nghiệp huyện Phong Thổ để có biện pháp hướng dẫn nhân dân cách phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, cơ quan chuyên môn trên vẫn chưa thể đưa ra được biện pháp phù hợp để giúp người dân phòng, chống dịch bệnh.

Ông Hoàng Ích Điện, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu cho biết, toàn huyện có khoảng trên 3.000 ha chuối. Cây chuối bị sâu bệnh là do già cỗi vì đã được người dân trồng từ 3 đến 5 năm. Chủ trương của huyện là không khuyến khích bà con trồng, mở rộng diện tích vì cây chuối chưa được huyện đưa vào quy hoạch cây trồng của địa phương.

Theo ông Điện, diện tích trồng chuối trên địa bàn huyện hiện nay là lớn, việc cải tạo đất để phòng trừ sâu bệnh là rất khó và tốn nhiều chi phí. Nắm được thông tin, cán bộ khuyến nông của huyện cũng đã tới kiểm tra, đồng thời tuyên truyền để bà con trồng các loại cây thay thế khác như sắn, ngô...

Sâu bệnh hại chuối đang có xu hướng lan rộng.

Hiện tại cây chuối đang mang lại nguồn thu nhập chính của bà con nhân dân trên địa bàn xã Huổi Luông bởi bình quân 1 ha chuối cho thu nhập từ 160 đến 200 triệu đồng/năm; diện tích chuối bị bệnh phải phá bỏ đồng nghĩa với nguồn thu sẽ thấp đi nhiều.

Trong khi chờ đợi cơ quan chuyên môn của huyện tìm được giải pháp khả thi thì xã Huổi Luông đã có hướng chỉ đạo nhân dân sau khi phá bỏ diện tích chuối bị nhiễm bệnh nặng phải cải tạo lại đất; đồng thời trồng các loại cây khác thay thế, để một vài năm sẽ tiếp tục trồng chuối. Với những diện tích chuẩn bị trồng mới, yêu cầu bà con khi mua giống, lấy giống cần kiểm tra nguồn gốc, không đưa những giống chuối bị bệnh vào trồng.

Bài và ảnh: Quang Duy (TTXVN)
Đồng Nai thành lập ban chỉ đạo hỗ trợ tiêu thụ chuối cho nông dân
Đồng Nai thành lập ban chỉ đạo hỗ trợ tiêu thụ chuối cho nông dân

Ngày 4/3, Tỉnh ủy Đồng Nai đã chủ trì cuộc họp với các sở, ngành và địa phương nhằm tìm giải pháp khẩn trương tiêu thụ chuối cho nông dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN