Góp tiền bắc nước ở bản Ngùa

"Từ ngày có công trình nước sạch (năm 2007), dân bản không còn phải đi lấy nước ở suối xa, dịch bệnh giảm hẳn, nhất là bệnh đau mắt, chất lượng cuộc sống được nâng lên và... phụ nữ cũng đẹp lên", anh Lò Văn Hùng, dân tộc Thái, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn ở bản Ngùa (xã Chiềng Pằn, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La) đã đúc kết như vậy.

5 cuộc họp

Bản Ngùa có hơn 100 hộ đồng bào dân tộc Thái nằm ở ven quốc lộ 6. Trước kia, muốn có nước sạch bà con phải đi lên núi Đán Ngua, xa hơn 2 km, rất vất vả. Bà con mong muốn có một công trình nước sạch từ lâu, nhưng ngân sách nhà nước có hạn, nên cấp ủy, chính quyền địa phương đã chủ trương huy động đóng góp từ nhân dân. Nhưng khoản tiền vài triệu đồng phân bổ cho mỗi hộ đóng góp cũng không phải nhỏ so với thu nhập của đồng bào. Anh Lò Văn Hùng cho biết, lần đầu tiên họp dân, chỉ mới có 50 hộ đồng ý, nhiều hộ còn lo lắng là nếu đóng góp xây công trình chung thì hết tiền xây công trình của nhà mình.

Chị Mè Thị Vui (dân tộc Thái) ở bản Ngùa, đã được sử dụng nước sạch từ 4 năm nay.


Trước sự băn khoăn của bà con, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Yên Châu đã tổ chức cho vay theo chương trình nước sạch vệ sinh môi trường. Theo đó, các hộ dân sẽ được vay vốn ưu đãi để đóng góp xây dựng công trình. Đợt 2, các hộ tiếp tục được vay để xây bể nước, công trình vệ sinh của từng gia đình. Vì vậy, đến cuộc họp lần hai, đã có 70 hộ đồng ý. Được cán bộ vận động, cuộc họp lần ba số hộ đồng ý tăng lên 90 hộ. Ở cuộc họp lần thứ tư, đã có gần 100 hộ. Tuy vậy, để có sự đồng tâm nhất trí cao, cuộc họp lần thứ năm được tổ chức và lần này thì dân bản đã ra nghị quyết xây dựng công trình.

300 đồng/m3 nước sạch

Chẳng bao lâu sau, công trình nước sạch của bản Ngùa đã hoàn thành với tổng kinh phí 300 triệu đồng. Anh Hoàng Văn Trung, Trưởng Ban quản lý nước do dân bản bầu lên cho biết: Công trình gồm bể lọc, bể chứa khối lượng 67 m3 và tổng đường ống là 7,7 km.

Sau khi các hộ được vay vốn từ 4 - 8 triệu đồng/hộ xây bể, nhà tắm, nhà vệ sinh thì Ban quản lý tiến hành lắp đặt đồng hồ để thu tiền lấy kinh phí cho công tác quản lý, bảo dưỡng. Chính vì công trình của dân, do dân quản lý nên giá tiền nước “đặc biệt hữu nghị” là 300 đồng/m3.

Khó có thể tả hết niềm vui của dân khi nước sạch về bản. Anh Lò Văn Hoàn, một hộ được vay 8 triệu đồng để đóng góp và xây dựng công trình vệ sinh, cho biết: “Có nước sạch cuộc sống tiến bộ hẳn, có sức khỏe để phát triển kinh tế gia đình”. Hiện tại, nhà anh Hoàn trồng 1 ha ngô, nuôi 4 con bò, 1 con trâu và 6 con lợn. Kinh tế gia đình ổn định và anh đã trả hết tiền vay cho nhà nước.

Trong khi ở một số công trình nước sạch trị giá hàng tỷ đồng còn đang bị tình trạng xuống cấp bởi tâm lý “cha chung không ai khóc”, thì công trình nước sạch ở bản Ngùa do dân đóng góp xây dựng, với sự hỗ trợ từ nguồn vốn ưu đãi của nhà nước, sau đó dân quản lý, vận hành, đã phát huy hiệu quả cao.

Bài và ảnh: Ngọc Tú

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN