Bảo tồn di sản văn hóa các dân tộc thiểu số ở Lục Ngạn

Những năm gần đây, các di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc thiểu số đã được huyện vùng cao Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang quan tâm bảo tồn, phát huy và đạt những kết quả tích cực, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào.

Chúng tôi gặp các thành viên Câu lạc bộ hát dân ca dân tộc Nùng của hai thôn Dọc Đình và Quán Cà, xã Biên Sơn ( huyện Lục Ngạn ) tại nhà ông Mai Văn Đậu, 52 tuổi, ở thôn Dọc Đình, Chủ nhiệm Câu lạc bộ. Gần 20 người mặc quần áo xanh của dân tộc Nùng, tuy không còn trẻ nhưng nét mặt rạng rỡ, nói cười vui vẻ rồi từng nhóm tỏa ra vườn vải trước nhà say sưa cùng nhau hát những bài dân ca Nùng bằng lối hát đối.

Ảnh: Internet


Ông Đậu cho biết: Hai thôn này có hơn 200 hộ, đều là người dân tộc Nùng. Ở đây, những người tầm tuổi ông thường biết hát dân ca của dân tộc mình và nhiều người mê hát dân ca. Dân ca của dân tộc Nùng có 3 làn điệu là hát shi, hát lượn và hát cồ lẩu. Hát shi thường là thanh niên trai gái hát giao duyên hay hát ca ngợi quê hương, đất nước; hát lượn khi trai gái tìm hiểu nhau và thường là hát đối cả đêm; còn hát cồ lẩu mỗi khi có đám cưới ( phù dâu hát với bạn của chú rể và phù rể hát với bạn của cô dâu ).

Theo ông Đậu, dân ca dân tộc Nùng đã có từ lâu đời. Trai gái lớn lên thường hát giao duyên, qua câu hát mà họ quen nhau, yêu nhau, thậm chí thành vợ chồng và đây là nét đẹp văn hoá truyền thống thể hiện tình cảm của con người với nhau. Trước đây, dân ca dân tộc Nùng thường được hát nhiều vào các dịp chợ truyền thống của các địa phương trong vùng.

Sau một thời gian mai một, từ năm 2005, Hội hát dân ca dân tộc Nùng ở đây được thành lập, chủ yếu hát trong các dịp mừng nhà mới, đám cưới, sinh nhật của bà con trong thôn bản. Sau đó, các thành viên của Hội còn tham gia hát với các bạn hát ở nhiều địa phương khác trong và ngoài huyện, ngoài tỉnh. Được sự hỗ trợ của huyện và xã, từ tháng 9/2010, những người biết hát và say mê hát nhất dân ca dân tộc Nùng của hai thôn nói trên đã tập hợp nhau thành lập Câu lạc bộ hát dân ca và hiện có 32 thành viên.

Nhiều lối hát truyền thống đang dần được khôi phục. Bà Linh Thị Tên, 53 tuổi, thành viên Câu lạc bộ cho biết đã theo cha mẹ học hát dân ca dân tộc mình từ năm 14-15 tuổi và những làn điệu dân ca đã ngấm sâu trong lòng, thành niềm đam mê. Điều bà băn khoăn là mặc dù được dạy tiếng nói của dân tộc mình từ nhỏ, nhưng nay những người trẻ lại chưa thiết tha học hát dân ca của dân tộc mình.

Câu lạc bộ hát dân ca dân tộc Nùng nói trên chỉ là một trong 14 câu lạc bộ hát dân ca các dân tộc Nùng, Tày, Sán Dìu và Sán Chí ở 14 xã của huyện Lục Ngạn và là một trong những nội dung nổi bật của chủ trương bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số trong huyện.

Theo ông Lê Xuân Thắng, Trưởng phòng Văn hoá và Thông tin huyện Lục Ngạn, huyện tập trung bảo tồn dân ca, dân vũ, trang phục, chữ viết và các phong tục truyền thống ( lễ hội, lễ cưới hỏi ) của các dân tộc thiếu số để góp phần phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc các dân tộc. Các địa phương trong huyện đã dựa vào những người cao tuổi, có kinh nghiệm nhiều năm hát dân ca, hiểu sâu các phong tục truyền thống của dân tộc mình để truyền dạy lại cho con cháu.

Huyện chỉ đạo các xã tổ chức giao lưu văn hóa giữa các câu lạc bộ thôn xã, rồi lựa chọn tham dự Ngày hội văn hoá thể thao ( VHTT ) các dân tộc hằng năm của huyện ( 18/2 âm lịch ) và giúp các Câu lạc bộ giao lưu với các tỉnh để họ thêm hiểu biết, tự hào về nét đẹp văn hóa của dân tộc mình mà có ý thức giữ gìn, phát huy.

Đến nay, các Câu lạc bộ nói trên đã duy trì sinh hoạt và tổ chức giao lưu hát dân ca với nhau và với các tỉnh như Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Thái Nguyên. Ngoài tham dự Ngày hội VHTT hằng năm của huyện được duy trì từ hơn chục năm nay, các xã có các Câu lạc bộ hát dân ca cũng tổ chức hội hát dân ca dân tộc thiểu số vào dịp đầu Xuân.

Lễ cưới hỏi theo phong tục truyền thống của các dân tộc được khôi phục dần: của dân tộc Sán Dìu ở xã Giáp Sơn, của dân tộc Sán Chí ở xã Kiên Lao, của dân tộc Nùng ở xã Kiên Thành. Hiện nay, ở xã Quý Sơn đang duy trì một lớp dạy chữ Hán Nôm của dân tộc Sán Dìu với 30 học viên; xã Đèo Gia đang bảo tồn hát dân ca ( sình ca ) của dân tộc Cao Lan; xã Kiên Lao cũng đang khôi phục nghề dệt thổ cẩm, đan sung ( như tay nải, túi đựng đồ dùng khi đi hội ) của dân tộc Sán Chí.

Ông Thắng cho biết thêm, tới đây, huyện tiếp tục chỉ đạo các xã thành lập các Câu lạc bộ hát dân ca của 3 dân tộc còn lại trên địa bàn là Hoa, Dao và Cao Lan; mở tiếp các lớp dạy hát, dạy chữ của các dân tộc thiểu số ở huyện và phối hợp với Trung tâm Văn hóa tỉnh khôi phục lễ cưới hỏi truyền thống của các dân tộc thiểu số còn lại trên địa bàn huyện./.

Như Kính
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN