Nghịch lý thoát nghèo ở Yên Bái

Có một nghịch lý đang diễn ra ở một số địa phương của tỉnh Yên Bái là nhiều hộ dân không muốn thoát nghèo, để tiếp tục được hưởng sự hỗ trợ của Nhà nước.


Sợ thoát nghèo


Những năm qua, Nhà nước đã đầu tư các dự án, chương trình phát triển kinh tế, với mục tiêu giúp đỡ người dân ở các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, thoát nghèo. Hàng ngàn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã được hưởng lợi từ các chương trình, dự án này. Nhiều hộ dân đã vươn lên thoát nghèo bền vững. Nhưng cũng còn những gia đình muốn "cố thủ" với diện nghèo của mình, để tiếp tục được hưởng sự hỗ trợ của Nhà nước...

 

Nhà nước đã có nhiều hỗ trợ cho hộ nghèo. Ảnh: Thanh Hà - TTXVN

 

Gia đình bà Nông Thị Hội, thôn Trung Sơn, xã Mông Sơn, huyện Yên Bình (Yên Bái) đã nhiều năm thuộc diện hộ nghèo và được hưởng sự hỗ trợ của các chương trình, dự án của Nhà nước, trong đó có chương trình vay tiền hỗ trợ mua bò sinh sản để thoát nghèo. Cuối năm 2012 vừa qua, trong đợt họp thôn để xét các hộ nghèo mới phát sinh và đưa các hộ nghèo vào diện đã thoát nghèo, hộ bà Hội lại không còn có tên trong danh sách hộ nghèo năm 2013 của xã. Lẽ ra phải vui mừng vì điều này, nhưng gia đình bà Hội lại tỏ ra bức xúc và cho rằng cách mà trưởng thôn làm như vậy là không công bằng và thiệt thòi cho mình. Bà Hội nói: "Khi tôi phản ánh với ông trưởng thôn là trong thôn còn rất nhiều hộ khác khá giả nhưng vẫn thuộc diện hộ nghèo, thì ông trưởng thôn nói rằng gia đình tôi có bò rồi thì bây giờ không được hỗ trợ gạo nữa. Đáng lẽ, trưởng thôn phải phân tích cho chúng tôi hiểu chứ chỉ nói như vậy thôi thì tôi cũng không hiểu tại sao gia đình tôi không thuộc diện nghèo nữa".


Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, gia đình bà Nông Thị Hội không thuộc diện hộ nghèo của thôn nữa vì điều kiện kinh tế hiện nay của con trai bà Hội đã khá, mặt khác gia đình bà Hội cũng đã được hỗ trợ để mua bò, nên năm nay thôn dành để ưu tiên các hộ khác có hoàn cảnh khó khăn hơn. Ngoài ra, theo trưởng thôn Trung Sơn, mặc dù đang ở một mình trong căn nhà tranh vách đất tạm bợ, nhưng bà Hội vẫn chưa tách khẩu với người con trai nên bà đã không được xét theo quy định. Thôn làm như vậy là đúng theo quy trình bình xét hộ nghèo. Còn theo ông Lương Xuân Bích, trưởng thôn Trung Sơn, xã Mông Sơn: Việc bình xét hộ nghèo là cả một quá trình của tập thể trong thôn, được thực hiện theo đúng qui định, đảm bảo đủ tiêu chí và không bỏ sót một trường hợp nào.


Không riêng gì trường hợp bà Hội, gia đình chị Đàm Thị Hoàng (cũng ở thôn Trung Sơn), là hộ nhiều năm liền thuộc diện hộ nghèo và được hỗ trợ để làm nhà 167, thế nhưng nhà chưa làm thì gia đình chị đã bị đưa ra khỏi diện hộ nghèo của xã, vì xét theo tiêu chí thì gia đình chị Hoàng năm nay không còn là hộ nghèo nữa. Việc được đưa ra khỏi diện hộ nghèo của xã đã khiến chị Hoàng không đồng tình và muốn được ở trong diện hộ nghèo, bởi gia đình vẫn rất khó khăn, chị phải nuôi 3 con nhỏ, trong khi chồng thì ốm đau thường xuyên.


Cần tuyên truyền cho dân hiểu

 

Sở dĩ có tình trạng nhiều hộ dân ở đây không muốn thoát nghèo là do tâm lý trông chờ ỷ lại vào Nhà nước, bởi theo họ "làm quần quật cả năm cũng không bằng nhận hỗ trợ”. Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND xã Mông Sơn, ông Nguyễn Văn Đông, cho biết: Hiện nay các hộ thuộc diện hộ nghèo được hưởng khoảng 30 chính sách khác nhau của Nhà nước, nhưng hộ cận nghèo thì chỉ còn vài chính sách hỗ trợ. Vì vậy, tâm lý muốn nghèo và tái nghèo của bà con là điều không tránh khỏi. Bên cạnh đó, cũng phải thấy rằng mặc dù công tác bình xét hộ nghèo được làm chặt chẽ từ cơ sở, nhưng công tác vận động, tuyên truyền của đội ngũ trưởng thôn nơi đây lại chưa thấu đáo và kịp thời tới các hộ nghèo để bà con hiểu, nên dễ nảy sinh mâu thuẫn và kiện cáo trong dân.


Việc xây nhà, trợ cấp gạo và bảo đảm quyền lợi của người nghèo thông qua những chính sách an sinh xã hội là chủ trương đúng của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, đây chỉ là những giải pháp tình thế. Bởi lẽ, sự giúp đỡ kiểu cho "con cá" chỉ giúp họ khắc phục khó khăn trước mắt, chứ không thể cho họ cơ hội thoát nghèo. Sự việc mà chúng tôi đề cập ở thôn Trung Sơn, xã Mông Sơn, huyện Yên Bình, không phải là tình trạng cá biệt, mà đang tồn tại ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Do vậy, hơn lúc nào hết chính quyền các cấp cần phải tuyên truyền, giải thích rõ để người dân hiểu, tránh tình trạng trông chờ, ỷ lại vào sự trợ cấp của nhà nước, khiến hiệu quả những chương trình hỗ trợ không được như mong muốn.

 

Là một xã thuần nông, diện tích ruộng đất canh tác ít, nên đời sống của người dân thôn Trung Sơn nói riêng và xã Mông Sơn nói chung còn gặp nhiều khó khăn. Hiện thu nhập bình quân của người dân ở đây mới chỉ được 14,6 triệu đồng/người/năm, nên trong năm 2013 toàn thôn vẫn còn 23 hộ nghèo trong tổng số 163 hộ nghèo của xã theo tiêu chí mới.

 

Tuấn Anh

Cây trúc sào xóa đói giảm nghèo
Cây trúc sào xóa đói giảm nghèo

Với điều kiện đất đai, khí hậu phù hợp, từ năm 2002, tỉnh Cao Bằng đã triển khai trồng cây trúc sào để tăng thêm thu nhập, tháo gỡ khó khăn cho nông dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN