Đồng bào Khmer vui đón Tết Chôl Chnăm Thmây

Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây là một trong ba lễ chính của tộc người Khmer Nam bộ (Chôl Chnăm Thmây, Sêne Đolta và Ok-om-bok), được tổ chức định kỳ hàng năm. Đón Tết năm nay (diễn ra trong 3 ngày 14, 15 và 16/4), hơn 300.000 đồng bào người Khmer đang sinh sống ở tỉnh Trà Vinh có thêm nhiều niềm vui mới, bởi đời sống vật chất, tinh thần được nâng lên. Riêng đối với các hộ Khmer nghèo được Nhà nước hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, đào tạo nghề, được kéo điện lưới vào nhà… niềm vui càng được nhân lên gấp bội.


 

Đông đảo người dân đến chùa để cầu an lành trong ngày Tết. Ảnh: Trung Hiếu - TTXVN

 

Có dịp trở lại xã Phú Cần (huyện Tiểu Cần, Trà Vinh), địa phương có hơn 62% dân số là đồng bào Khmer, được chọn là một trong 17 xã điểm xây dựng nông thôn mới (XDNTM) của tỉnh, chúng tôi thật sự ngỡ ngàng bởi diện mạo nông thôn nơi đây không ngừng thay da, đổi thịt. Hàng loạt các công trình phúc lợi như đường, điện, trường, trạm y tế, hệ thống thủy lợi… được đầu tư xây dựng. Kinh tế - xã hội phát triển, đời sống vật chất, tinh thần người dân nơi đây được nâng lên rõ nét. Từ một xã vùng sâu lạc hậu, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, nay Phú Cần đã đạt 15/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới và đang phấn đấu hoàn thành 4 tiêu chí còn lại vào cuối năm 2013.


Ông Thạch Sa Mol, Bí thư Chi bộ ấp Cầu Tre (xã Phú Cần, Trà Vinh) cho biết: Ấp Cầu Tre có 473 hộ dân, với 3.326 nhân khẩu; trong đó, 98% là đồng bào dân tộc Khmer. Trước đây, khu vực này thuộc diện khó khăn do đất triền giồng, gò cao, sản xuất chủ yếu dựa vào nguồn nước trời, nên hàng năm chỉ sản xuất được 1 vụ lúa mùa vào mùa mưa, năng suất bấp bênh, đời sống người dân trong vùng phần lớn gặp khó khăn… Kể từ khi ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh đầu tư 8 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình 135 của Chính phủ xây dựng hệ thống kênh bê tông nổi và hoàn thành đưa vào sử dụng vào đầu năm 2007, các nhà khoa học, doanh nghiệp, quản lý chọn khu vực này xây dựng mô hình "Cùng nông dân ra đồng" để sản xuất lúa chất lượng cao. Từ đó đến nay, qua các vụ lúa, năng suất cứ tăng dần, hiện đạt 7 - 8 tấn/ha/vụ, có hộ tới 9 - 10 tấn/ha/vụ; tính bình quân nông dân thu lời 40 - 50 triệu đồng/ha/năm từ trồng lúa. Cái nghèo, cái đói đã lùi xa, toàn ấp chỉ còn 44 hộ nghèo (chiếm 8%); hầu hết các gia đình đều có xe gắn máy…


* Tại Bạc Liêu, đồng bào Khrmer cũng đang nô nức chuẩn bị đón Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây, trong điều kiện đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được nâng cao. Chiếm 8% dân số của tỉnh, hàng ngàn hộ đồng bào dân tộc Khmer ở đây được hưởng lợi từ Chương trình 134, 135. Đã có 2.691 hộ đã được cấp đất sản xuất định canh định cư ổn định cuộc sống, 7.899 hộ thoát nghèo. Với sự đầu tư của Nhà nước trên 10 tỷ đồng, 98% số hộ đồng bào dân tộc đã được gắn điện kế từ chương trình đưa điện về vùng đồng bào dân tộc của tỉnh. Đặc biệt hộ gia đình chính sách là đồng bào dân tộc hiện có mức sống ngang bằng với dân cư địa phương.


 

Đua ghe ngo không thể thiếu trong những ngày Tết của đồng bào Khmer. Ảnh: Trọng thủy

Đời sống đồng bào dân tộc Khmer ở huyện Hồng Dân (tỉnh Bạc Liêu) ngày một nâng cao nhờ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số vay phát triển sản xuất. Đến nay đã có 4.537 hộ thoát nghèo, 997 hộ được làm nhà theo Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ. Các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện đời sống được huyện Hồng Dân thực hiện đúng đối tượng, bình xét công khai từ cơ sở. Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số nhờ vào vốn NHCSXH đã thoát nghèo như ông Sơn Ngọc Xuân ở xã Vĩnh Trạch (thành phố Bạc Liêu) nhờ 10 triệu đồng vốn vay đã cải tạo lại 5.000 m2 vườn tạp thành ao nuôi tôm, cho hiệu quả cao. Hay trường hợp bà Đặng Thị Chuộn ở ấp Ninh Thuận, xã Ninh Quới, chỉ với số tiền vay 5 triệu đồng từ NHCSXH đã tổ chức chăn nuôi lợn, gia cầm, thu nhập hàng chục triệu đồng/năm. Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hồng Dân đang đầu tư thêm vốn vay cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số với số dư nợ hàng chục tỷ đồng. Từ các chính sách ưu đãi, đồng bào dân tộc đã tiếp cận được nguồn vốn đầu tư cho sản xuất, tháo gỡ khó khăn, từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc giảm 2% trong năm 2012.


Từ sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, đồng bào Khmer ở Nam bộ luôn phát huy tinh thần đoàn kết, gắn bó mật thiết giữa đạo và đời, tích cực lao động sản xuất, hoạt động xã hội, chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.


Huy Hoàng - Cao Thăng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN