Chống hạn cho miền Trung - Tây Nguyên

Khô hạn đang diễn ra trên diện rộng ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên khiến các hồ thủy điện cũng gách vác trọng trách nặng nề giữa bài toán phát điện và cấp nước. Từ đầu năm đến nay, các nhà máy thủy điện (NMTĐ) và nhiều địa phương trong khu vực đã chủ động triển khai các phương án chống hạn hiệu quả với mục tiêu cao nhất là ưu tiên cho nước sinh hoạt và sản xuất của người dân vùng hạ du.

 

Tìm giải pháp


Vụ đông xuân trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng trùng vào thời kỳ mùa khô. Với đặc điểm khí hậu lượng mưa trong mùa này chiếm phần nhỏ so với tổng lượng mưa cả năm, trên địa bàn các tỉnh trong khu vực đã xảy ra thiếu nước phục vụ sản xuất cũng như nước sinh hoạt ở một số vùng.


 

Người dân xã A Xing, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) phải sử dụng nguồn nước bẩn ở các khe, suối. Ảnh: Hồ Cầu - TTXVN

Theo báo cáo của các huyện, thị xã và thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), tính đến ngày 26/3, đã có trên 33.600 ha cây trồng vụ đông xuân 2012-2013 bị hạn và 2.687 ha bị mất trắng. Nhiều địa phương còn xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt.


Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk Trang Quang Thành, cho biết, trước thực tế này, nhiều địa phương đã rà soát diện tích cây trồng cần tưới và cân đối nguồn nước hiện có để bố trí ưu tiên nguồn nước. Quan điểm là ưu tiên nước sinh hoạt cho người dân, nước phục vụ chăn nuôi và tưới cho cây công nghiệp dài ngày như cà phê, hồ tiêu, sau đó mới tưới lúa và hoa màu khác. Tùy theo từng khu vực cụ thể để thực hiện các giải pháp thiết thực và hiệu quả nhất trong công tác chống hạn. Đơn cử khi hồ chứa cạn khô thì đào ao, giếng trong lòng hồ để tận dụng nước ngầm bơm tưới cứu cây cà phê. Khi cân đối không đủ nước thì có phương án tưới cầm chừng giữ cho toàn bộ diện tích cà phê không bị chết để chăm sóc khôi phục vụ sau.


Chính quyền các địa phương cũng nghiêm cấm việc khoan đào giếng quá sâu gây mất nước trong vùng ở thời điểm này; đồng thời khuyến cáo nhân dân áp dụng giải pháp khoan ngang để gom nước chống hạn. Do nguồn nước mặt hạn chế, một số địa phương cũng khai thác nước ngầm tưới cho lúa bằng các biện pháp tưới tiết kiệm rất hiệu quả. Ở xã Bình Hòa và ĐurKmăl (huyện Krông Ana, Đắk Lắk), nhiều hộ dân đã khoan giếng trên ruộng, sử dụng giải pháp tập trung nước ngầm để bơm tưới, nhờ đó đã cứu được khoảng 300 ha lúa đang thời kỳ làm đòng.

 

Ưu tiên chống hạn


Do dòng chảy trên các sông liên tục thiếu hụt, trong khi dung tích trữ của các hồ chứa nước ở các tỉnh trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên không lớn, thậm chí nhiều hồ chứa chưa đảm bảo an toàn, không được tích nước nên tình hình khô hạn, thiếu nước trong những tháng tới được dự báo sẽ gay gắt hơn, rộng hơn. UBND các tỉnh, thành phố thuộc khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã chỉ đạo chính quyền cơ sở, các cơ quan chức năng của địa phương và nhân dân tổ chức sản xuất theo đúng lịch thời vụ và kế hoạch xả nước của các hồ thủy điện, thủy lợi, đảm bảo gieo cấy tập trung, đại trà nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nước và tránh thất thoát tài nguyên nước.


Mới đây, đoàn công tác của Tổng cục Thủy lợi, Viện Quy hoạch thủy lợi, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (EVN), UBND các tỉnh và các công ty phát điện trong khu vực miền Trung và Tây Nguyên, sau khi khảo sát tình hình thủy văn, thực trạng nhu cầu từng lưu vực sông, đã thống nhất với các địa phương chủ trương điều tiết nước từ các hồ thủy điện.


Mục tiêu lớn nhất là xả nước tập trung, tránh kéo dài gây lãng phí nguồn nước, điều tiết hài hòa các lợi ích giữa cung cấp nước sinh hoạt, nước sản xuất và phát điện trên tinh thần tiết kiệm theo đúng chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại Thông báo số 124/TB-VPCP ngày 25/3/2013. Lịch xả nước được căn cứ vào thực trạng nước tại các hồ thủy điện, nhu cầu của từng khu vực hạ du để xác định thời gian và lưu lượng nước xả cụ thể.


Việc còn lại là các địa phương cần thực hiện triệt để các biện pháp tưới tiết kiệm nước, hướng dẫn bà con tập trung xuống đồng gieo cấy trong những ngày các hồ thủy điện xả nước. Đồng thời tổ chức nạo vét các kênh rạch, ao hồ trữ nước, khơi sâu giếng đào, khoan thêm nước, quản lý chặt chẽ nguồn nước... để đảm bảo nước tưới lâu dài cho vụ hè thu.


Trong điều kiện môi trường và thiên tai ngày càng biến đổi, sự phối hợp chặt chẽ và có trách nhiệm giữa ngành điện với địa phương chính là lời giải cho bài toán phát điện và cấp nước mỗi khi xảy ra khô hạn. Nhưng trên hết, sử dụng nguồn nước tiết kiệm và hợp lý vẫn là giải pháp tối ưu nhất cho bài toán này trong thời gian tới.


Mai Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN