03:18 11/03/2015

Dân 'liêu xiêu' vì thi công các công trình giao thông

Việc triển khai một loạt những công trình giao thông lớn trên một số tuyến vành đai và hướng tâm của Hà Nội đang có những ảnh hưởng tới đời sống người dân.

Việc triển khai một loạt những công trình giao thông lớn trên một số tuyến vành đai và hướng tâm của Hà Nội đang có những ảnh hưởng tới đời sống người dân, nhất là công trình đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông trên tuyến đường Nguyễn Trãi.

Tuyến đường Nguyễn Trãi - Hà Đông thường xuyên bị ùn tắc do thi công đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: CTV

Thường xuyên ùn tắc

Ông Lương Đức Thịnh, Phó giám đốc Trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị (Sở Giao thông Vận tải Hà Nội):

Việc di chuyển một số điểm dừng đỗ trên tuyến đường Nguyễn Trãi - Hà Đông theo phản ảnh của người dân là hoàn toàn đúng và gây nhiều bất tiện cho người dân dọc tuyến. Tuy nhiên, tuyến đường này đang thi công tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông theo từng đoạn và rào chắn đường. Để đảm bảo an toàn cho người dân khi đợi xe buýt, căn cứ vào tình hình thực tế, Trung tâm sẽ có điều chỉnh các điểm đỗ dừng. “Để khắc phục hiện tượng này, chúng tôi tăng cường thông tin về sự dịch chuyển và yêu cầu đơn vị thi công sớm trả lại mặt bằng khi thi công xong để thay đổi cự ly các bến dừng đỗ cho hợp lý. Khi tuyến tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông hoàn thành, Trung tâm sẽ có rà soát và cắm những điểm dừng đỗ cố định theo đúng quy định”.

Ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, thường trực Ban chỉ đạo “Năm trật tự và văn minh đô thị”:

Việc thi công tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông đã ảnh hưởng lớn đến người dân dọc hai bên tuyến đường và người tham gia giao thông. Hà Nội cũng đã yêu cầu đơn vị thi công phải đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông và có những giải pháp tối ưu để giảm ùn tắc giao thông. Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông là do Bộ GTVT quản lý và khi dự án này hoàn thành, Hà Nội cũng sẽ triển khai dự án chỉnh trang tuyến đường này từ việc trồng thay thế cây xanh, thảm vỉa hè, điểm dừng đỗ xe buýt... Do đó, chúng tôi cũng mong dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông sớm hoàn thành để Hà Nội sớm triển khai dự án tổ chức giao thông, chỉnh trang đô thị dọc tuyến Nguyễn Trãi - Hà Đông đồng bộ, hiện đại. Theo kế hoạch, dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông sẽ cơ bản hoàn thành vào giữa năm 2015.
Hàng ngày đi từ nhà ở Hà Đông vào chỗ làm tại trung tâm nội thành, anh Nguyễn Đăng Dương, nhân viên văn phòng, cho biết: “Tôi đi làm mất gần 1 tiếng xe máy, hôm nào tắc đường đúng là khốn khổ, nhất là qua những đoạn công trình đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông thi công và khổ nhất qua ngã tư Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến. Nơi đây được mệnh danh là “Ngã tư khổ của Hà Nội' vào giờ cao điểm”.

Còn chị Trần Thị Anh, nhà ở Phùng Khoang (quận Nam Từ Liêm) cho biết: “Sau những vụ tai nạn xảy ra dọc trên tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, giờ đi qua tuyến đường này luôn là nỗi kinh hoàng. Họ thường xuyên hàn, cẩu vật liệu xây dựng, khiến người dân cảm thấy không an toàn. Đi qua đây tôi phải tránh vòng phía bên ngoài, tuy vậy, nhiêu khi ùn tắc, tôi vẫn phải đi qua dưới gầm công trình nhà ga đang thi công. Dù biết nguy hiểm nhưng không đi qua thì không biết đến khi nào mới về tới nhà”.

Còn ngã tư Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến cũng đang được quây tôn để thi công hầm đường bộ khiến tình trạng ùn tắc giao thông giờ cao điểm diễn ra thường xuyên hơn do mật độ lưu thông  rất lớn. Do mặt đường bị thu hẹp, nhiều người dân đã chiếm dụng vỉa hè thành nơi đi lại, thậm chí vỉa hè của đoạn đường này cũng đang đào bới ngổn ngang, ngột ngạt mùa hanh khô, nhớp nháp mùa mưa. “Dịp này, mưa phùn đường bẩn, trơn trượt khiến phụ nữ đi qua đoạn đường này khốn khổ, nhiều người không quen đã bị ngã”, chị Nguyễn Thị Hương (Hà Đông) tâm sự.

“Không chỉ vậy, từ khi thi công tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, các điểm đỗ xe buýt ở đây thường thay đổi, như ở điểm Khương Đình, có những điểm cách nhau cả km, có điểm sát gần nhau khiến chúng tôi thấy bất tiện trong việc đón xe”, chị Hà Thu Thủy, khu tập thể cao su, phường Khương Đình (Thanh Xuân) chia sẻ.

“Hà Nội có 60 vị trí, khu vực đang thi công các công trình trên đường bộ như tuyến đường Nguyễn Trãi; Nhổn- Cầu Giấy đang thi công đường sắt trên cao; cầu vượt đường Bưởi vẫn rào chắn chưa xong.... Đây là những tuyến đường vành đai và hướng tâm nên gây quá tải và ùn ứ kéo dài”, ông Nguyễn Xuân Tân, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội thừa nhận.

Theo thống kê của Hà Nội, sau thành công giảm ùn tắc giao thông năm 2013 bằng việc xây cầu vượt, số điểm đen giao thông Hà Nội giảm còn khoảng 50 điểm. Tuy nhiên, do xây dựng nhiều công trình giao thông nên hiện nay lượng điểm đen tăng lên 91 điểm ùn ứ, ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống người dân.


Hạn chế ảnh hưởng


Theo đại diện Ban quản lý Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, đơn vị đang đẩy nhanh tiến độ thi công, nên đã có ảnh hưởng tới việc tham gia giao thông của các phương tiện tại những khu vực đang thi công. Để hạn chế tối đa ảnh hưởng, Ban quản lý đã yêu cầu các đơn vị phải đảm bảo an toàn giao tại khu vực thi công và hoàn trả mặt bằng ngay sau khi thi công xong. “Cái khó đối với công trình dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông là thi công trong điều kiện tuyến đường có mật độ tham gia giao thông cao nên mong có sự chia sẻ từ người dân để giúp tuyến đường sắt này sớm đưa vào sử dụng”.

Hiện trường vụ sập giàn giáo (tuyến đường sắt trên cao Hà Đông-Cát Linh. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN


Theo các cơ quan chức năng, tình trạng này cũng sẽ xảy ra tại nhiều tuyến đường hướng tâm và vành đai tại Hà  Nội trong thời gian tới, không chỉ tuyến Nguyễn Trãi - Hà Đông, mà cả tuyến Cầu Giấy- Nhổn, vành đai II từ nút giao Bưởi - Cầu Giấy... Sở GTVT tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp trong công tác chống ùn tắc giao thông, phối hợp chặt chẽ với Cảnh sát giao thông, bố trí lực lượng chốt trực đảm bảo chống ùn tắc giao thông tại các điểm thường xảy ra ùn tắc giao thông và có phương án tổ chức giao thông hợp lý, giảm tối đa ùn tắc. Đồng thời, Sở chỉ đạo các đơn vị thi công đào đường, vỉa hè sớm trả lại mặt bằng để người dân đi lại thuận tiện”, đại diện Sở cho biết.


Xuân Minh - Ngọc Bích