Chương trình 135 góp phần cải thiện đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

Trong những năm qua, Ủy ban dân tộc (UBDT) đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều chính sách phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề bức xúc, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Nhờ có Chương trình135 mà đồng bào dân tộc bản Giàng A, xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn (Yên Bái) đã được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.


Ông Giàng Seo Phử, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT cho biết: Với đường lối đúng đắn của Đảng, chính sách của Nhà nước, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành ở Trung ương, các cấp ở địa phương, cùng với sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của đồng bào các dân tộc, kết quả của việc thực hiện các chính sách đã làm đổi thay hẳn diện mạo bộ mặt nông thôn vùng dân tộc và miền núi. Trong đó, Chương trình 135 (CT135) giai đoạn 2 đầu tư cho phát triển vùng dân tộc và miền núi đã góp phần xóa đói giảm nghèo cho các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn (ĐBKK). “Đây là chương trình hợp lòng dân nhất, được đồng bào các dân tộc và cấp ủy, chính quyền các địa phương ủng hộ, các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Là chương trình công khai, minh bạch, người dân được tham gia xây dựng kế hoạch từ cơ sở lên, được đánh giá có hiệu quả về kinh tế - xã hội cao nhất, thất thoát ít nhất”, ông Giàng Seo Phử khẳng định.

Sau 12 năm thực hiện (1999 - 2010), chương trình đã góp phần từng bước thay đổi diện mạo nông thôn miền núi, nhất là cơ sở hạ tầng thiết yếu, phát triển sản xuất, hộ nghèo giảm nhanh, đời sống của nhân dân từng bước được cải thiện. Theo báo cáo của UBDT, CT135 giai đoạn 2 (2006 - 2010), được thực hiện tại 1.848 xã ĐBKK và 3.274 thôn, bản ĐBKK ở các xã khu vực II, thuộc 356 huyện của 50 tỉnh. Ngân sách Trung ương đã đầu tư gần 15.000 tỷ đồng, trong đó các tổ chức quốc tế hỗ trợ 350 triệu đô la. Từ nguồn vốn trên, chương trình đã xây dựng được gần 13.000 công trình hạ tầng thiết yếu như điện, đường, trường, trạm; hỗ trợ phát triển sản xuất cho 2,2 triệu hộ; đào tạo tập huấn nâng cao năng lực cho trên 460.000 cán bộ xã, thôn bản và người nông dân, hỗ trợ kinh phí cho gần 930.000 lượt học sinh con hộ nghèo... giảm tỷ lệ nghèo các xã, thôn bản ĐBKK từ 475 năm 2006 xuống còn 28,8% năm 2010. Thu nhập bình quân đầu người trên 4,2 triệu đồng/người/năm.

Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS nghèo đời sống khó khăn theo Quyết định 134/2004/QĐ - TTg; chính sách định canh, định cư cho đồng bào DTTS theo Quyết định 33/2007/QĐ - TTg; chương trình trung tâm cụm xã; chính sách cho hộ DTTS ĐBKK vay vốn phát triển sản xuất theo Quyết định 32/2007/QĐ - TTg... đã góp phần giúp đồng bào DTTS, miền núi khắc phục khó khăn, vươn lên xóa đói giảm nghèo. Thông qua các chương trình, dự án trên, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc được nâng cao từng bước, tỷ lệ giảm nghèo nhanh (nhất là các xã ĐBKK giảm tỷ lệ nghèo từ trên 47% năm 2006 xuống còn 28,8% năm 2010 theo tiêu chí cũ). Sự nghiệp giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa vùng đồng bào dân tộc, miền núi từng bước được cải thiện. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thay đổi rõ rệt.

Có được kết quả trên là do UBDT đã chỉ đạo sát sao các vụ, đơn vị thuộc Ủy ban và cơ quan công tác dân tộc địa phương thường xuyên bám sát cơ sở, nắm chắc tình hình kinh tế, đời sống xã hội, những khó khăn bức xúc, tâm tư nguyện vọng của đồng bào, những vấn đề nổi cộm trong vùng đồng bào dân tộc, miền núi.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ công tác dân tộc giai đoạn 2011 - 2016, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Giàng Seo Phử nhấn mạnh: Các cấp, các ngành và địa phương cần tập trung tổ chức thực hiện tốt các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về lĩnh vực công tác dân tộc, chính sách đối với vùng dân tộc và miền núi. Trong đó trọng tâm là rà soát bổ sung, điều chỉnh xây dựng mới 29 chương trình, dự án, chính sách cho vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2011 - 2016 trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện. Xây dựng chiến lược công tác dân tộc 2011 - 2020, sớm trình Chính phủ thành lập Học viện Dân tộc. Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống cơ quan công tác dân tộc từ trung ương đến cơ sở. Xây dựng chính sách đặc thù cho cán bộ, công chức, viên chức làm công tác dân tộc trong hệ thống cơ quan nhà nước về lĩnh vực dân tộc. Xây dựng bộ dữ liệu về các dân tộc thiểu số Việt Nam; bản danh mục thành phần các dân tộc Việt Nam...

Bài và ảnh: Nguyễn Viết Tôn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN