Bình Thuận hỗ trợ đồng bào thiểu số phát triển sản xuất

Những năm qua, tỉnh Bình Thuận đã đẩy mạnh triển khai thực hiện các chính sách về xây dựng và phát triển toàn diện dân sinh, kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Đặc biệt, các giải pháp tỉnh đưa ra như đầu tư ứng trước giống, vật tư và các mặt hàng thiết yếu hỗ trợ phát triển sản xuất và phục vụ đời sống của đồng bào DTTS ở miền núi, vùng cao, đã đem lại hiệu quả cao, góp phần làm thay đổi diện mạo đời sống của đồng bào nơi đây.


 

Vườn cao su của đồng bào DTTS xã Đông Giang (Hàm Thuận Bắc).

 

Cùng với việc thực hiện Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy Bình Thuận về giao đất, giao rừng, cho vay vốn phát triển chăn nuôi… đối với đồng bào DTTS, miền núi vùng cao; từ năm 2010 đến nay, Trung tâm dịch vụ miền núi tỉnh đã phối hợp với các huyện, xã, sở, ngành liên quan mở nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật và tổ chức hợp đồng đầu tư, cung ứng trước giống, vật tư cho đồng bào DTTS sản xuất; đồng thời đảm bảo thu mua lại toàn bộ sản phẩm, bảo đảm giá và ổn định đầu ra cho các hộ sản xuất.


Tỉnh đã ứng trước giống bắp lai, lúa giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... cùng một số mặt hàng công nghệ phục vụ đời sống trong thời điểm mùa vụ, với tổng số tiền gần 38,5 tỷ đồng cho bà con. Đến nay, toàn tỉnh đã có gần 5.300 lượt hộ đồng bào DTTS nhận đầu tư ứng trước để trồng hơn 8.600 ha bắp lai và lúa nước.


Theo tổng kết của chương trình, sau khi thanh toán nợ cho Trung tâm, các hộ sản xuất theo phương thức đầu tư ứng trước còn lãi gần 50 tỷ đồng. Bình quân mỗi hộ lãi từ 9-10 triệu đồng/hộ/vụ, cá biệt có hộ thu nhập hơn 40 triệu đồng/vụ từ trồng bắp lai. Riêng trong năm 2012, đã có gần 2.000 hộ hợp đồng sản xuất hơn 3.500 ha bắp lai và lúa nước. So với năm 2011, số hộ nhận đầu tư, diện tích gieo trồng và bình quân thu nhập tăng 10% (khoảng 11,4 triệu đồng/hộ/vụ). Ngoài bắp lai và lúa nước, năm 2012 có 164 hộ đồng bào DTTS ở huyện Hàm Thuận Bắc và Tánh Linh, đã hợp đồng đầu tư trồng mới thêm 140 ha cao su - loại cây trồng đang mở ra triển vọng làm giàu cho đồng bào DTTS ở đây.


Chính sách đầu tư ứng trước đã góp phần giúp đồng bào DTTS ở Bình Thuận chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng thêm giá trị thu nhập trên mỗi đơn vị diện tích, hạn chế tình trạng tư thương cho vay nặng lãi, ép giá, tạo được môi trường cạnh tranh lành mạnh, từng bước hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung cho giá trị kinh tế cao… Tuy nhiên, theo ông Tạ Hữu Phúc, Giám đốc Trung dịch miền núi tỉnh Bình Thuận: Nguồn vốn ứng trước còn có hạn chế. Nguồn ngân sách tỉnh cấp cho Trung tâm là 17 tỷ đồng chỉ mới đáp ứng đủ nhu cầu đầu tư cho khoảng 3.000/7.000 ha sản xuất hàng năm, nên vẫn còn nhiều xã, thôn xen ghép đồng bào DTTS chưa được triển khai thực hiện phương thức này.


Để chính sách đầu tư ứng trước phục vụ sản xuất có hiệu quả hơn, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, xóa đói giảm nghèo vùng đồng bào DTTS bền vững, các ngành chức năng, các địa phương có đồng bào DTTS sinh sống ở Bình Thuận, cần phối hợp đồng bộ, đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào DTTS. Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động cho vay nặng lãi, mua bán ép cấp, ép giá của tư thương ở các địa bàn đồng bào được hưởng thụ chính sách; tăng cường bổ sung nguồn vốn và vận động bà con tham gia chính sách đầu tư ứng trước để sản xuất có hiệu quả.

 

Bài và ảnh: Tấn Hùng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN