Tranh thủ viện trợ để phát triển vùng dân tộc

Ngày 10/12, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc (UBDT) và Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam (Liên hiệp Hữu nghị) tổ chức “Hội nghị về xúc tiến đầu tư và viện trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi”.

Ông Đỗ Văn Chiến, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT và ông Đôn Tuấn Phong, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hữu nghị đồng chủ trì hội nghị.

Nước hợp vệ sinh đối với đồng bào vẫn là vấn đề cần được quan tâm.

Theo ông Nguyễn Quang Đức, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (UBDT), sau 2 năm triển khai thực hiện Quyết định số 2214/QĐ-TTg, ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số” (Đề án 2214) và “Chương trình quốc gia xúc tiến vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài (PCPNN) giai đoạn 2013-2017” được ban hành theo Quyết định số 40/2013/QĐ-TTg ngày 10/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ; đến nay, các bộ, ngành và địa phương đã thu hút đầu tư, viện trợ không hoàn lại ở vùng DTTS và miền núi được gần 2 tỷ USD. Từ nguồn hỗ trợ trên, Việt Nam đã tập trung đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên các lĩnh vực: Cơ sở hạ tầng; phát triển nông, lâm nghiệp, chăn nuôi; giáo dục và đào tạo; nước sạch và vệ sinh môi trường... Nhờ đó, đã tạo được chuyển biến quan trọng trong nhận thức, trách nhiệm và sự đồng thuận xã hội về công tác dân tộc; kinh tế - xã hội và đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào ngày càng ổn định, phát triển.

Hội nghị cũng đã cung cấp thông tin tới Đại sứ quán, các đối tác phát triển, các tổ chức PCPNN, các doanh nghiệp trong và ngoài nước về tình hình công tác dân tộc, các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số; đồng thời thảo luận, lấy ý kiến các bên về phương hướng và biện pháp đẩy mạnh hợp tác giữa UBDT, Liên hiệp Hữu nghị, các bộ, ngành và các địa phương với các nước, các đối tác phát triển, các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước, nhằm thu hút tối đa các nguồn lực đầu tư, viện trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi cho giai đoạn 2016-2020.

Có đất, nhưng cần hướng dẫn sản xuất đồng bào mới có cơ hội thoát nghèo bền vững.

Tại hội nghị, Đại sứ Ireland Cait Moran cho biết, từ năm 2007 đến nay, Ireland đã hỗ trợ hơn 50 triệu Euro cho chương trình 135. “Chúng tôi tiếp tục tài trợ cho chương trình 135 trong năm 2015. Ireland vẫn giữ cam kết hỗ trợ cho chương trình giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số và muốn duy trì động lực cho mối quan hệ đối tác này trong năm 2016 và những năm sau nữa”, Đại sứ khẳng định.

Cũng tại hội nghị, các đối tác phát triển chính thức, 182 tổ chức PCPNN, các doanh nghiệp trong và ngoài nước, cam kết trong thời gian tới sẽ đầu tư, hỗ trợ hàng nghìn tỷ đồng cho vùng dân tộc và miền núi, cụ thể sẽ triển khai 261 chương trình, dự án nhân đạo và hỗ trợ phát triển tại 24 tỉnh có tỷ lệ người dân tộc thiểu số cao nhất cả nước, với tổng ngân sách trên 209,4 triệu USD. Bên cạnh cam kết từ các đối tác phát triển chính thức, các tổ chức PCPNN, một số doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn trong nước hưởng ứng đầu tư và hỗ trợ thực hiện tốt Chương trình an sinh xã hội cho vùng dân tộc và miền núi.

Ông Đỗ Văn Chiến, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT khẳng định: “Các cơ quan của Việt Nam cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi và phối hợp chặt chẽ với các nhà tài trợ trong việc triển khai dự án tại vùng đồng bào DTTS và miền núi, để những hỗ trợ này đến được với người hưởng lợi, đảm bảo tính hiệu quả và bền vững của chương trình và các dự án.
Bài và ảnh: Trọng Thủy
Tập trung nguồn lực phát triển vùng dân tộc thiểu số
Tập trung nguồn lực phát triển vùng dân tộc thiểu số

Sáng 26/10, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức Đại hội hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh lần thứ 2. Tới dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Hội đồng dân tộc Quốc hội Ksor Phước...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN